70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đòn đánh quyết định mở ra giai đoạn mới cho cách mạng 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào–Việt Nam, Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Boviengkham Vongdara, đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với cách mạng Việt Nam – Lào và các phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới vào thời điểm đó. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:

Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Boviengkham Vongdara, Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam tại cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Bá Thành/PV TTXVN tại Lào

Bộ trưởng nhận định như thế nào về vai trò, những đóng góp của liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào nói riêng và liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia nói chung trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ?

Ngày 7/5/1954 là ngày quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã đánh thắng quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự phối hợp của liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt Nam và Lào nói riêng, cũng như sự phối hợp giữa quân đội 3 nước Đông Dương, Lào – Việt Nam – Campuchia nói chung, trong cuộc chiến nhằm đánh bại thực dân Pháp.

Như chúng ta đã biết, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập vào năm 1930 do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lãnh đạo. Sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân 3 nước Đông Dương tiến hành cách mạng và giành thắng lợi. Tại Việt Nam, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Việt Nam tuyên bố độc lập, đây là yếu tố quan trọng giúp cho tiến trình cách mạnh tại Lào cũng giành thắng lợi và ra tuyên bố độc lập vào ngày 12/10/1945.

Tuy nhiên, sau khi hai nước chúng ta tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã không chấp nhận và mở các cuộc tấn công nhằm xâm lược Đông Dương lần thứ 2... Sau 8 năm kháng chiến ác liệt, trước những chiến thắng liên tục của quân và dân hai nước Lào – Việt Nam, thực dân Pháp đã đổ quân xuống Điện Biên Phủ để xây dựng cứ điểm được miêu tả là "bất khả chiến bại" nhằm trấn áp phong trào cách mạng tại hai nước.

Trước tình hình trên, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ - giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh chiến dịch. Để khiến thực dân Pháp phải phân tán lực lượng ra các khu vực khác nhau, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh cho các đơn vị chủ lực vừa phối hợp lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, vừa phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia mở các chiến dịch tiến công địch ở những địa bàn quan trọng của Việt Nam, Lào và Campuchia, từng bước hình thành các đòn tiến công chiến lược ở Tây Bắc, Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên, Thượng Lào, buộc thực dân Pháp phải điều các lực lượng cơ động tới đóng tại cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam Lào và khu vực Đông Bắc Campuchia.

Nắm chắc tình hình, hiểu rõ thực dân Pháp đã bị kéo căng, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Việt Nam ra lệnh tấn công Điện Biên Phủ từ giữa tháng 3 và đến tháng 5/1954, trải qua 56 ngày đêm, quân và dân Việt Nam đã anh dũng giành thắng lợi, tạo nên chiến thắng chấn động địa cầu. Đây là sự kiện hết sức quan trọng đối với liên minh chiến đấu 2 nước Lào – Việt Nam cũng như giữa 3 nước Đông Dương, đã liên minh chiến đấu chống lại kẻ thù chung để giải phóng dân tộc. Dù Pháp có lực lượng rất mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại hơn, nhưng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với đường lối chiến lược đúng đắn, cùng sự đoàn kết của toàn dân Việt Nam và sự phối hợp liên minh chiến đấu cùng chống lại kẻ thù chung của 3 nước Đông Dương, đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo Bộ trưởng, Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với cách mạng Việt Nam – Lào và các phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới vào thời điểm đó?

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với cách mạng Việt Nam và Lào mà còn cả với các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vào thời điểm đó. Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu của nhân dân Lào đã khẳng định: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải đầu hàng và ký Hiệp định Geneva năm 1954, công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thừa nhận địa vị pháp lý của 2 tỉnh tập kết gồm Samneua và Phongsali thuộc Mặt trận Yêu nước Lào, đây là chiến thắng to lớn có ý nghĩa quan trọng nhất đối với cách mạng Lào vào thời điểm đó, giúp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào bước vào giai đoạn mới và đưa tới việc thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào ngày 22/3/1955”.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca sáng chói trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và là đòn đánh quyết định mở ra giai đoạn mới cho cách mạng 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng quyết định, khiến thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn tại Đông Dương, có tác động to lớn đến phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở trên thế giới.

Thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với việc phối hợp giữa quân đội 2 nước trong các chiến dịch sau này, đặc biệt là trong những năm tháng chống Mỹ, thưa Bộ trưởng?

Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn và hết sức quan trọng trong việc phối hợp giữa hai quân đội Lào và Việt Nam trong các chiến dịch và trận đánh khác sau này.

Như chúng ta đã biết, sau khi thực dân Pháp thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ và buộc phải ký Hiệp định Geneva, công nhận nền độc lập, chủ quyền của 3 nước Đông Dương, đế quốc Mỹ đã nhảy vào thay thế thực dân Pháp xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Việt Nam bị chia làm 2 miền, Lào cũng bị phân ra làm 2 vùng, một vùng giải phóng và một vùng do lực lượng ngụy Viêng Chăn cai trị.

Nhờ những bài học và kinh nghiệm hợp tác liên minh chiến đấu của quân đội 2 nước trước đó, nhờ tình đoàn kết đặc biệt trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, quân, dân Lào và Việt Nam đã tiếp tục kề vai sát cánh, cùng chung chiến hào, chiến đấu chống kẻ thù chung và đã liên tiếp giành được thắng lợi trong các chiến dịch như chiến dịch giải phóng tỉnh Samnuea, chiến dịch Phathi, chiến dịch Phoucout tỉnh Xiengkhoang, chiến dịch giải phóng tỉnh Luang Namtha, chiến dịch Lam Sơn 719, chiến dịch Kukiet…

Một trong những điểm nhấn nổi bật về sự hợp tác của liên minh chiến đấu Lào – Việt đó là việc hai nước đã cùng xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh qua Việt Nam và Lào để tiếp tế, vận chuyển lực lượng quân sự và hậu cần, phục vụ cách mạng của hai nước. Tuyến đường đã góp phần rất lớn vào việc Việt Nam giành chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 và giúp Lào lật đổ chế độ quân chủ và thành lập nên nước CHDCND Lào vào ngày 2/12/1975. Có thể nói, Đế quốc Mỹ đã phải chịu thất bại đau đớn một phần là do sự hợp tác hết sức chặt chẽ của liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước Lào và Việt Nam.

Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự đồng hành của hai nước Việt Nam và Lào trong suốt những thập kỷ qua, hai nước chúng ta cần phải làm gì để mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào ngày càng phát triển sâu sắc, hiệu quả và trường tồn?

Quan hệ Lào – Việt Nam, Việt Nam - Lào là mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Xuphanouvong kính yêu cùng tạo dựng, được các thế hệ lãnh đạo Lào và Việt Nam vun đắp, giữ gìn và phát triển và được nhân dân và những nhà cách mạng của hai nước Lào – Việt Nam đã không tiếc xương máu hy sinh để bảo vệ và phát triển. Tôi thấy rằng Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã đánh giá rất chính xác khi khẳng định rằng: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như vậy”.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hai nước như hiện nay, chúng ta cần tiếp tục duy trì truyền thống quan hệ của hai nước, giáo dục các thế hệ trẻ hiểu và thấm nhuần tình đoàn kết đặc biệt bền chặt giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào, đó là: “Đảng – Nhà nước và nhân dân Lào luôn kiên quyết và sẽ cùng với các đồng chí Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam mãi mãi trường tồn, tăng cường và nâng cấp sự hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước”.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam, tôi sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục phát triển số lượng hội viên và cơ sở của Hội Hữu nghị trên khắp cả nước; Tiếp tục giáo dục tư tưởng của nhân dân trong toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của hai nước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào trường tồn.

Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!

Phạm Kiên – Bá Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-don-danh-quyet-dinh-mo-ra-giai-doan-moi-cho-cach-mang-3-nuoc-viet-nam-lao-va-campuchia-20240507101742363.htm