97% game do Funtap phát hành có nguồn gốc từ Trung Quốc, thu nghìn tỷ nhưng đóng thuế 'bèo bọt'

97% các game do Funtap phát hành đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Công ty liên tục báo lỗ dù tổng doanh thu cả nghìn tỷ, đóng thuế 'bèo bọt'.

Thị trường game Việt Nam được đánh giá vô cùng tiềm năng với doanh thu lên tới 600 triệu USD. Tuy nhiên, phần lớn các tựa game được phát hành hiện nay đều được nhập từ nước ngoài. Các công ty phát hành game phải trả một khoản phí bản quyền rất lớn khiến cho biên lợi nhuận mảng game tại Việt Nam chỉ đạt 3-5%, chưa kể đến các dự án thua lỗ.

Funtap nổi lên như một “ông hoàng” chuyên phát hành game Trung Quốc, mang về hàng nghìn tỷ doanh thu (Ảnh TL)

Vậy, khi nhập game từ nước ngoài với số lượng lớn như vậy, nguồn tiền từ người chơi game Việt Nam sẽ đổ đi đâu?

Doanh thu 2.500 tỷ nhưng 4 năm báo lỗ, Funtap gần như không phải đóng thuế

Là một đơn vị có tiếng trong làng game, Funtap nổi lên như một đơn vị "sành sỏi" trong việc nhập game từ nước ngoài và phát hành tại Việt Nam. Funtap được thành lập từ năm 2015 bởi ông Bùi Quang Minh, hiện cũng đang là CEO của công ty. Ông Minh cũng từng là nhân sự chủ chốt nắm vị trí quan trọng tại Sohagame, một công ty phát hành game thuộc VCCorp.

Sau gần một thập kỷ phát triển, hiện tại Funtap đã thu hút được hơn 10 triệu người chơi. Trung bình có 180 nghìn người chơi hoạt động hàng ngày và 600 nghìn người dùng hoạt động hàng tháng.

Với lượng người sử dụng lớn như vậy, không quá khó hiểu khi Funtap mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, số thuế công ty đóng lại vô cùng ít ỏi và thậm chí có lúc là 0 đồng do ... thua lỗ.

Cụ thể, doanh thu của Funtap liên tục tăng theo từng năm, đạt đỉnh điểm vào năm 2021 với 729 tỷ đồng. Mức doanh thu này cao gấp 18 lần so với năm 2017. Sang đến 2022, doanh thu Funtap giảm 28% xuống còn 528 tỷ đồng.

Quy mô doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng điều đáng nói là đơn vị này liên tục báo lỗ. Năm duy nhất ghi nhận lãi là năm 2018 với 8 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay trong năm 2021 dù đạt kỷ lục doanh thu 729 tỷ đồng nhưng công ty lại báo lỗ tới 86 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt 5 năm vừa qua, Funtap gần như không phải đóng đồng thuế nào cho tổng doanh thu nghìn tỷ mang về.

Ghi nhận số thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) mà Funtap phải đóng trong giai đoạn từ 2018-2022 chỉ vỏn vẹn hơn 500 triệu. Trong khi đó doanh thu mang về lên tới 2.500 tỷ trong 5 năm này.

Vậy hàng nghìn tỷ doanh thu từ người chơi Việt Nam đổ về Funtap đã chảy đi đâu suốt những năm qua?

Funtap - 'ông hoàng' phát hành game Trung Quốc

Một điểm đáng chú ý trong cách vận hành của Funtap là hầu như toàn bộ game của đơn vị này phát hành đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo thống kê tại Danh sách Các trò chơi được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử thì tính đến tháng 12/2023 Funtap có 65 tựa game được cấp phép.

Trong 65 tựa game được cấp phép này chỉ có 1 tựa game có nguồn gốc Việt Nam, 1 tựa game có nguồn gốc từ Hàn Quốc và đều đã được cấp phép từ tận năm 2018. Còn lại 63 tựa game khác đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, chiếm 97% danh sách game được cấp phép của Funtap.

Gần như toàn bộ game của Funtap phát hành đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, chiếm tới 97% (Nguồn: Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử)

Cũng theo danh sách này, trong năm 2022 Funtap có 11 game phát hành có nguồn gốc từ Trung Quốc với những cái tên như Thần Giới, Thương Lam Quyết, Thiên Kiếm Chi Vân, Danh Tướng Vô Song...

Sang năm 2023, chỉ ghi nhận 3 tựa game do Funtap phát hành được cấp phép bao gồm Cybermon: Chiến Binh Lượng Tử, Danh Tướng AFK, Tam Quốc X. Cả 3 tựa game này cũng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Điểm chung của các tựa game này hầu hết đều có cốt truyện mang đậm văn hóa Trung Hoa. Thêm vào đó, khi phát hành Funtap sẽ phải trả một khoản phí bản quyền tương đối lớn cho đơn vị phát triển. Như vậy, nếu đi theo hướng nhập game Trung Quốc về phát hành, một phần không nhỏ nguồn lợi từ thị trường game Việt Nam đã bị "chảy" ra nước ngoài.

Thực tế đã có nhiều thống kê cho thấy tỷ suất lợi nhuận của các công ty game Việt Nam chỉ đạt từ 3-5% doanh thu. Trong khi đó thống kê của Ernst & Young Thụy Sĩ cho thấy tỷ suất lợi nhuận trung bình của 26 công ty game hàng đầu thế giới năm 2022 là 18,1%.

Như vậy câu hỏi nên đặt ra ở đây là: liệu mức ghi nhận lợi nhuận của các công ty game Việt Nam nói chung, Funtap nói riêng đã thực sự hợp lý? Dòng tiền hàng nghìn tỷ doanh thu của công ty này liệu đã chảy đúng chỗ trong suốt những năm qua?

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/97-game-do-funtap-phat-hanh-co-nguon-goc-tu-trung-quoc-thu-nghin-ty-nhung-dong-thue-beo-bot-post288637.html