Bài 9: Đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống

(HNM) - Đấu tranh là yếu tố quan trọng, để xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh. Ngày nay do tác động của cơ chế kinh tế thị trường, cùng sự chống phá trên nhiều lĩnh vực của các thế lực thù địch, trong khi đó một bộ phận đảng viên lại thiếu tu dưỡng và rèn luyện, không gương mẫu về phẩm chất và lối sống, nói không đi đôi với làm... Cùng lúc đó hiệu lực lãnh đạo và sức mạnh đấu tranh của đảng viên trong một số tổ chức đảng không cao, đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Trước tình hình đó Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã ra nghị quyết: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay". Trong đó xác định rõ: Phải kiên quyết đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, thực hiện thành công nhiệm vụ do Hội nghị Trung ương lần thứ tư và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.

Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đó là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Tuy vậy, đây là vấn đề rất khó, vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống luôn được che đậy rất khôn khéo dưới nhiều hình thức, lại gắn liền với lợi ích của từng cá nhân, liên quan mật thiết đến tập thể cấp ủy và toàn đơn vị. Hơn nữa sức mạnh đấu tranh, tình trạng dĩ hòa vi quý, biết mà vẫn làm ngơ cho rằng, đấu tranh thì tránh đâu, không khéo lại bị truy chụp là gây mất đoàn kết nội bộ... Điều đó đã trở thành nếp nghĩ, lời dăn dạy, sự thủ tiêu đấu tranh của một bộ phận cán bộ và đảng viên. Vì vậy muốn đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống thành công. Trước hết các tổ chức đảng và từng đảng viên, cần nghiên cứu nhận thức đúng và nắm chắc những vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, mà Nghị quyết Trung ương lần thứ tư đề ra. Trên cơ sở đó từng cấp ủy và từng đảng viên phải xen xét và đánh giá đúng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống ở bản thân mình, tổ chức mình đến đâu, được biểu hiện dưới những dạng thức nào, đối tượng và vấn đề gì là chủ yếu. Từ đó xác định rõ phương hướng và biện pháp đấu tranh, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cho từng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Trong đó phải xem xét, đánh giá đúng những tồn tại và yếu kém bản thân, từng cấp ủy và tổ chức đảng, xác định rõ vấn đề gì là then chốt, cấp bách cần phải đấu tranh khắc phục ngay, lựa chọn tốt thời điểm mở đầu và khâu đột phá, nhằm vào những mặt yếu kém nhất và xác định rõ thời gian dứt điểm... Bên cạnh đó các tổ chức đảng cần xây dựng cho được tính chiến đấu, động viên được tinh thần đấu tranh và có biện pháp bảo vệ người đấu tranh trong từng tổ chức đảng. Trong kế hoạch và chương trình hành động phải làm rõ nội dung đấu tranh để tăng cường bản lĩnh chính trị, nhằm làm cho mọi đảng viên luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, quan điểm mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế; phương hướng xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Việc cần giữ vững phẩm chất, đạo đức và lối sống, nói đi đôi với làm, phát huy vai trò tiền phong và gương mẫu của mỗi đảng viên với công tác xây dựng Đảng... là yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu Hội nghị Trung ương lần thứ tư đề ra: phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế và yếu kém, xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch và vững mạnh... Phương châm chỉ đạo cần kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, nhằm giúp đỡ đồng chí mình phát huy ưu điểm, nhận rõ khuyết điểm, để có quyết tâm sửa chữa là chính. Phương pháp đấu tranh, phải tạo được chuyển biến cả những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Quan trọng nhất là từng đảng viên và tổ chức đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá và nói đúng sự thật, một cách khách quan, công bằng, cả ưu và khuyết điểm, làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhất thiết không che giấu, bảo thủ, nể nang, thiên vị, hoặc né tránh với người có chức, có quyền, sợ ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân và thành tích của đơn vị, hoặc sợ bị trù dập, cô lập... Trong đấu tranh, từng người phải lấy tinh thần xây dựng, với tình cảm yêu thương giúp đỡ lẫn nhau một cách chân tình và thẳng thắn; không thêm bớt, đao to búa lớn, tránh xa cách và kỳ thị với người có khuyết điểm... Cùng với đấu tranh, mọi đảng viên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, sống trong sạch, không tham danh, hám lợi. Tác phong công tác phải gần dân, sâu sát giúp đỡ cấp dưới, có trách nhiệm trước công việc, luôn đặt lợi ích của tập thể và nhân dân lên trước lợi ích cá nhân. Biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quần chúng, giải quyết kịp thời mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân, theo đúng đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không tham ô, lãng phí. Cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương để quần chúng học tập và noi theo. Cùng với đấu tranh, phải cảnh giác với mọi âm mưu kích động, mua chuộc và lôi kéo của kẻ thù, nhằm gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng. Quyết không để chệch hướng, hoặc làm phai mờ mục tiêu và lý tưởng của Đảng. Kiên quyết không để tồn tại trong Đảng những đảng viên chỉ biết thu vén lợi ích cá nhân, nâng đỡ kẻ xu nịnh, trù dập người đấu tranh thẳng thắn, sống và làm việc chân chính, không bè phái, cục bộ... Làm được như vậy, chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ đảng viên và các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Đảng ta ngày càng trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên địa bàn Hà Nội có nhiều cơ quan trung ương và địa phương, với đội ngũ đảng viên lớn, tổ chức cơ sở đảng nhiều. Nếu đội ngũ đảng viên và tổ chức cơ sở đảng ở Thủ đô chuyển biến tốt, sẽ tạo động lực thúc đẩy cùng toàn Đảng và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương lần thứ tư và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra. Thực tiễn thời gian qua trước khó khăn về kinh tế trong nước, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự yếu kém trong xây dựng Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba đã ra Nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế, Hội nghị Trung ương lần thứ tư ra Nghị quyết về xây dựng Đảng, Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Chủ trương của thành phố về bình ổn giá và lập lại trật tự đô thị, cũng như tăng cường kiểm tra và giám sát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết vừa qua... Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thủ trưởng nhiều bộ, bí thư, chủ tịch và các sở, ban ngành của thành phố, sâu sát kiểm tra, đưa ra những quyết sách đúng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tạm dừng một số công trình thiếu hiệu quả, hoặc thiếu vốn đầu tư, đình chỉ và miễn nhiệm một số cán bộ thiếu trách nhiệm, có biểu hiện tham ô và lãng phí... đã thu hút sự chú ý và được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của đảng viên và nhân dân. Điều đó đã làm tăng lòng tin, sự kết cấu bền chặt, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Một số chủ trương và phương hướng lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như của thành phố rất được lòng dân, nhưng ta lại tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả, như việc bảo đảm quyền học tập, sinh hoạt và khám, chữa bệnh của người dân, cải cách hành chính, bảo đảm vệ sinh môi trường, thông thoáng lòng đường vỉa hè, giữ trật tự an toàn giao thông, công bằng trong thực thi pháp luật... thời gian qua, chúng ta thường làm theo ý chí của các nhà quản lý, hoặc bằng các chiến dịch và phong trào; thiếu sự điều tra, tính toán kỹ để tìm ra các giải pháp hiệu quả. Bên cạnh đó lại thiếu sự sâu sát kiểm tra và giúp đỡ của các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, để kịp thời phát hiện những tồn tại thiếu sót, rút kinh nghiệm, tìm ra phương hướng khắc phục. Cùng lúc đó, chúng ta lại chưa giao quyền và gắn chặt trách nhiệm cho lãnh đạo cấp dưới, nhằm phát huy tính chủ động và sáng tạo của cơ sở. Đặc biệt là chưa nghiên cứu kỹ ý kiến phản biện, cùng chịu sự kiểm tra giám sát của nhân dân và dư luận xã hội. Trên cơ sở đó để định hướng tuyên truyền và vận động, nhằm tạo ra sự đồng thuận, để động viên sức mạnh toàn dân thực hiện thành công các nghị quyết, chủ trương và phương hướng lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu, tìm ra biện pháp khắc phục trong quá trình học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết, để Nghị quyết Trung ương lần thứ tư về xây dựng Đảng đi vào cuộc sống và đạt kết quả cao hơn, đáp ứng nguyện vọng và lòng mong mỏi của toàn dân.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/to_chuc-can_bo/537598/bai-9-%c4%91ay-lui-tinh-trang-suy-thoai-ve-tu-tuong-chinh-tri-dao-duc-va-loi-song.htm/