Bảo tàng Hồ Chí Minh - Những hình ảnh của Bác năm xưa tìm đường cứu nước

(VOH) - Có lẽ, không phải tôi mà bất kỳ ai mỗi khi đến thăm bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đều dâng lên niềm xúc động khôn nguôi.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh hiện tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4. Bên những tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày công phu và sinh động trong từng gian phòng, tôi như bị cuốn theo dòng thời gian từ khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên tàu Amiral Latouche De Treville, mở đầu cho hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Là bảo tàng chi nhánh, nên hầu như không có hiện vật gốc, phải sử dụng chủ yếu tài liệu, hiện vật hỗ trợ song không vì thế mà kém đi sự thu hút. Từng thời khắc lịch sử, đặc biệt nhấn mạnh quá trình tìm đường cứu nước của Người được bố trí, sắp xếp khoa học giúp chúng ta dễ dàng hiểu và cảm nhận về chặng đường gian nan nhưng vinh quang mà Bác đã đi qua. Có thể nói, chính lòng kính yêu Bác Hồ vô tận, sự tâm huyết với di sản Hồ Chí Minh, lãnh đạo và cán bộ bảo tàng qua các giai đoạn đã không quản ngại khó khăn đi đến từng địa chỉ có hiện vật về Người, sưu tầm và đưa vào hệ thống trưng bày tại bảo tàng. Trong đó đề tài về “Tình cảm Bác Hồ đối với miền Nam - tình cảm nhân dân miền Nam với Bác Hồ" là chủ đề xuyên suốt mà bảo tàng chú trọng thực hiện từ khi còn là khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời, Bác luôn đau đáu nỗi nhớ miền Nam, đúng như hai câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Vì vậy, tin Bác mất là nỗi đau không gì có thể bù đắp, tại khắp các tỉnh thành miền Nam nơi đâu cũng để tang Bác. Sau ngày giải phóng, những chiếc băng tang, tủ thờ, di ảnh Người đã được sưu tập và đặt trang trọng tại bảo tàng, đây là những hiện vật vô cùng quý giá, nói lên tình cảm tiếc thương, lòng kính yêu lớn lao của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ. Bên cạnh đó, để xây dựng hệ thống tư liệu về Bác thêm đa dạng, phong phú, bảo tàng cũng rất trân trọng đón nhận những tư liệu, hình ảnh Bác Hồ của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, phải kể đến bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, hiện đang sống tại quận Tân Bình - Nhà giáo về hưu - người được chọn gặp Bác ba lần từ khi bà còn thời niên thiếu và từng được Bác trao tặng huy hiệu chiến sĩ diệt dốt năm 1958. Với bà trên 30 năm sưu tầm và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, bà tâm sự: “Càng tìm hiểu về Bác Hồ tôi càng kính trọng Bác vô vàn, những kỷ niệm trong những lần gặp Bác mãi ghi khắc trong tâm, tôi nguyện sẽ tiếp tục công tác sưu tầm này cho đến khi không còn đủ sức mới thôi”. Rồi bà tiếp tục kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện quý giá về Bác, trong niềm xúc động: Một trong những điểm nhấn tại bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Tp HCM là phòng trưng bày chân dung Bác, được các nghệ sĩ sáng tác bằng nhiều chất liệu khác nhau như bằng gương, bằng khuy áo và cả cát nữa. Cát là vật tự nhiên mà đất trời ban cho con người, từ những hạt cát vô tri như lời nghệ nhân Ý Lan chia sẻ thì Cát đã hóa tâm hồn qua bàn tay người nghệ sĩ và từ Cát - chân dung Bác hiện lên đẹp vô ngần, ở nhiều sắc thái, cảm xúc. Có lẽ, từ vật liệu Cát và tấm lòng tôn kính Bác thì người nghệ nhân mới có thể làm nên những bức tranh Cát rất có hồn? Nói về những tác phẩm quý báu này, nghệ nhân Ý Lan bày tỏ: Giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, kính yêu lãnh tụ là nhiệm vụ to lớn mà bảo tàng HCM đã và đang thực hiện. Mỗi ngày đều có rất đông khách đến tham quan và học tập tại bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, nhất là từ khi có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì số khách đến tham quan tăng lên nhiều lần. Đây chính là nguồn động viên to lớn đối với những người làm công tác bảo tàng, nơi neo giữ giá trị vô giá của dân tộc, mà ở đây là hình ảnh về lãnh tụ đáng kính của nhân dân Việt Nam. Nói về tác dụng giáo dục của những hiện vật được trưng bày tại đây, bà Nguyễn Thị Hoa Xinh - Giám đốc bảo tàng nói: Nằm tại một vị trí không gian lộng gió giữa lòng thành phố, Bến Nhà Rồng xưa - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM ngày nay là biểu tượng đặc trưng của Tp HCM . Từ đây có thể nhìn thấy sự phát triển của Thành phố HCM với Công trình hầm dìm Thủ Thiêm đang trong giai đoạn hoàn chỉnh - một công trình nằm trong tổng thể Đại lộ Đông -Tây. Cũng có thể nói, tuyến đường huyết mạch ra vào Tp này cùng nhiều công trình lớn đang trong quá trình xây dựng, chính là thành quả mà những đứa con phương Nam dâng lên Người, dù chưa có dịp vào thăm miền Nam, nhưng Bác sẽ rất vui vì con cháu Người đã góp phần xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Người. Mai Thảo

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=18865