Ai là tác giả của “thư Tổng thống Lincoln gửi thầy hiệu trưởng”?

Sau khi bài viết Đi tìm nguồn gốc “ thư Tổng thống Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ” được đăng trên Thanh Niên ngày 14.7, sự ủng hộ lẫn... thách thức từ nhiều độc giả (“không phải Lincoln thì ai là tác giả của bức thư này?”) đã thôi thúc tôi tiếp tục tìm kiếm nguồn gốc tác phẩm. Mời nghe đọc bài

Như đã kể từ số báo trước, tôi đã tìm ra được bản chụp cuốn sách giáo khoa năm 1969 ở Mỹ, mà chỗ đề tên tác giả ghi “Người Mẹ” (His Mother). Song song, tôi tìm được trên kho sách Google một cuốn phát hành năm 1960. Đó là kỷ yếu hội thảo Thiên Chúa giáo dòng Mormon ở Mỹ. Google báo trong văn bản có một số câu văn giống trong bức thư, mà cuốn sách lại in trước cuốn sách giáo khoa kia tận 9 năm. Tôi phát hiện ra trên mạng có khá nhiều dị bản của tác phẩm. Việc đó làm cho công việc xác minh trở nên khó khăn hơn. Trong các dị bản đó, tôi chú ý đến nhất là dị bản có bối cảnh hoàn toàn không phải là bức thư gửi hiệu trưởng mà lời cầu nguyện của phụ huynh, cầu cho thế giới dạy cho con trai mới vào lớp 1 những điều tốt đẹp. Có rất nhiều bài viết trên mạng về tác phẩm này, mọi người đa phần kể là đã đọc được nó từ hàng chục năm trước, thường là được trường phát tặng khi đưa con đi khai giảng. Sau hàng chục năm họ đem ra và thấy tác phẩm vẫn lay động lòng người, nên họ gửi lên mạng để chia sẻ. Tuy nhiên đa phần đều nói bản copy của họ không đề tên tác giả, hoặc tên tác giả không giống nhau. Lincoln chưa bao giờ nói... Dưới đây là “10 quan điểm” thường được đăng trên báo chí Mỹ ngày 12.2 hằng năm để ngợi ca Tổng thống Lincoln. Nhưng thực ra, đây là những lời của giáo sĩ William John Henry Boetcker (1873 - 1962). - Bạn sẽ chẳng bao giờ mang đến sự thịnh vượng mà không đoái hoài đến cần kiệm. - Bạn không thể làm kẻ yếu mạnh hơn bằng cách làm người mạnh yếu đi. - Bạn không thể giúp đỡ những người thấp bé bằng cách triệt hạ các thế lực lớn hơn. - Bạn không thể giúp người nghèo bằng cách tiêu diệt người giàu. - Bạn không thể nâng đỡ người làm công bằng cách các hạ bệ ông chủ của họ. - Bạn không thể vượt qua khó khăn bằng cách vung vít thu nhập của mình. - Bạn không thể phát triển tình bằng hữu bằng cách kích động lòng hận thù giai cấp. - Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy vô lo từ những đồng tiền đi vay mượn. - Bạn không thể xây dựng tính cách và lòng dũng cảm cho một con người bằng cách lấy đi những sáng kiến và tính độc lập của người đó. - Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể cưu mang ai suốt đời. (Theo học giả Thomas F.Schwartz) An Điền (dịch) Dù sao, cuối cùng các nguồn thông tin hội tụ lại cho rằng tác giả là Dan Valentine (1917-1991), đăng ở tuyển tập Ideals Scrap Book phát hành năm 1961. Tôi đi tìm nội dung quyển này nhưng không ở đâu có, chỉ thấy trên các mạng nhiều người rao bán sách cũ là có bán, đến ngày hôm nay vẫn có rất nhiều người đang rao bán quyển này, chứng tỏ tuyển tập thơ này đã từng rất nổi tiếng. Tôi tìm ở các kho chụp các bài báo cổ, và cuối cùng đã tìm ra 1 bản chụp thú vị tháng 9.1969: tác phẩm được in trên tờ The Daily News của Virgin Islands ngày 9.9.1969 với tên tác giả là Dan Valentine. Tuy nhiên theo nhiều nguồn tin thì 1969 không phải là năm đầu tiên tác phẩm này xuất hiện. Phải đến khi chấp nhận trả tiền một dịch vụ tìm kiếm thông tin chuyên dụng thì việc tìm kiếm mới trở nên dễ dàng hơn. Tôi tìm thấy bản cáo phó về Dan Valentine đăng trên tờ The Gainesville Sun số ra thứ sáu 15.2.1991, lược dịch: “Dan Valentine, tác giả, người kể chuyện hài hước, người phụ trách chuyên mục trên báo trong suốt 30 năm, đã ốm và qua đời vào thứ ba ở thành phố Salt Lake ở tuổi 73. Valentine ban đầu viết cho The Salt Lake Telegram rồi sau đó là The Salt Lake Tribune. Ông đã viết hàng ngàn bài báo cho mục “Không có gì nghiêm trọng” và hơn 3 tá sách. Một trong các bài nổi tiếng nhất của ông là Thế giới thân yêu (Dear World), mô tả các niềm hy vọng và lo lắng của ông đối với người con trai sắp đi học. Valentine về hưu năm 1980 sau khi bị thương nặng ở đầu trong một cú ngã”. Bản cáo phó này khẳng định tác phẩm là của Dan Valentine, dưới cái tên chính thức Thế giới thân yêu (Dear World). Ngoài ra, tôi cũng tìm được vài tờ báo xuất bản đã khá lâu, nói rằng tác phẩm được sáng tác vào 1944. Ví dụ như có bài đăng ở The Daily Time News (North Carolina) vào ngày 6.9.1969 nói “Bài sau đây đã được phát hành 25 năm trước bởi Liên minh Báo chí Bắc Mỹ,... mỗi năm vẫn có vài độc giả yêu cầu sao lại”. Mặc dù hơi đáng tiếc là chúng tôi không tìm được tờ báo đăng bài này lần đầu, từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 còn đang diễn ra khốc liệt, nhưng qua các nguồn tin đáng tin cậy, chúng tôi có thể khẳng định tác phẩm trong sách Ngữ văn 10 của Việt Nam, vốn được cho là của Lincoln, thực ra là tác phẩm Thế giới thân yêu (tên tiếng Anh là Dear World, còn được biết đến tên khác là Teach Him World) của nhà báo Mỹ Dan Valentine. Tác phẩm Teach Him World đăng trên tờ The Daily News của Virgin Islands ngày 9.9.1969 với tên tác giả Dan Valentine Vì vậy, chúng tôi xin đưa các thông tin chúng tôi tìm được cùng các lập luận của mình, rất mong Bộ GD-ĐT xem xét để hiệu đính sách giáo khoa, trả lại tên tác giả cho một tác phẩm bất hủ. Còn với Dan Valentine, cảm ơn ông vì một tác phẩm tuyệt vời! Nguyễn Đình Nam

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200929/20090714235740.aspx