Bấp bênh đời sống làng biển bãi ngang

NDĐT-Con đường đất đỏ chạy vòng vèo qua từng trảng cát trắng đến lóa mắt dài chừng hai chục cây số thì hết. Điểm cuối con đường là thôn Tây Thôn, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Mất mùa biển, phần lớn các gia đình trong thôn lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều cặp vợ chồng bồng bế con cái vào Nam làm thuê, bỏ lại những ngôi nhà cửa đóng then cài và đường làng vắng tanh vắng ngắt. Nghề biển: bấp bênh cơm gạo Chạy gần hết thôn Tây Thôn, chúng tôi ghé vào ngôi lợp bằng tấm fibrô xi măng trông khá tuềnh toàng. Hóa ra đây chính nhà anh Nguyễn Văn Mỵ- người được bà con mệnh danh là "giàu có" nhất làng. Giữa nhà có bộ bàn ghế kiểu sa lon cũ và chiếc tivi vỏ đã bạc màu. Trải chiếu giữa nhà, anh Mỵ kêu vợ lấy nước rồi nói: "Tui trước đi bộ đội, có chế độ thương tật nên lương mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Nhà có sáu đứa con đều đi làm ăn trong Nam rồi lấy chồng, giờ chỉ có thằng út ở nhà học lớp 6. Lấy lương của tui mà chia cho ba người, vị chi mỗi tháng một người 400 ngàn là cao rồi. Bà con họ nói tui thuộc hộ "giàu" là vì rứa. Nhưng khổ lắm anh ơi, ở cái làng biển bãi ngang này, cá mú dạo ni không có, giữa đồi cát trắng rứa vườn tược có cây chi mô mà bán, cái chi cũng nhờ vô hơn triệu bạc tiền lương. Tính ra chi không đủ. Rứa mà bà con xóm làng có việc chi cũng chạy đến mượn tạm một ít. Họ túng quá thì mình cũng giúp đỡ chớ". Quanh nhà anh Mỵ chỉ có cát trắng và cây xoan dại, ngoài ra không có cây gì sống được. Anh than thở: "Mấy năm trước còn trồng được lạc, khoai lang năm ni thì chịu vì cả mùa hè không có nước tưới...". Cạnh nhà anh có vùng đất sản xuất của thôn khoảng gần 6ha, ở đấy anh Mỵ cùng được phân ba sào. Vụ trước anh trồng lạc. Chi phí giống hết 100 ngàn đồng, phân bón hết 800 ngàn đồng. Khi thu hoạch thương lái mua được 800 ngàn đồng. Anh cười như mếu: "Trồng lạc mà còn lỗ nữa là trồng cây chi. Vụ vừa rồi không có nước tưới nên bỏ hoang luôn". Vợ anh ngồi bên chồng cũng góp chuyện: "Để kiếm cái ăn, chừ cả làng đều đi Nam. Nhưng không phải ai đi làm thuê cũng tích trữ được tiền về Tết, có nhiều người vài ba năm mới về một lần. Rứa anh không chộ xóm làng vắng ngắt à". Làng biển bãi ngang như bị bó gọn trong cảnh đói nghèo. Anh Nguyễn Đình Phương, Trưởng thôn dáng người thấm đậm, chắc nịch vừa đi biển về tiếp chuyện chúng tôi. Anh nói: "Năm ni, thời tiết có vẻ yên hòa, nhưng lại "động" chuyện biển. Hiện tượng lạ từ trước đến nay: biển đẹp nhưng cá tôm không vào bờ. Như vụ cá nam các năm trước, làng biển khá nhộn nhịp vì người mua kẻ bán. Thuyền vô cũng chí ít được năm, bảy chục cân hay vài tạ cá cơm, cá phướn... Chừ thì không có chi, may được bữa kho cho cả nhà. Trưởng thôn Phương lấy chuyện của mình ra để ví dụ: "Đó, đêm qua tui với hai người nữa ra khơi. Hết 200 ngàn đồng tiền dầu, thêm 100 ngàn tiền ăn và lặt vặt. Một đêm chong mắt thả lưới, rạng sáng kéo lên, chỉ được vài ba cân cá, coi như phải chạy thuyền về không. Lỗ cho chộ luôn"! Không chỉ làng Tây Thôn, không chỉ xã Ngư Thủy Nam mà cả vùng Ngư Thủy (bao gồm ba xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam) là biển bãi ngang chỉ có thuyền bơ nan đánh cá, tôm ở ven bờ. Nguồn hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt nên nghề biển ở đây rất bấp bênh. Anh Phương cho biết, mất mùa biển nên gần như cả thôn hơn 60 hộ đều thiếu ăn. Nhiều gia đình đã đóng cửa, gửi nhà cho hàng xóm để vào Nam làm ăn. Xóm "cửa đóng then cài"… Sát nhà anh Mỵ là nhà mệ (bà) Soản. Mệ năm nay đã tuổi 75 nhưng còn khỏe. Vợ chồng con trai đi làm thuê xa. Nhà có ba đứa chúa nội thì đứa lớn 16 tuổi đã đi làm thuê cho người bà con dưới thành phố Đồng Hới, còn lại hai đứa đi học. Mệ nói: "Thằng Hiền (con trai mệ) vô Nam đánh cá thuê cho người ta, gửi tiền về cho mệ cháu đong gạo ăn. Vợ hắn ở nhà cũng không làm chi ra tiền nên vô Khe Sanh (Quảng Trị) làm thuê cho rẫy cà phê, mỗi ngày được 50 ngàn đồng. Cứ vài ngày có người ra là mẹ hắn chắt bóp gửi ra ít tiền cho ba mệ cháu". Chào mệ Soản, chúng tôi đến thôn Nam Tiến, xã Ngư Thủy Nam. Có sự trùng hợp gì ở đây chăng ? Thôn "Nam tiến" nên người cũng "Nam Tiến", nhiều ngôi nhà ven đường cửa đóng then cài, thậm chí ổ khóa đã han gỉ chứng tỏ gia chủ lâu ngày chưa trở về. Trưởng thôn Nguyễn Văn Hàn cho biết, hơn 100 lao động trai tráng trong thôn đã đi làm ăn xa, gần hai chục gia đình trẻ gửi con cái lại cho ông bà cũng đi Nam làm thuê. Vợ chồng cùng đi để làm lụng, tích góp những mong có chút tiền mà trả nợ làm nhà, chi phí dầu đèn mỗi khi vào mùa biển. Quanh khu vực trụ sở thôn Nam Tiến, có rất nhiều ngôi nhà đóng cửa, xóm vắng hoe vắng hoắt, thi thoảng mới có một người già hoặc trẻ em qua lại. Bà Nguyễn Thị Thoái bồng trên tay đứa cháu nội chưa đầy hai tuổi tiếp chuyện chúng tôi. Nước mắt vắn dài, bà nói: "Làm nghề biển bãi ngang chừ không đủ chi tiền dầu nên bà con bỏ nghề đi mần ăn cả. Mấy đứa con tui gửi cháu lại vô tận Bình Phước mần thuê, rứa nhưng tiền công không được mấy, chừ đang muốn chuyển xuống Vũng Tàu để đỡ chi phí tiền điện, nước. Chú coi, có đứa làm cả năm nhưng không đủ tiền xe về, gọi điện về cho mạ mếu máo, tội lắm chú ơi". Ông Nguyễn Hữu Dàn có tám người con thì bốn đứa đã vào Nam làm ăn. Mới đây vợ chồng người con trai gửi cho ông bà đứa cháu gái mới tuổi rưỡi để "hành Phương Nam". Ông kể, nhiều đêm cháu bé thèm sữa mẹ khóc ngằn ngặt, ông bà cũng chảy nước mắt theo. Được cái, nhờ trời nên có gì ăn nấy, cháu bé bụ bẫm, khỏe mạnh. Trưởng thôn Nguyễn Văn Hàn cho biết, độ tháng ba, tháng tư hàng năm, vùng biển bãi ngang này đã vào mùa ruốc, mùa cá cơm nhưng năm nay không thấy con gì. Có nhiều nhà sắm thuyền 40-50 triệu đồng nhưng không đánh bắt được, đành gác thuyền, treo lưới đi miền Nam làm thuê. Cha mẹ đi làm ăn xa, con cái bỏ bê việc học hành, đến các khoản đóng góp trong thôn cũng khó thu. Bấp bênh đời sống đến bao giờ? Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam, Nguyễn Phương Lâm cho biết: "Năm nay đúng là mất mùa biển, đến con ruốc cũng không có. HTX chế biến Ngư Thủy đầu tư lò sấy cả trăm triệu đồng chỉ làm được một mẻ rồi treo. Địa phương có tiềm năng về nuôi tôm trên cát nhưng dân nghèo lấy đâu ra vốn, không có kỹ thuật nên không nuôi được. Đất cát cũng chẳng trồng được cây gì có giá trị. Đời sống còn khó khăn nên người dân phải đi kiếm việc làm ở nơi khác". Mấy năm gần đây, một số hộ ở vùng biển bãi ngang Lệ Thủy đào ao nuôi cá nước ngọt bước đầu thu được hiệu quả. Hiện tại, người dân đã đào hơn 1.000 ao nuôi cá với diện tích khoảng 25ha. Nhiều hộ mỗi năm thu hơn 10 tấn cá, khoảng 20 triệu đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với người dân nghèo vùng biễn bãi ngang nơi đây. Thế nhưng, những tháng hạn hán vừa qua đã làm nguồn nước ngầm trong cát khô kiệt, hầu hết ao cá bị nhiễm mặn hoặc khô cong dưới cái nắng tháng 7 Quảng Bình. Nắng hạn đi qua thì mùa mưa tới, chỉ cần một trận mưa, cát chảy tràn quanh vườn, lấp hết ao hồ nên việc nuôi cá cũng xem như bó tay. Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung, Nguyễn Hữu Lưỡng chia sẻ: nuôi cá nước ngọt trên cát bước đầu có hiệu quả nhưng rõ ràng không ổn định do thiếu chủ động nguồn nước ngọt và khó phòng chống nạn cát chảy. Câu hỏi đặt ra là làm gì để giúp người dân ổn định đời sống ? Lãnh đạo ba xã vùng biển bãi ngang huyện lệ Thủy đều cho rằng, đó là khai thác tiềm năng trồng rừng và chăn nuôi trên cát. Tuy nhiên, đó vẫn mới chỉ là định hướng và người dân các xã bãi ngang vẫn chưa có ai giàu lên nhờ chăn nuôi cả. Trong khi điệp khúc "hành Phương Nam" đang là thực tế nhức nhối ở đây. Anh Nguyễn Văn Mỵ: "Lương mỗi tháng 1,2 triệu đồng, bà con nói tui thuộc hộ "giàu" là vì rứa". Những ngôi nhà ở thôn Nam Tiến cửa đóng then cài. Thuyền bơ nan mang lên phơi nắng bên nhà, ngư phủ "hành phương Nam". Trai tráng đi làm ăn xa, hàng ngày phụ nữ thôn Tây Thôn ra rừng phi lao kiếm củi về đun.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=183878&sub=127&top=39