An Giang: Tạm dừng Đề án khắc phục ô nhiễm từ "lò" gạch ngói?

PNO - Do các cơ sở không đủ năng lực tài chính để tự chuyển đổi, mà nguồn ngân sách lại không thể đảm đương và cũng không thể áp đặt ngân hàng cho vay… nên Sở Xây dựng đã chính thức tham mưu cho UBND tỉnh An Giang tạm dừng thực hiện đề án “Sắp xếp và khắc phục ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất gạch ngói địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2012” sau hơn ba năm thực hiện.

Một góc cảnh “nã đại bác” làm ô nhiễm không khí của lò gạch thủ công.

Năm 2009 UBND tỉnh An Giang ban hành “Đề án sắp xếp và khắc phục ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất gạch ngói địa bàn tỉnh đến năm 2012”. Theo lộ trình này, từ năm 2009, buộc 100 cơ sở với 350 miệng lò gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ô nhiễm cấp 1) nằm trong khu vực dân cư, trường học, y tế phải di dời, chuyển đổi công nghệ mới. Đến năm 2010 buộc 147 cơ sở với 374 miệng lò ô nhiễm cấp 2 phải chuyển đổi công nghệ, kèm theo chính sách hỗ trợ.

Từ năm 2011-2012, bắt buộc các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công phải chuyển sang công nghệ sản xuất tiên tiến đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường để đến đầu năm 2013, thực hiện đóng cửa dứt điểm tất cả các lò gạch thủ công. Thế nhưng, đến nay toàn tỉnh chỉ mới có 13 cơ sở sản xuất gạch nung mạnh dạn đầu tư ứng dụng đổi mới công nghệ, chủ yếu là lò nung gạch hoffman, tập trung ở ba huyện Chợ Mới, Châu Thành và Châu Phú. Phần lớn các cơ sở còn lại vẫn chưa khởi động do có nhiều điểm chưa khả thi.

Điển hình là việc thiếu vốn. Trong lúc ngân sách chỉ hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở, nhưng chi phí đầu tư xây dựng lò công nghệ mới phải cần từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng đồng/lò, trong khi đó phần lớn cơ sở sản xuất gạch có quy mô nhỏ nên chưa thể có vốn tự thực hiện. Vì vậy, sau đó các chủ cơ sở đề nghị được xét vay 1 tỷ đồng/cơ sở (hỗ trợ lãi suất 100%) và phải chuyển đổi đồng bộ toàn vùng mới có khả năng cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, do tỉnh chưa có nguồn vốn hỗ trợ và cũng không thể áp đặt ngân hàng cho vay do tổng vốn đề án khá lớn (236,9 tỷ đồng).

Trước thực trạng này Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh cho tạm ngưng triển khai đề án, sau khi làm rõ nguồn kinh phí và mức hỗ trợ thì mới tiến hành triển khai trở lại. Trong thời gian chờ đợi, tỉnh giao các ban ngành, địa phương xử lý cục bộ đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo pháp luật hiện hành. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất gạch thủ công tự chuyển đổi sang công nghệ mới.

Đối với các cơ sở chưa có điều kiện chuyển đổi, vận động dần khắc phục ô nhiễm môi trường để giảm ô nhiễm về bụi trấu, bụi tro, rác thải, khói với hàm lượng cho phép; không cho phát triển thêm cơ sở sản xuất bằng thủ công; thường xuyên kiểm tra xử lý cơ sở gây ô nhiễm; quy hoạch cụm sản xuất gạch ngói tập trung và vùng nguyên liệu…

Được biết, An Giang có 1.695 lò sản xuất gạch nung, mỗi năm sản xuất khoảng 700 triệu viên.

TÙNG HƯƠNG

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/an-giang-tam-dung-de-an-khac-phuc-o-nhiem-tu-lo-gach-ngoi/a67629.html