9 tháng 2010: Nhập siêu từ Trung Quốc lớn nhất

Nhập siêu tháng 9/2010 khoảng 1,05 tỷ USD. Như vậy, 9 tháng đầu năm, tổng nhập siêu lên tới 8,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK), dưới mức cho phép của Quốc hội (20%).

CôngThương - Khu vực FDI đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng XK Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong tháng 9/2010, xuất khẩu đạt 6,1 tỷ USD, chỉ bằng 88,9% so với tháng trước. Trong đó, XK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt cao nhất, ước khoảng 2,8 tỷ USD. Tính chung kim ngạch XK 9 tháng đầu năm 2010 đạt 51,5 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, kim ngạch XK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 40,1%. Nếu không tính kim ngạch XK vàng, tổng kim ngạch XK 9 tháng tăng cao hơn, khoảng 27%. Xét về giá trị tuyệt đối, 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK của cả nước tăng 9,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2009, trong đó XK của khu vực FDI (không kể dầu thô) đã tăng 6,77 tỷ USD. Như vậy, tăng trưởng XK phần lớn do đóng góp của khu vực FDI. Một số mặt hàng XK tăng đã đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước như: sắt thép tăng 193%; cao su: 95,6%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 84,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng: 78,3%; dây điện và cáp điện: 67,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng: 55,2%; gỗ và sản phẩm gỗ: 36,4%; hạt điều: 31,1%; sản phẩm từ chất dẻo: 28,4%; than đá: 26,2%; dệt may: 20,6%; gạo: 15,2%... Tuy nhiên, XK dầu thô lại giảm đáng kể: 22,2%; sắn và sản phẩm từ sắn giảm 19,1%, cà phê giảm 1,65… Đặc biệt, đến hết tháng 9, cả nước đã có 13 mặt hàng XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, cà phê, sắt thép và sản phẩm, than đá, cao su. Như vậy, hiện đã có thêm 3 mặt hàng mới là sắt thép và sản phẩm, than đá, cao su vào “top” XK trên 1 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân XK 9 tháng tăng là do giá cả nhiều mặt hàng XK đã được cải thiện, như: cao su tăng 83%, sắn và sản phẩm tăng 76,4%, than đá: 52%, dầu thô: 39,6%, hạt tiêu: 38,4%, gạo: 2,6%, hạt điều: 19%, chè các loại tăng 12,3%. Chỉ riêng yếu tố tăng giá các mặt hàng trên làm cho kim ngạch XK tăng khoảng 2,5 tỷ USD. Thị trường XK của Việt Nam trong 9 tháng vẫn tập trung chủ yếu ở các thị trường châu Á, với tỷ trọng khoảng 48%, tăng 28% so với cùng kỳ, trong đó riêng khu vực ASEAN là 16,5%, tăng 15%. XK sang châu Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 23%, tăng 24% so cùng kỳ, trong khi XK sang châu Âu lại giảm 4,4%, chỉ còn 22%. Tuy nhiên, XK vào EU vẫn tăng 7%, chiếm tỷ trọng 15%. Nhập siêu vẫn ở mức cao Tuy đã có nhiều chính sách nhằm giảm nhập khẩu nhưng kim ngạch NK tháng 9 vẫn ở mức cao, ước đạt 7,15 tỷ USD, bằng 98,6% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch NK của DN có vốn đầu tư nước ngoài đã giảm 0,5% so với tháng trước, đạt 3,2 tỷ USD. Tính chung, NK trong 9 tháng đầu năm đã đạt trên 60,08 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2009. Một số mặt hàng NK tăng so với cùng kỳ năm 2009 là bông tăng 80%; kim loại thường khác tăng 72,8%; sản phẩm khác từ dầu mỏ: 51%; sữa và sản phẩm sữa: 49,2%; lúa mỳ: 43,9%; chất dẻo: 36%; sản phẩm hóa chất: 32,1%; điện tử, máy tính và linh kiện: 30,6%... Tuy nhiên, một số mặt hàng NK đã giảm so với cùng kỳ là: phân bón giảm 34,5%; ô tô nguyên chiếc giảm 12,5%; xe máy nguyên chiếc giảm 7,5%. Cũng như XK, giá NK của hầu hết các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ. Đây là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch NK như: kim loại thường tăng trên 40%; khí đốt hóa lỏng tăng 35,4%; giá xăng dầu các loại tăng gần 32%; phôi thép: 28,3%, chất dẻo nguyên liệu: 25,3%, sợi các loại: 25,4%... Riêng yếu tố tăng giá các mặt hàng này khiến kim ngạch NK tăng khoảng 4,2 tỷ USD. Trong tháng 9, nhập siêu khoảng 1,05 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, tổng nhập siêu lên tới 8,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch XK. Nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh nhất, chiếm gần 80% tổng nhập siêu cả nước. Xét về châu lục, Việt Nam vẫn nhập siêu đối với thị trường châu Á và xuất siêu với tất các các châu còn lại. Cụ thể, nhập siêu với châu Á hiện nay khoảng 22,5 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức nhập siêu cả nước. Trong khi đó, xuất siêu sang châu Âu đạt 4,5 tỷ USD, với châu Mỹ khoảng 6,6 tỷ USD, châu Đại Dương gần 1,15 tỷ USD. Thanh Hương

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/chuyen-dong-cong-thuong/9-thang-2010-nhap-sieu-tu-trung-quoc-lon-nhat/32/0/38590.star