Bản đồ tư duy trong dạy học

Hơn 1 năm nay, cô và trò trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tiếp cận với phương pháp học này. Cách ghi chép, trình bày bài học chú trọng tới hình ảnh, màu sắc và các mạng lưới liên tưởng...

“Bản đồ tư duy” - công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập. Lâu nay, ngành giáo dục phải đối mặt với vấn nạn học vẹt - học sinh chỉ học thuộc lòng mà không nắm được ý chính. Nguyên nhân là từ thói quen dạy và học thụ động, khiến học sinh chỉ biết tiếp thu kiến thức một chiều mà không chú trọng tự nghiên cứu tìm tòi, nắm ý chính của bài học. Vì thế, một trong những nội dung của phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” chính là đổi mới phương pháp dạy học để thay đổi tư duy và tăng sự hứng thú của cả giáo viên và học sinh. Một buổi học Văn của học sinh trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Trên bảng, thay cho những câu chữ đơn điệu là bản đồ với đủ màu sắc và các nhánh. Nội dung bài học hôm nay với các ý được chia thành một mạng lưới. Cách trình bày này còn xuất hiện trong vở ghi của các học sinh. Hơn 1 năm nay, cô và trò trường THCS Tô Hoàng đã tiếp cận với phương pháp học có tên Bản đồ tư duy - cách ghi chép, trình bày bài học chú trọng tới hình ảnh, màu sắc, và các mạng lưới liên tưởng. Cô giáo dùng để trình bày bài giảng, còn học sinh thì dùng để ghi chép lại bài học và có thể tự bổ sung ý kiến của mình. Mỗi em lại có cách ghi bài khác nhau. Áp dụng cách này, với học sinh, các môn xã hội trở nên dễ học. Nguyễn Trung Hiếu, Học sinh trường THCS Tô Hoàng phát biểu: “Kiến thức Văn học rất nhiều và dài dòng, khiến cho học sinh khó nhớ. Sau khi được giới thiệu cách học bằng bản đồ tư duy, giúp em hệ thống lại các kiến thức trong bài học và dễ nhớ hơn. Không những bản đồ tư duy có thể áp dụng trong từng môn học, mà em có thể áp dụng nó trong cả đời sống nữa”. Cô Nguyễn Thị Thuận, Giáo viên trường THCS Tô Hoàng: “Học sinh rất hứng thú. Các em tạo nên lối tư duy độc lập, logic. Với tư duy độc lập, logic ấy hội lại làm với nhóm thì các em lại có những suy nghĩ rất sáng tạo, đồng thời khi kiểm tra lại bài, các em nắm bài rất vững”. Tiến sĩ Trần Đình Châu - người đầu tiên tiến hành nghiên cứu và tìm cách đưa phương pháp bản đồ tư duy vào giảng dạy tại Việt Nam cho rằng, quan trọng là phổ biến phương pháp này đến đội ngũ giáo viên, thay đổi tư duy dạy học của họ. Hàng loạt các lớp tập huấn cho giáo viên đã được triển khai tại 63 tỉnh thành trên cả nước, và các thầy cô giáo là những người đầu tiên tự tay thiết kế bản đồ tư duy. TS.Trần Đình Châu, Giám đốc Dự án THCS II, Bộ GD&ĐT: “Chúng tôi cung cấp những phần lí luận cơ bản nhất, đồng thời cho giáo viên cốt cán được thiết kế bản đồ tư duy. Chính vì thế mà giáo viên rất hào hứng, vì họ vừa được nghe, được đọc lại được làm”. Từ năm 2010, việc ứng dụng phương pháp học bằng bản đồ tư duy đã được triển khai thí điểm tại 355 trường trên toàn quốc. Và năm học này, Bộ GD-ĐT đã quyết định đưa phương pháp này thành 1 trong 5 chuyên đề tập huấn cho giáo viên THCS trên toàn quốc. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trường vụ GD TH của Bộ GD-ĐT, ngoài tính khoa học, phương pháp học này có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất của ngành giáo dục Việt Nam. TS.Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT): “Bản đồ tư duy có thể áp dụng cho nhiều vùng khác nhau, đặc biệt tại các vùng nghèo, giáo viên có khi chỉ cần 1 tấm bản đồ dùng rồi, 1 tờ lịch dùng rồi, chỉ cần 1 mặt giấy, cũng có thể vẽ được sơ đồ tư duy. Học sinh có thể học trên 1 mặt bằng, thậm chí là 1 nền đất. Chính vì tính linh hoạt nên áp dụng nó khả thi”. Tác giả : Linh Chi Ý kiến bạn đọc (0)

Nguồn VTV: http://vtv.vn/article/get/ban-do-tu-duy-trong-day-hoc-136d030afd.html