75 sản phẩm sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc

Ngôi nhà vùng cao - đề tài đoạt giải nhất của cuộc thi.

Đề tài sáng tạo của các em có ý tưởng bắt nguồn từ cuộc sống, sinh hoạt, học tập hằng ngày, tập trung vào năm lĩnh vực: Môi trường, đồ chơi và đồ dùng gia đình, học tập, sản phẩm thân thiện môi trường, phần mềm tin học.

Ngày 22-8, Hội đồng giám khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc đã trao giải đặc biệt, nhất, nhì, ba và khuyến khích cho 75 đề tài. Trong đó có các đề tài Máy quét nhà tự động, Phần mềm Kfmouse, Ngôi nhà vùng cao.

Đề tài Máy quét nhà tự động của em Đinh Thanh Bình (tỉnh Ninh Bình) được Hội đồng giám khảo đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải WIPO. Máy quét nhà tự động là sản phẩm góp phần giải phóng sức lao động giúp công việc lau chùi dọn dẹp trở nên nhẹ nhàng hơn. Với hai chức năng chính là quét nhà, hút bụi, và được trang bị thêm bộ phận di chuyển tự động, máy có thể di chuyển linh hoạt khắp phòng để thực hiện công việc của mình. Bộ phận quét của máy gồm chổi quét, hót rác, thùng rác thực hiện chức năng quét những mẩu rác nhỏ trên sàn. Bộ phận hút bụi gồm có quạt gió tạo lực hút, lưới lọc bụi và các khe nhỏ đặt ngang so với mặt máy làm tăng tốc độ hút và trải đều lực hút sang ngang để hút được nhiều bụi hơn. Bộ phận chuyển động gồm hai động cơ hai bên máy, hoạt động độc lập với nhau, khi gặp chướng ngại vật, công tắc đầu máy đóng làm đảo chiều chuyển động của động cơ bên phải trong năm giây để máy di chuyển sang hướng khác. Vì vậy, máy có thể tự động quét dọn dù trong phòng có nhiều chướng ngại vật mà không cần sự can thiệp của con người để di chuyển các chướng ngại vật đó.

Đối với người khuyết tật, việc sử dụng máy tính là vấn đề hết sức khó khăn, tùy theo mức độ và chức năng bị khuyết tật. Trên thế giới đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề điều khiển đầu vào của máy tính cho những người khuyết tật, trong đó có cả phần cứng lẫn phần mềm tùy theo mức độ, các dạng phổ biến hay đặc thù của thương tật. Phần mềm KFmouse của tác giả Đậu Bá Kiên, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Bình Phước) được Hội đồng giám khảo đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải WIPO. Phần mềm nói trên giải quyết khâu điều khiển máy tính đối với trường hợp giả định người điều khiển không còn tay. Phương pháp của phần mềm này là sử dụng hệ thống webcam của máy tính để thu nhận hình ảnh khuôn mặt của người điều khiển máy tính. Thông qua phần mềm KFmouse, tác giả dùng thuật toán Haar-Training để nhận dạng khuôn mặt (hoặc mắt) kết hợp với thuật toán Matching-Templace để theo dõi sự di chuyển của khuôn mặt (hoặc mắt). Dựa trên kết quả thu được, tác giả đồng nhất sự di chuyển của khuôn mặt (hoặc mắt) với sự di chuyển của con chuột. Đồng thời tác giả định ra các ngưỡng thời gian dừng lại của khuôn mặt (hoặc mắt) để quy định các tác động như kích chuột trái, hoặc kích đúp... Với sự sáng tạo của mình, tác giả đã giúp cho những người khuyết tật không còn đôi tay có thể sử dụng được máy tính ở mức độ đơn giản.

Đề tài "Ngôi nhà vùng cao" của các em: Phạm Long Vũ, Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Bích Thủy, Nguyễn Thu Trang, Lưu Bích Phương - Trường THCS Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội), đoạt giải nhất. Đây là sản phẩm có mô hình đẹp nhất. Tận dụng những mảnh gỗ thừa trong quá trình làm mộc của bố, với bàn tay khéo léo, sự sáng tạo, tìm tòi về kiến trúc nhà của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, cùng với óc tưởng tượng của mình, nhóm tác giả đã thiết kế và "xây dựng" "Ngôi nhà vùng cao" thân thiện với môi trường. Ngôi nhà có đầy đủ cầu thang, cột trụ, mái nhà, cửa sổ... được chạm trổ tỉ mỉ. Ngoài ra, nhóm tác giả còn bố trí thêm hoa lá cây cỏ, hòn non bộ, bánh xe nước ... nhằm làm ngôi nhà thêm đẹp hơn và giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

15 đề tài đoạt giải đặc biệt, nhất, nhì, được ban tổ chức gửi đi dự thi tại Ma-lai-xi-a.

Thạc sĩ LÊ DUY TIẾN Giám đốc Quỹ VIFOTEC

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/khoa-hoc/khoa-h-c/75-s-n-ph-m-sang-t-o-c-a-thanh-thi-u-nien-nhi-ng-toan-qu-c-1.372163