99% hoàn cảnh khốn khó là do chính bản thân bạn tạo ra

Rất nhiều người oán trách vì chồng vì con nên tôi mới khốn khổ thế này, thực ra không phải, 99% hoàn cảnh khốn khó đều do chính bản thân bạn tạo ra.

Hồi còn đi làm, tôi quen một cô gái. Chúng tôi có chút liên quan trong công việc, nhưng chẳng được mấy dự án thì tôi đã muốn phát điên lên. Thái độ làm việc mất tập trung của cô ấy quả thực là thứ tôi rất hiếm thấy trên đời.

Chểnh mảng, vô trách nhiệm với công việc

Công ty cô ấy có quy mô không lớn lắm, và là một trong những đối tác quảng cáo của chúng tôi. Năm nào bên tôi cũng có những hợp đồng quảng cáo trị giá bảy số 0 được thanh toán làm bốn đợt cho bên cô ấy. Quy định của công ty chúng tôi là chỉ thanh toán sau khi có hóa đơn. Trong trường hợp bình thường, khi sắp tới kỳ hạn, bên nhận tiền đều sẽ cầm hóa đơn hoặc gửi hóa đơn sang để bên chuyển tiền làm thanh toán.

Thế nhưng có một lần, tổng giám đốc của họ đến thăm công ty tôi, sau đó ông cười tít mắt hỏi tôi sao không chuyển khoản cho công ty ông, đã vài ngày rồi, có chuyện gì chậm trễ hay sao?

Tôi cũng không giấu giếm nói, hóa đơn bên ông gửi sang là tôi có thể báo cáo đề xuất xin tài vụ ngay, nhưng hóa đơn bên ông lần lữa chưa đến, tôi cũng đã nhắc nhở hai lần rồi.

Ông ta khá bất ngờ, hỏi tôi rằng nhân viên bên ông vẫn chưa chuyển hóa đơn cho tôi à? Chẳng trách ông ngờ vực, đến tôi còn thấy lạ, đáng lý mà nói thì công ty ông ta gần công ty tôi nhất, đưa một cái hóa đơn sang không có gì bất tiện. Tôi đã nhắc hai lần rồi thì thôi không nói, dù sao người ta thu tiền còn không vội, ngày nào tôi cũng thúc giục lại khiến người ta thấy phiền.

Sau đó, thêm một tuần lễ nữa trôi qua, đối phương mới mang hóa đơn tới. Tôi hỏi cô ấy sao không đưa sang sớm một chút? Đối phương đãng trí nói: “Công ty chị nổi tiếng giữ chữ tín, cũng sẽ không quỵt nợ, sớm vài ngày hay muộn vài ngày thì có làm sao? Chẳng lẽ lại không trả tiền ạ?”

Tôi không nói gì, nghĩ bụng: “Tôi mà là chủ của cô thì nói không chừng đã sa thải cô rồi, chuyện tiền nong kị nhất là đêm dài lắm mộng, nhiều tiền như thế mà cũng không để ý chút nào, vậy sao có thể trông mong gì vào những công việc khác?”

Sau này, tôi lại nghe những đồng nghiệp khác làm việc cùng cô ấy cằn nhằn với tôi rằng, chưa từng gặp ai vô trách nhiệm như thế, hợp tác với nhau mà chưa thấy đúng giờ bao giờ, đã thế còn phải giục đi giục lại, rất ảnh hưởng đến công việc và tâm trạng. Tôi không nhịn được hỏi: “Thái độ làm việc như thế mà sao còn chưa bị đuổi việc vậy?”

Đồng nghiệp nói với tôi: “Cô ta là họ hàng của sếp tổng chị ạ, vào công ty nhờ quan hệ. Thái độ làm việc luôn lười nhác, nhóm cô ta không chịu nổi cũng khiếu nại nhiều lần rồi, ông tổng bên đó có lẽ cũng vì ngại người thân nên không tiện nói. Nhưng giữ loại người này ở lại công ty thật là thiếu sáng suốt, ảnh hưởng đến hiệu quả và hình tượng của công ty".

Sách Không tự khinh bỉ không tự phí hoài.

[...]Thực tế là không phải chỉ có một lần đưa hóa đơn chậm đó, đến quý sau, cô kia lại vẫn chậm y như thế.

Đầu năm sau, người làm việc trực tiếp với tôi được đổi sang một cô gái khác, cô ấy nói: “Công việc sau này sẽ do em phụ trách, mong chị quan tâm giúp đỡ nhiều hơn!”

Lúc đầu, tôi cũng không để ý. Nhưng còn chưa hết quý I mà cô ấy đã đưa hóa đơn sang trước hạn. Vì hôm đó khá rỗi rãi nên chúng tôi mới tán gẫu chốc lát, tôi buột miệng hỏi: “Người tiền nhiệm của em đâu?”

Cô nhân viên mới kể, bị sa thải rồi, tổng giám đốc đích thân sa thải, vì cô ta bị tập thể đồng nghiệp khiếu nại. Hóa ra người còn bực bội hơn cả chúng tôi chính là đồng nghiệp phải làm việc chung với cô ta hàng ngày.

Nghe nói mẹ cô ta và tổng giám đốc là chị em họ, tổng giám đốc là cậu họ của cô ta. Mẹ cô ta thấy con gái sinh con xong không có nghề ngỗng gì, con cũng đã đi học rồi nên nhờ em họ bố trí cho con gái mình một công việc. Bình thường tổng giám đốc cũng rất quan tâm đến họ hàng nên sắp xếp cho cô ta vào công ty ông, làm một nhân viên hành chính.

Thời gian đầu, thái độ làm việc của cô ta còn tạm tạm, không biết là vì mới mẻ hay vì đã được mẹ dặn trước. Nhưng sau này thì càng ngày càng lố lăng, công việc trì trệ kéo dài, rõ ràng chỉ cần vài phút là xong nhưng cứ phải chờ người khác giục giã mới chịu làm. Có vài việc vì trì trệ nên cả một hệ thống bị mắc lại. Do cô ta kề cà không làm, những người khác cũng đành phải chờ theo.

Đôi khi có việc gấp, người khác buộc phải tăng ca theo cô ta. Không chỉ có vậy, nghỉ phép và tự tiện rời vị trí làm việc lại càng là chuyện thường ngày ở huyện với cô ta; lý do cũng muôn vẻ: Nào thì nhà có việc, nào thì con có việc, mà gọi điện thoại cũng không liên lạc được. Đã vậy, cô ta còn thấy sự việc chẳng có gì nghiêm trọng. Tất cả những điều này khiến mọi người âm thầm khó chịu với cô ta, nhưng lại ngại cô ta là họ hàng của tổng giám đốc nên đành phải chịu đựng.

Bởi vậy mà suốt một thời gian dài tổng giám đốc không biết cách làm việc của cháu mình. Thế nhưng chịu đựng thì cũng chỉ có giới hạn, lúc cô ta khiến công việc bị ảnh hưởng thì người khác không thể gánh giúp cô ta được, đương nhiên sẽ tự kể hết đầu đuôi xuôi ngược cho tổng giám đốc nghe.

Tổng giám đốc ngại khó ăn khó nói với họ hàng nên không tiện mắng mỏ cô ta nặng lời, chỉ nhắc nhở vài lần, nhưng hiệu quả chẳng là bao. Sau này, không chỉ người trong công ty không hài lòng với cô ta mà người ngoài công ty cũng than phiền ngày càng nhiều hơn, nhưng cô ta vẫn không thấy có vấn đề gì. Đến lúc đó, sự bất mãn của tổng giám đốc dành cho cô ta đã lên đến đỉnh điểm, thế là cuối năm ngoái đã nói với chị họ mình rằng cô ta không phù hợp với yêu cầu của vị trí này cho lắm, sang năm sẽ cân nhắc lại lần nữa.

Lúc đó, mẹ cô ta cảm thấy em họ đang nhắc nhở mình, cũng dặn dò con gái phải thể hiện cho tốt. Nhưng sau khi ăn Tết xong, ông nói phòng nhân sự thông báo cho cô ta biết rằng cô khỏi cần đi làm nữa.

Mẹ cô ta đến công ty cầu xin, hy vọng cho con gái mình một cơ hội nữa, nhưng lần này nói gì tổng giám đốc cũng không đồng ý, thậm chí còn thề: “Em đã nhẫn nhịn lâu lắm rồi, sau này vĩnh viễn sẽ không thuê người nhà nữa, lần này xem như là kinh nghiệm nhớ đời".

Vì bạn từng lười biếng nên mới tạo ra cảnh khốn khó bây giờ

Chuyện này vốn đã dừng lại ở đó rồi. Đến hai năm sau, tôi nghe người của công ty tôi nói, ai-đó hôm nay đến công ty mình xin việc đấy, tôi nhất thời không nhớ ra ai-đó là ai. Bộ phận nhân sự nhắc tôi đó là cái người có thái độ làm việc hết sức chểnh mảng của cái công ty quảng cáo ngày trước đấy.

[...]

Chuyên viên nhân sự nói với tôi: “Thật ra bây giờ cô ta khác trước đây rồi, em cảm giác cô ta thực sự cần một công việc, cũng bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng làm tốt mọi việc, nhưng nhớ đến cách cư xử trước kia của cô ta nên em vẫn không dám nhận".

Lười một tí, vô trách nhiệm một tí tưởng không sao lúc bấy giờ, nhưng để lại di chứng khôn lường.

Những việc cô ta trải qua mấy năm nay tựa như đã gióng lên trong tôi một hồi chuông cảnh tỉnh: Nhiều khi chúng ta nghĩ, ừ hay là cứ lười một tí, cứ vô trách nhiệm một tí, miễn mình thoải mái là được rồi, cũng chẳng gây ra bao nhiêu hậu quả đâu. Nhưng thực tế, mỗi việc chúng ta làm có thể ảnh hưởng không nhiều, thậm chí là không có ảnh hưởng gì vào thời điểm đó, tuy nhiên cuộc đời là một quá trình dài đằng đẵng, không biết khi nào sẽ xuất hiện di chứng. Mà khi rủi ro xảy ra, chúng ta sẽ không có được đến một cơ hội để cứu vãn tình thế.

Quả thực, không có nhiều người chểnh mảng đến vậy. Đại đa số con người ta đều không hoàn hảo, song cũng không đến mức quá đáng như thế. Nhưng năm rộng tháng dài, không thể coi thường sức ảnh hưởng từ những gì mình làm ra được.

Rất nhiều người từ chối học hành, từ chối trưởng thành vì cả hai việc này đều rất vất vả, vậy là cứ lười biếng mỗi ngày, cảm thấy ngày rồi cũng trôi đi thôi mà. Tuy nhiên, thời gian càng dài lại càng dễ thấy sự khác biệt.

Có người ngày ngày cố gắng mà cuộc sống cũng chẳng thay đổi là bao, thế nhưng sang năm sau so sánh với người bên cạnh mới phát hiện ra, chẳng biết tự khi nào mình đã đi nhanh hơn họ rất nhiều rồi.

Có người lại sống kiểu được chăng hay chớ. Trong vòng dăm ba tháng cũng chẳng thấy bản thân kém cỏi hơn người ta bao nhiêu, thế nhưng vài năm sau gặp lại mới phát hiện, cuộc sống càng ngày càng trầy trật, tự do và quyền được lựa chọn mỗi lúc một ít hơn.

Luôn có những người nói với tôi rằng: “Giờ tôi chẳng thạo nghề nào cả, cũng không có tiền gửi ngân hàng, sau này mới khổ sở làm sao". Nhưng bạn thân mến ơi, tình trạng này được tạo nên chỉ trong một ngày ư? Không hề, nó hình thành trong suốt những năm dồn tháng chứa, vì bạn đã từng lười biếng nên mới tạo ra hoàn cảnh khốn khó hiện giờ.

Rất nhiều người oán trách vì chồng vì con nên tôi mới khốn khổ thế này, thực ra không phải, 99% hoàn cảnh khốn khó đều do chính bản thân bạn tạo ra.

Trích sách "Không tự khinh bỉ không tự phí hoài"

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/99-hoan-canh-khon-kho-la-do-chinh-ban-than-ban-tao-ra-post1053794.html