Bài dự thi Biển, đảo Việt Nam: Tầm quan trọng của biển nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

“Thế kỷ XXI đ­ược thế giới coi là “thế kỷ của đại d­ương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Nước ta có bờ biển dài 3.200km từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), với vùng biển rộng trên 1 triệu km2, có trên 30 cảng biển, 112 cửa sông, 47 vũng, vịnh và khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; vùng biển nư­ớc ta tiếp giáp với các n­ước: Trung Quốc, Philíppin, Malaixia, Indonexia, Brunây, Thái Lan, Campuchia.

Là một quốc gia nằm trong số 10 nư­ớc trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển, mở ra 3 hư­ớng Đông, Nam và Tây; có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, diện tích v­ượt quá một triệu km2, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền; có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, gần bờ và xa bờ, chạy suốt từ vịnh Bắc Bộ tới vịnh Thái Lan. Những vị thế, địa lý tự nhiên và tiềm năng kinh tế của vùng biển n­ước ta có tầm quan trọng trong chiến l­ược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Biển có ý nghĩa to lớn để chúng ta phát triển và mở rộng giao lưu quốc tế. Tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước...”, điều đó ta thấy rằng: Biển nước ta có nguồn tài nguyên tiềm tàng, nếu biết khai thác và khai thác đúng nguồn tài nguyên đó thì làm cho nước ta ngày càng giầu và mạnh lên từ biển. Đây là một vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước, trong đó nổi bật là dầu khí (với trữ lượng khoảng 3-4 tỷ tấn dầu quy đổi), ngoài ra còn nhiều loại khoáng sản phổ biến khác như: than, sắt, ti tan, cát thủy tinh..., hải sản có tổng trữ lượng khoảng 3-4 triệu tấn và cả những tài nguyên có giá trị năng lượng cao mà khoa học hiện đại mới phát hiện. Đặc biệt đáng chú ý là vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông, Trung Quốc và Nhật Bản với các nước trong khu vực. Có thể nói đó là cánh cửa rộng mở để cho ta vươn ra đại dương bao la, nhằm chủ động hội nhập kinh tế với thế giới có hiệu quả. Vùng biển nước ta không những có vị trí quan trọng về kinh tế mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự đối với các nước trong khu vực và trong chiến lược của các nước lớn, nó là biên giới phía Đông, là đường tiếp cận, bàn đạp tiến công, uy hiếp, phong tỏa và phá hoại nhiều mặt của các thế lực xâm lược. Lịch sử cho thấy rằng trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, biển Đông cùng các đảo vẫn còn diễn ra các tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia, nơi tiềm ẩn những bất trắc khó lường, đang là thách thức đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh của nước ta trên biển và từ hướng biển. Tuy nhiên, trong một thời kỳ lâu dài, chúng ta chủ yếu dựa vào đất liền để sinh sống và phát triển, khi nói đến lãnh thổ chủ yếu chỉ nghĩ đến lãnh thổ đất liền, vẫn chưa nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của biển. Trước kia, con người sử dụng biển chẳng qua là nó có lợi cho việc phát triển nghề cá, nghề làm muối và nó có lợi cho việc vận chuyển.Về mặt quân sự chủ yếu là để đưa quân tiến vào đất liền mà thôi. Ngày nay, do sự phát triển cải cách và mở cửa con người nhận thức về biển ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn. Biển có vị trí quan trọng như vậy, song hiện nay còn nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương và các lực lượng hoạt động trên biển chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò chiến lược của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chưa thấy hết được tiềm năng to lớn của biển trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác nghiên cứu khoa học và hiểu biết về biển còn hạn chế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven biển và hải đảo còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu, chưa gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường QP-AN, bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia trên biển. Vấn đề phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai từ hướng biển đang là khó khăn lớn của nước ta. Việc xây dựng lực lượng để quản lý và bảo vệ chủ quyền, và quyền tài phán quốc gia trên biển, đảo đặc biệt là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và Biên phòng chưa được tăng cường đúng mức, khả năng răn đe sẵn sàng đánh trả các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển còn hạn chế. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới về biển, phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ để nhanh chóng tiến ra biển, làm chủ biển, xây dựng một nền kinh tế biển mạnh, một nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân mạnh. Chỉ có thực hiện được mục tiêu này chúng ta mới có thể hoàn thành nhiệm vụ đưa nước ta giầu lên, mạnh lên từ biển theo như tinh thần của nghị quyết Trung ương 4 (khóa X)./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=349490&co_id=30361