Anh em Cảnh Sơn, Cảnh Hồng: Chỗ nào cũng có phần

Hàng loạt dự án khủng kéo dài từ Bắc vào Nam, từ nước ngoài về Việt Nam cho thấy tham vọng lớn lao của anh em doanh nhân kín tiếng Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng. Điểm sơ qua cũng thấy hàng loạt tài sản khủng từ bất động sản, trung tâm thương mại, ngân hàng...

Anh em kín tiếng

Tháng 11 này, cả vạn mặt hàng của hơn 160 DN Việt đang có mặt tại thủ đô Moscow của Nga, tại Triển lãm Hội chợ Việt Nam Expo, diễn ra từ 12/11-12/12. Đây là cuộc xuất quân lớn chưa từng có, là Hội chợ “Việt Nam Expo” quy mô lớn nhất tại Nga từ trước tới nay, kể từ khi Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) được ký kết mà Việt Nam là nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tham gia.

Sự xuất hiện ấn tượng của hàng "Made in Việt Nam" tại Nga lần nay ghi dấu ấn của ông Nguyễn Cảnh Sơn. Một tỷ phú khởi nghiệp ở Đông Âu và trở về Việt Nam thành công. Ông Sơn hiện là Chủ tịch Eurowindow Holding (EWH), Phó Chủ tịch NH Techcombank...

Anh em Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng.

EWH của ông Sơn là đơn vị tham gia đầu tư Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow (Incentra) 240 triệu USD được xem là cầu nối thương mại giữa DN Việt Nam và DN EAEU (gồm Nga, Belarus, Kazastan, Armenia và Kirgizya). Incentra được xem như một chợ đầu mối cho hàng Việt ở Moscow, từ đó bành trướng ra cả thị trường Nga và các nước lân cận.

Tại Việt Nam, Eurowindow hay Melinh Plaza đãđược biết đến khá rộng rãi, trái ngược với sự kín tiếng của ông Sơn.

Ít xuất hiện trên báo chí nhưng ông Sơn khá nổi tiếng trong giới kinh doanh. Ông còn là chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Theo báo cáo của Techcombank, tới giữa 2014, ông Sơn là chủ tịch HĐQT của Eurowindow Holding, là thành viên HĐQT EuroFinance và CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao.

Xuất hiện nhiều hơn, em trai ông Sơn - ông Nguyễn Cảnh Hồng là người điều hành trực tiếp tại nhiều DN thuộc Eurowindow Holding như: Tổng GĐ Eurowindow, kiêm TGĐ Mê Linh Plaza,...

Cùng với anh trai, ông Hồng được biết đến là người mở ra ngành sản xuất sản phẩm cửa nhựa tại Việt Nam và thành công với thương hiệu Eurowindow. Trong khi đó, Mê Linh Plaza là trung tâm thương mại, vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam vào thời điểm mở cửa cho đến cả thời điểm hiện tại.

Dịch chuyển vốn xuyên quốc gia

Anh em ông Cảnh Sơn và Cảnh Hồng đầu tư rất nhiều tại Việt Nam. Ngoài Eurowindow, Melinh Plaza, Eurowindow Holding còn nắm vốn lớn tại nhiều DN khác như T&M, EuroFinance, Vicentra, Decotech, HICC1.

Eurowindow Holding được biết đến là DN thông qua các công ty thành viên đầu tư vào BĐS, trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, vực xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, đường xá, cầu cống,... tại nhiều tình thành trên cả nước.

Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow (Incentra).

Thành lập đầu năm 2007, EWH có nhiệm vụ quản lý phần vốn được đầu tư chủ yếu tại Việt Nam, với các dự án nổi bật như: Tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multicomplex (Trần Duy Hưng, Hà Nội), Khu đô thị mới Nghĩa Đô (Tây Hồ, Hà Nội), Melinh Plaza, Melinh Plaza Hà Đông, Melinh Plaza Thanh Hóa, Trung tâm thương mại, Căn hộ cao cấp và Nhà phố VICENTRA (Vinh, Nghệ An), Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội), Làng châu Âu và TTTM Quốc Oai (Hà Nội), Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm (Khánh Hòa), Khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Ocean Window Spa & Resort (Khánh Hòa),...

Quyết định đầu tư vào Incentra tại Moscow (khánh thành 2013) là một bước trở lại thị trường Nga của ông Sơn. Nó đánh dấu một bước tiền mới trong quá trình dịch chuyển vốn xuyên quốc gia của doanh nhân này khi mà DN Việt đang năng động thâm nhập vào các thị trường khu vực này và Nga đang chuyển hướng về phương Đông. Việc đầu tư vào Incentra được xem khá đúng lúc, vừa có lợi cho EWH vừa cho các DN Việt.

Đế chế của anh em ông Cảnh Sơn - Cảnh Hồng còn gián tiếp đầu tư vào lĩnh vực tài chính, NH, bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về hiệu quả trên sổ sách thì lĩnh vực này không phải là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của họ.

Báo cáo của Techcombank cho thấy, thông qua 3 DN, tính tới giữa 2014, ông Sơn đang nắm giữ hơn 9% cổ phần tại NH này. Techcombank gần đây vẫn công bố lợi nhuận khá nhưng cổ phiếu này vẫn lẹt đẹt dưới mệnh giá. NH phải trích lập dự phòng lớn và trong năm 2014 không chia cổ tức, giống như 3 năm trước đó. Dự kiến, trong 3-5 năm tới, Techcombank cũng chưa có kế hoạch chi trả cổ tức.

Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Sơn cũng đầu tư vào CTCK EuroCapital (ECC) và là chủ tịch HĐQT của DN này. Tuy nhiên, năm 2012, ông Sơn đã bán ra 1,95 triệu cổ phiếu ECC và rút khỏi HĐQT của công ty. ECC hoạt động kém hiệu quả, lỗ trong nhiều quý, thị phần môi giới lao dốc và vừa chấm dứt tư cách thành viên tại Sàn Chứng khoán Hà Nội.

M. Hà

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/275079/anh-em-canh-son--canh-hong--cho-nao-cung-co-phan.html