Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm của toàn xã hội

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011; trong đó đã xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng.

Nước sạch - sự mong đợi và niềm vui sướng của người dân Ảnh: Hoàng Long Quan điểm phát triển đầu tiên là "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”. Một nội dung quan trọng của quan điểm phát triển bền vững là "Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Chiến lược cũng đã xác định mục tiêu cụ thể về môi trường: "Cải thiện chất lượng môi trường. Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%. Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. Các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn. Cải thiện và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm nặng. Hạn chế tác hại của thiên tai; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng”. Thực hiện được những mục tiêu cụ thể nói trên sẽ đưa lại bước tiến đáng kể trong việc cải thiện chất lượng môi trường cũng như chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, đây không phải là công việc dễ dàng, mà đòi hỏi một sự nỗ lực lớn, cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội. Thực tế cho thấy, ô nhiễm môi trường ở nước ta vẫn tiếp tục gia tăng. Nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều con sông có nguy cơ trở thành "sông chết”. Không khí chúng ta đang thở, đất đai chúng ta đang canh tác đang bị ô nhiễm ngày một nặng nề hơn bởi chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Đó là cái giá chúng ta đang phải trả cho sự phát triển. Hiện trạng của sự phát triển hiện nay khó có thể nói là phát triển bền vững. Chúng ta đã có Luật, Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường. Song hình như pháp luật cũng chưa thực sự có hiệu lực để cải thiện tình hình. Ở đây, có vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước hữu quan, nhưng còn có vấn đề về ý thức chấp hành pháp luật, ý thức về văn hóa hành vi bảo vệ môi trường của các tầng lớp xã hội, cộng đồng dân cư, từng người dân và toàn xã hội. Do đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi đến từng người; động viên sự tham gia tích cực của tất cả các tổ chức thành viên, các giai tầng và toàn xã hội vào sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức bằng cách truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như từ trước đến nay vẫn làm là cần thiết nhưng hoàn toàn chưa đủ và không thể cải thiện được tình hình nếu chỉ dựa vào cách làm này. Chỉ khi người dân thay đổi hành vi, hình thành thói quen, tập quán, hành vi mới thân thiện với môi trường thì khi đó việc bảo vệ môi trường mới có cơ sở vững chắc, mới xây dựng được nếp sống văn hóa môi trường trong từng cá nhân, các nhóm xã hội, trong các cộng đồng dân cư. Đó là một việc làm công phu bền bỉ, là cuộc vận động sâu rộng trong các tổ chức xã hội, các đoàn thể; kết hợp giữa các biện pháp truyền thông, giáo dục, hành chính, pháp luật và kinh tế; lồng ghép với các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa của từng địa phương. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động lồng ghép với việc xây dựng văn hóa hành vi thân thiện với môi trường là một trong những hình thức hoạt động có hiệu quả. Như vậy, chỉ có trong tập thể, thông qua các tập thể thân thiện với môi trường mới hình thành và phát triển được văn hóa môi trường. Mỗi người trong xã hội có thể đóng vai trò thanh tra viên về môi trường. Chúng ta có thể giám sát mọi hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền và của mọi cá nhân trên góc độ môi trường. Mọi dự án đều cần được phản biện về tác động môi trường. Mọi hành vi phá hoại môi trường đều phải bị tố cáo và lên án. Trong nhiều trường hợp, một cá nhân khó có thể có đủ tri thức, lý lẽ và sức mạnh để làm các việc đó. Ở đây cần có vai trò của các tổ chức trong xã hội. Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, các cá nhân tự nguyện trong các phong trào môi trường sẽ tập hợp lại thành các hội. Sự tập hợp này cho phép nhân lên gấp bội các nguồn lực cần thiết cho bảo vệ môi trường như tri thức, kinh nghiệm, khả năng phản biện chính sách, pháp luật, khả năng tập hợp lực lượng để đấu tranh với hành vi phá hoại môi trường. Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang có những cố gắng như vậy. Hội tập hợp rộng rãi các cá nhân và tổ chức, tranh thủ và phát huy mọi nguồn lực nhằm góp phần bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Ba định hướng lớn trong hoạt động của Hội là: "Nước sạch đến với người nghèo”, "Biến chất thải thành tài nguyên” và "Cùng cộng đồng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong sự nghiệp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, một mình Nhà nước không thể hoàn thành được công việc khó khăn này. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực và nhiều mặt của các tổ chức và cá nhân, của mọi thành phần kinh tế, các cộng đồng dân cư là điều kiện cần thiết bảo đảm sự thành công của sự nghiệp bảo vệ môi trường; đáp ứng với những yêu cầu về bảo vệ môi trường do Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra. TS. HỒ NGỌC HẢI Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=32266&menu=1512&style=1