9 lý do bạn nên ăn cà rốt

Cà rốt là thực phẩm rất quen thuộc, cung cấp dinh dưỡng dồi dào mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể…

1. Lợi ích của cà rốt với sức khỏe

- Cà rốt giúp cải thiện tầm nhìn: Cà rốt rất giàu beta-carotene, một chất chống oxy hóa mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh quáng gà. Bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống sẽ giúp cải thiện thị lực.

- Cải thiện sức khỏe làn da: Cà rốt chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotenoids và vitamin C, giúp cơ thể và làn da chống lại các tổn thương do gốc tự do, từ đó thúc đẩy làn da khỏe mạnh. Lượng vitamin C có trong cà rốt còn hỗ trợ sản xuất collagen, giữ cho làn da luôn tươi trẻ và đàn hồi.

- Tăng cường miễn dịch: Cà rốt là nguồn cung cấp vitamin B6 và C dồi dào. Cả hai loại vitamin đều góp phần tạo nên hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và chống lại bệnh tật, nhiễm trùng, cúm… Ngoài ra, vitamin B6 hỗ trợ sản xuất kháng thể giúp bạn phục hồi nhanh chóng sau khi bị nhiễm trùng.

- Tiêu hóa tốt hơn:

Cà rốt rất giàu chất xơ, là nguồn quan trọng để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nó hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh và thúc đẩy nhu động ruột. Ngoài ra, chất xơ còn ngăn ngừa táo bón và đầy hơi.

- Giảm cân: Cà rốt là sự lựa chọn tuyệt vời để giảm hoặc duy trì cân nặng vì hàm lượng calo và chất béo thấp. Thêm vào đó, nó có hàm lượng nước và chất xơ cao giúp bạn cảm thấy no, giúp hạn chế cơn đói, giảm cảm giác thèm ăn vặt không cần thiết. Với thành phần giàu chất dinh dưỡng, cà rốt hỗ trợ giảm cân bằng cách giảm ăn quá nhiều giữa các bữa ăn.

- Giảm mức cholesterol: Cà rốt chứa chất xơ hòa tan, giúp liên kết với cholesterol trong đường tiêu hóa và ngăn chặn sự hấp thụ của nó vào máu. Điều này có thể góp phần làm giảm mức cholesterol xấu và cải thiện sức khỏe tim mạch.

- Cải thiện sức khỏe não bộ: Cà rốt có một số chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của não như vitamin như K1, folate và kali… hỗ trợ chức năng nhận thức, duy trì trí nhớ và giúp việc học tập trở nên dễ dàng.

Cà rốt góp phần làm giảm mức cholesterol xấu và cải thiện sức khỏe tim mạch.

- Giúp hơi thở thơm tho: Cà rốt giòn và nhiều xơ tự nhiên, giúp kích thích sản xuất nước bọt. Nước bọt giúp rửa trôi các mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn trong miệng, giảm nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng. Ngoài ra, theo Portman Dental Care, cà rốt còn giảm nguy cơ sâu răng, vì việc nhai cà rốt sống có tác dụng như một bàn chải đánh răng tự nhiên. Động tác nhai sẽ xoa bóp nướu và loại rau tươi sáng này có nhiều chất keratin tấn công mảng bám cũng như vitamin A, rất quan trọng để tăng cường men răng.

- Cung cấp nước cho cơ thể: Mặc dù có kết cấu chắc nhưng cà rốt lại có hàm lượng nước rất ấn tượng, có tới 90% là nước. Điều này đặc biệt có lợi dùng sau khi tập thể dục, cung cấp nước cho cơ thể. Do đó, kết hợp cà rốt vào chế độ ăn uống của bạn có thể là một cách đơn giản và hiệu quả để đảm bảo hydrat hóa tối ưu, cùng với nước uống thông thường.

2. Một số cách đưa cà rốt vào thực đơn hàng ngày

Cà rốt có thể ăn sống hoặc nấu chín.

- Cà rốt sống được dùng như một món ăn nhẹ hoặc món khai vị và được thái lát, cắt nhỏ hoặc bào sợi để thêm vào món salad.

- Cà rốt cũng có thể được nấu bằng nhiều phương pháp khác nhau, chẳng hạn như luộc, hấp, áp chảo, rang hoặc nướng.

Khi nấu chín, cà rốt được ăn như một món ăn phụ hoặc nấu cùng với các loại rau khác. Chúng cũng thường được thêm vào các món ăn khác, chẳng hạn như món xào, món thịt hầm, trứng tráng, súp và các món hầm.

Lưu ý: Khi lựa chọn, hãy tìm những củ cà rốt có màu sắc đồng đều từ trên xuống dưới, vỏ mịn và không có vết nứt. Cà rốt có thể hơi xanh ở phần ngọn nhưng màu sẫm ở phần ngọn cho thấy cà rốt đã già. Nhìn chung, những loại cà rốt có sẵn thường dài và mảnh nhưng cũng có những loại ngắn và mập. Chọn những củ cà rốt còn cuống, tươi. Tránh những củ cà rốt đã bắt đầu mọc mầm, có vết thâm, đốm mềm…

Mời bạn xem thêm video:

9 “siêu thực phẩm” giúp bạn đẩy lùi lão hóa nếu ăn thường xuyên I SKĐS

Trịnh Xuân nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-ly-do-ban-nen-an-ca-rot-169240310212058321.htm