“Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại”

(Toquoc)- Nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), sáng 13/10 Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại” tại Hà Nội. Cuộc hội thảo quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình tên tuổi cùng đông đảo độc giả, báo chí.

Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học đã tới tham gia Hội thảo (ảnh Hà Anh)

Truyện Kiều tác động thế nào tới nhà văn?

Có rất nhiều tham luận được gửi đến Hội thảo như là một sự khẳng định thêm một lần giá trị của Truyện Kiều từ khi ra đời cho đến nay. Nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng: Tôi lựa chọn nghề viết văn cũng bắt đầu từ yêu thơ Kiều, song gần như đến cuối cuộc đời, những gì mình làm được, chẳng qua cũng chỉ đáng là con oanh học nói. Có thể nhiều bạn viết khác cũng như tôi, rất nhiều khi tự mình đi tìm câu trả lời của một câu hỏi: Vì sao Truyện Kiều có ma lực hấp dẫn mọi thời đại. Câu trả lời sẽ rất phong phú. Với tôi, đó là tình yêu thương con người sâu nặng trong trái tim của Nguyễn Du được ký thác ở từng con chữ. Qua Nguyễn Du, có thể thấy tầm cỡ của một thiên tài được hình thành từ nhiều phía, nhưng yếu tố tiên quyết phải chăng là tình yêu sâu sắc đối với con người. Đó cũng chính là một phần biểu hiện cái tâm của người nghệ sĩ.

Còn nhà thơ Vương Trọng, trong bản tham luận Truyện Kiều dạy tôi làm thơ có đoạn: “Không nhớ được những gì mẹ ru nhưng tôi bắt đầu đọc Kiều từ khi tập đánh vần và chưa hết cấp hai thì đã thuộc trọn vẹn toàn bộ 3.254 câu thơ của tác phẩm này. Với lứa tuổi thiếu nhi của tôi, Truyện Kiều đồng nghĩa với Thơ và Thơ đồng nghĩa với Truyện Kiều bởi vì ở vùng quê tôi thời đó, ngoài Truyện Kiều ra, khó có thể tìm đâu một tập thơ quốc âm nào khác nên tôi tập làm thơ là làm theo thể thơ lục bát và cố viết làm sao cho giống ngôn ngữ của Truyện Kiều. Bây giờ đọc lại những bài thơ hồi đó thấy thật buồn cười cho sự ấu trĩ học theo… Sau này, khi đã tương đối hiểu Truyện Kiều, tôi cảm nhận được nhiều cái hay của tuyệt tác này nhưng để vận dụng vào sáng tác của mình thì chỉ được một phần nhỏ”.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh coi “Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi”. Ngay từ năm nhà thơ Trần Nhuận Minh 2,3 tuổi đã được nghe Kiều và ngấm Kiều. “Nhiều đêm tôi đã ngủ thiếp đi trong tiếng lẩm nhẩm đọc Kiều từ trong trí nhớ thập thững của bà. Và ngoại tôi, mẹ tôi đều thuộc Kiều nhưng Kiều thấm vào tâm hồn tôi chủ yếu là qua bà cô mù này. Hai bà tôi không hề biết chữ, trong đó có một người mù bẩm sinh, mẹ tôi chưa từng được đi học một ngày, vậy mà vẫn thuộc hàng ngàn câu Kiều, vì sao lại có điều đó và dường như đó là trường hợp duy nhất thì đến nay tôi vẫn không giải thích được. Theo tôi, đó là bí mật của thiên tài. Tác phẩm của các thiên tài bao giờ cũng có một khoảng sáng bí mật mà người đời không bao giờ giải thích được”.

Bìa một cuốn Truyện Kiều (ảnh nhasachphuongnam)

Giá trị của Truyện Kiều hôm nay

Nhà thơ Đỗ Trung Lai lại khẳng định “Nguyễn Du, với Truyện Kiều đã trở thành nhà thơ tiếng Việt vĩ đại nhất”. Không chỉ thế, còn có hẳn cả một khu vực “Văn hóa Truyện Kiều” ở ta. Ông chỉ ra ở các mức độ khác nhau: Ở tầng lớp bác học đó là những Nhà Kiều học, là Từ điển Truyện Kiều, là Vịnh-Tập-Lẩy Kiều. Chốn dân gian đó là Bói Kiều, thi đọc Kiều xuôi- ngược. Trong văn chương tiếng Việt không có hiện tượng thứ hai nào như vậy… Nguyễn Du là người đầu tiên và duy nhất đã lập tức đưa tiếng Việt lên đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật ngôn từ- nghệ thuật văn chương và cũng lập tức đưa nó thành cổ điển”.

Nhà thơ Vương Trọng khẳng định thêm, nhiều câu thơ không chỉ hay trong truyện thơ này, mà nó còn có khả năng thoát ly ra khỏi cốt truyện, tham gia vào ý nghĩ, tâm tư, tình cảm… trong từng hoàn cảnh cụ thể của chính bạn đọc.

Đọc lại chương cuối Truyện Kiều thấy rõ hơn bút pháp nâng cấp nhân vật của Nguyễn Du là khẳng định của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, nhân đọc lại Nhật ký đọc Kiều của Lưu Trọng Lư đã có tham luận “Học cách ứng xử văn hóa với văn chương Kiều của thi sĩ Lưu Trọng Lư”, tham luận có đoạn: “Chúng ta ai cũng có thể từng đọc Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, từng lẩy Kiều, bói Kiều, thậm chí nảy ý định tập Kiều, cảm hứng đưa Kiều vào điện ảnh, sân khấu, thi ca, văn chương, âm nhạc và hội họa… Nhưng có lẽ trường hợp phổ quát hơn cả vẫn là sự cất giữ riêng tư “Truyện Kiều” trong sâu thẳm tâm linh để luôn được tự mình chiêm nghiệm Kiều trong suốt cuộc đời dài dặc của từng cá nhân người đọc”.

Nhận định về giá trị của Truyện Kiều hiện nay, giáo sư Phong Lê cho biết: “Nói Nguyễn Du ở thời điểm hôm nay, kỉ niệm 250 năm sinh (1765-2015) là nói đến những kỉ lục trước và sau ông không ai sánh được. Một khối lượng trang viết về ông trên hàng trăm pho sách, hàng chục vạn trang không lúc nào ngưng nghỉ trong ngót 200 năm và càng về sau càng dầy, càng nặng. Một số người đọc không thể nào tính hết vì đó là sự cuốn hút khắp mọi tầng lớp cư dân, bất kể mọi địa vị xã hội, mọi thành phần sang hèn, kể từ một ông vua tự nhận là hay chữ đến mọi tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ, trong đó không hiếm người có thể thuộc lòng hàng nghìn câu thơ Kiều học có thể đọc ngược nhiều đoạn… Sức sống Truyện Kiều còn vượt ra ngoài sự đọc, để tràn sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, ca nhạc, hội họa… Nói Truyện Kiều là nói Nguyễn Du, người sáng danh nhất không chỉ trong văn chương Việt Nam trung đại mà là cả lịch sử văn chương Việt… Chính ông là người đầu tiên của văn chương Việt được tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới vào năm 1965.

Đánh giá Hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định vai trò, giá trị của Truyện Kiều đối với văn chương đương đại. Nguyễn Du đã xây dựng tác phẩm và nhân vật theo kiểu phức hợp. Thúy Kiều là một điển hình, vừa đáng trọng, đáng yêu, đáng thương… đây là sự đi trước thời đại về xây dựng nhân vật.

Hiện nay, chỉ có duy nhất tác phẩm của Nguyễn Du là Truyện Kiều được thành lập thành một Hội riêng là Hội Kiều học. Hội Kiều học cũng quy tụ được đông đảo tầng lớp tham gia, từ những học giả tiếng tăm cho đến độc giả bình thường, đủ để thấy phần nào giá trị của Truyện Kiều trong văn chương cũng như đời sống đương đại.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/11/di-san/137548/hoi-thao-anh-huong-cua-nguyen-du-voi-van-chuong-hien-dai.aspx