7 điểm cần xem xét lại Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An

Xây dựng nhà hát opera quy mô quốc tế (3.500 chỗ) trên khu vực Đầm Trị là không phù hợp với quy hoạch chung, không thể hiện một không gian văn hóa lớn đại diện cho một Hà Nội mở rộng như trong quy hoạch chung Thủ tướng đã phê duyệt.

Trong bản quy hoạch sớm nhất của Hà Nội, KTS. Ernest Hebrard đã xác định Hồ Tây là không gian cảnh quan quan trọng của đô thị này. Tại các đồ án tiếp theo của Viện quy hoạch Leningrad và của Việt Nam sau đó, Hồ Tây vẫn được khẳng định là trung tâm không gian quan trọng của Hà Nội.

Bán đảo Quảng An là một phần giá trị còn giữ được trong khu vực Hồ Tây. Bán đảo này nằm trên trục không gian Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa. Trục này kết hợp với trục Tây Hồ Tây tạo nên không gian điểm nhấn cho một Hà Nội mở rộng. Vì vậy các công trình cấp đô thị quy mô lớn, biểu trưng cho một Hà Nội mới rất cần thiết nằm trên trục này và cũng được thể hiện trong đồ án quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt bằng quyết định số 1259/QĐ/TTg ngày 26.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy hoạch Hà Nội 1925. nh: TLi

Những nhược điểm của đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An, dẫn đến nhiều ý kiến không đồng thuận và làm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan khu vực Hồ Tây:

1. Về mặt không gian, cảnh quan: Chưa tạo được trục cảnh quan “Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa” cả về mặt trục không gian và trục vật lý như mong muốn trong quy hoạch chung Hà Nội, cũng như quy hoạch phân khu (A6).

Điều này đã phá vỡ định hướng trong quy hoạch chung, không tuân thủ quy hoạch chung. Trục kết thúc dở dang, lưng chừng, không có công trình điểm nhấn trên trục, có chăng là hợp thức hóa cụm công trình cao tầng nằm lệch trục và áp sát mặt nước Hồ Tây làm phá vỡ cảnh quan chung của khu vực Hồ Tây gây bức xúc trong dư luận và giới chuyên môn.

Trục kết nối không gian Hồ Tây – Sông Hồng - Cổ Loa. Ảnh: TLi

2. Về chỉnh trang đô thị: Trong Quy hoạch chung Hà Nội qua các thời kỳ và Quy hoạch phân khu (A6) đều thể hiện rõ cần phải bảo tồn, chỉnh trang các khu dân cư (làng) mang bản sắc Hà Nội, trong đó có khu vực Hồ Tây.

Đồ án Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An (thuộc khu vực Hồ Tây) chưa thể hiện tính cải tạo, chỉnh trang đô thị. Thay vào đó, đồ án đã tác động quá lớn, một số khu vực dân cư đông đúc phải giải tỏa trắng, các khu vực trống, cây xanh hiện hữu xây dựng các khu vực kinh doanh (shophouse), làm ảnh hưởng đến đời sống của phần lớn người dân trong khu vực. Đây là khu vực có nhiều công trình di tích lịch sử và bản thân bán đảo Quảng An là khu vực lịch sử Hà Nội xưa. Lẽ ra với các tính chất này của khu vực, điều kiện phù hợp nhất là chỉnh trang đô thị hơn là một đồ án quy hoạch.

Sự thể hiện các công trình kiến trúc và công trình hạ tầng trong đồ án mang tính cắt dán, cóp nhặt và đưa vào một cách khiên cưỡng chứ không thể hiện tính kết nối, chuyển tiếp và tính khoa học, nhân văn.

3. Về kết nối giao thông: Với quy hoạch xây nhà hát opera quy mô lớn tầm cỡ quốc gia (3.500 chỗ) trên Đầm Trị thì hạ tầng kỹ thuật (trong đó có đấu nối giao thông) chắc chắn không đáp ứng nhu cầu.

Khu vực nhà cao tầng và khu vực nhà hát opera trên Đầm Trị như cắt dán vào đồ án hơn là được quy hoạch bài bản mang tính thống nhất. Những công trình cao tầng, nhà hát quy mô lớn cần có không gian sảnh lớn chuyển tiếp, không gian cây xanh, không gian quảng trường... Sự kết nối ấy trong đồ án không được thể hiện.

Ở quy mô lớn hơn, không có trục giao thông đô thị nào đủ lớn để kết nối với nhà hát. Đưa nhà hát vào vị trí cuối nút giao thông là sức ép rất lớn về giao thông cho toàn khu vực, sẽ gây tắc nghẽn.

Đây là khu vực có nhiều công trình di tích lịch sử và bản thân bán đảo Quảng An là khu vực lịch sử Hà Nội xưa. Lẽ ra với các tính chất này của khu vực, điều kiện phù hợp nhất là chỉnh trang đô thị hơn là một đồ án quy hoạch.

4. Thiếu tính bền vững: Đồ án quy hoạch đã xây dựng một khu vực cao tầng xen cấy vào khu dân cư hiện hữu, trong đó vừa bố trí căn hộ dịch vụ (mang tính chất nhà ở), khách sạn, thương mại, lại còn bố trí các shophouse, quầy ẩm thực, quầy lưu niệm,… Trong khi lẽ ra cần phải chỉnh trang các ô phố hiện hữu để thực hiện các chức năng đó.

Đồ án cũng đã giải tỏa phần lớn khu dân cư hiện hữu (mang đậm yếu tố làng xã kết nối với không gian văn hóa tâm linh: đền, chùa vốn có của Hà Nội) để xây dựng các công trình hiện đại bao quanh các công trình di tích văn hóa, công trình tâm linh, làm cho đô thị trở nên xộc xệch, mất bản sắc.

Các công trình hiện đại quy mô lớn (quy mô cấp đô thị) tập trung trong khu vực dân cư nhỏ hẹp, có tính truyền thống như bán đảo Quảng An là thiếu tính bền vững, tác động không tốt đến hệ sinh thái tự nhiên và thiếu nhân văn. Chủ trương lớn của Nhà nước là quy hoạch phải dựa vào thực tiễn mang tính ổn định, tránh di dời xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống phần lớn người dân trong khu vực. Không vì kinh tế mà đánh đổi đời sống ổn định của người dân.

5. Sai lầm từ điều chỉnh quy hoạch phân khu A6: Từ việc Hà Nội cho phép điều chỉnh quy hoạch phân khu A6 (được cho rằng là nguyên nhân có sự xuất hiện cụm công trình cao tầng tại 58 Tây Hồ) và đến quy hoạch chi tiết 1/500, đồ án đã nhồi nhét thêm nhà hát quy mô lớn tầm cỡ quốc tế vào một khu dân cư hiện hữu áp sát mặt nước Hồ Tây; phá vỡ chiều cao, khoảng lùi, không gian cây xanh, mặt nước xung quanh Hồ Tây được gìn giữ qua bao thế hệ…

Có thể thấy bức tranh toàn cảnh là cảnh quan Hồ Tây hoàn toàn bị phá vỡ. Trong quy hoạch chung và quy hoạch phân khu Hồ Tây không cho phép xây dựng các công trình có chiều cao đột biến, quá gần mặt nước, cần phải tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về nhà cao tầng. Tuy nhiên đồ án đã không tuân thủ các quy định này.

2 công trình đã và sẽ phá vỡ cảnh quan tại bán đảo Quảng An. nh: TLi

6. Tính pháp lý và sự kế thừa quy hoạch chung Hà Nội: Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu trung tâm bán đảo Quảng An chưa mang tính tiếp nối, kế thừa từ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt trước đó. Không tiếp thu các kiến nghị từ Bộ Xây dựng. Việc điều chỉnh quy hoạch cốt yếu là làm cho quy hoạch mới đảm bảo tính thống nhất của toàn đô thị, đồng thời các chỉ tiêu kiến trúc – quy hoạch trong đồ án quy hoạch mới phải đảm bảo tốt hơn đồ án quy hoạch cũ.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu A6 (Hồ Tây) làm phá vỡ quy hoạch chung, không tuân thủ quy chuẩn quy phạm Việt Nam về quy hoạch và công trình, làm mất tính bản sắc của đô thị, làm mất cân bằng đến hệ sinh thái Hồ Tây. Việc xây dựng các công trình cấp đô thị phải tuân thủ quy hoạch chung, như công trình nhà hát tầm cỡ quốc tế, công trình tổ hợp nhà cao tầng với nhiều chức năng tổng hợp.

7. Vị trí xây nhà hát không phù hợp: Xây dựng nhà hát opera quy mô quốc tế (3.500 chỗ) trên khu vực Đầm Trị là không phù hợp với quy hoạch chung, không thể hiện một không gian văn hóa lớn đại diện cho một Hà Nội mở rộng như trong quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt đã nêu.

Một nhà hát quy mô lớn tầm cỡ như thế phải đảm bảo về mật độ xây dựng; không gian văn hóa; tính kết nối với quảng trường văn hóa; tính kết nối giao thông từ nhiều hướng, nhiều loại phương tiện giao thông... Nhà hát quy mô lớn như vậy phải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị Hà Nội mở rộng.

Trước và sau khi điều chỉnh quy hoạch phân khu A6. Ảnh: TLi

Những kiến nghị về đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An:

- Cần xem xét thể hiện trục không gian Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa như trong quy hoạch chung đã nêu. Cần bố trí công trình điểm nhấn trên trục mang tính kết nối và là điểm nhấn kết thúc không gian trục này.

- Cần xem xét tăng chỉnh trang, cải tạo không gian hiện hữu thay vì quy hoạch.

- Tăng tính kết nối các công trình di tích, tâm linh và công trình văn hóa xây mới.

- Kế thừa và phát huy giá trị bản sắc khu vực, tránh xáo trộn đời sống của người dân trong khu vực.

- Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và pháp luật hiện hành về quy hoạch xây dựng.

- Xem xét bố trí công trình quy mô lớn cấp đô thị phải đảm bảo quy hoạch chung Hà Nội.

Một tác động thô bạo của Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ cao cấp, trung tâm thương mại Tây Hồ View đến tầm nhìn không gian cảnh quan ở bán đảo Quảng An. Ảnh: My Trà

Chọn vị trí nào cho nhà hát mới có quy mô lớn cho Thủ đô Hà Nội?

Cần phải khẳng định rằng chủ trương xây dựng một nhà hát lớn, đa năng cho Hà Nội là chủ trương đúng đắn, phù hợp với chức năng của một đô thị đặc biệt. Trong quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt bằng quyết định 1259/QĐ-Ttg năm 2011 nêu rõ:

“Định hướng các công trình văn hóa: Xây dựng mới và tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát… gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây; Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội…”.

Trong quy hoạch chung và quy hoạch phân khu Hồ Tây không cho phép xây dựng các công trình có chiều cao đột biến, quá gần mặt nước, cần phải tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về nhà cao tầng. Tuy nhiên đồ án đã không tuân thủ các quy định này.

- Công trình nhà hát đa năng quy mô lớn phải đại diện cho một Hà Nội mở rộng, mang bản sắc của người Việt trong không gian đô thị gắn kết với quảng trường văn hóa, bản sắc. Vị trí nhà hát phải đảm bảo quy hoạch chung đô thị Hà Nội, mang giá trị lịch sử lâu đời của Thăng Long Hà Nội. Vì thế không vội vàng ấn định nhà hát quy mô lớn vào không gian nhỏ hẹp thiếu tính kết nối giao thông, không mang giá trị của một Hà Nội mở rộng, không kích thích khu vực phát triển.

- Nhà hát là công trình văn hóa đặc biệt nên phải nằm trong không gian mở kết nối với cảnh quan tự nhiên. Kiến trúc nhà hát phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, yếu tố lịch sử và văn hóa. Phải có quảng trường văn hóa, công viên cây xanh cảnh quan.

- Khu vực Tứ Liên có giá trị lịch sử lâu đời, có bến sông Đông Bộ Đầu, là cửa ngõ phía Đông Thành Thăng Long, là địa danh lịch sử thời Lý Trần, là nơi gắn kết thành Cổ Loa của người Việt. Về mặt cảnh quan thiên nhiên của nhà hát: Đây là nơi giao thoa giữa sông Hồng, sông Đuống và Hồ Tây, có yếu tố về không gian xanh nhiệt đới... tạo nên bản sắc vốn có của Hà Nội.

Trục cảnh quan Tây Hồ Tây và Trục Hồ Tây – Sông Hồng - Cổ Loa trong tổng thể quy hoạch chung Hà Nội và vùng phụ cận. nh: TLi

- Khu đô thị Tây Hồ Tây là không gian đô thị rộng lớn kết nối với các trục chính của đô thị và không gian Hồ Tây, đảm bảo giao thông công cộng từ nhiều hướng, đáp ứng giao thông của nhiều loại phương tiện, vì vậy cũng cần xem xét bố trí nhà hát như trong quy hoạch chung đã định hướng.

- Khu vực sông Hồng gắn bó hữu cơ với quá trình hình thành và phát triển đô thị Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên khi đường bộ phát triển thì đô thị quay lưng lại với cảnh quan sông Hồng. Tình hình đó càng trở nên ngày càng rõ trong những năm gần đây.

Vì vậy cần phải nhìn nhận lại cảnh quan sông Hồng để phát triển đô thị. Khai thác tối đa quỹ đất hiện có một cách hiệu quả. Tạo lập lại bản sắc vốn có của Hà Nội, tạo lập không gian mới hiện đại kết hợp với truyền thống. Theo đó, xây dựng nhà hát tại khu vực Tứ Liên nằm trên trục Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa là vị trí phù hợp nhất cho một Hà Nội mới.

- Qua đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An – Hồ Tây Hà Nội cần nhìn lại rõ rằng các công trình công cộng cấp đô thị phải tuân thủ quy hoạch chung để đáp ứng tính kết nối, mang tính tổng thể, không thể tùy tiện nhồi nhét cơi nới vào những khu dân cư hiện hữu chật hẹp, không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

KTS. Cao Thành Nghiệp

KTS. Cao Thành Nghiệp đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài về lĩnh vực bảo tồn và quy hoạch, thực hiện trùng tu phục dựng nhiều công trình cổ ở Việt Nam. Ông được trao tặng: Giải vàng quy hoạch đô thị quốc gia năm 2020; Giải thưởng kiến trúc quốc gia về quy hoạch bảo tồn thiên nhiên Hồ Rừng – dự án trong khu vực Đồng Tháp Mười năm 2014; Giải thưởng kiến trúc xanh Việt Nam 2013; Giải thưởng kiến trúc quốc gia về trùng tu phục dựng khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo Đà Lạt năm 2012…

Bạn đọc có thể đọc các bài viết, góp ý của các chuyên gia, nhà quy hoạch, kiến trúc sư về vấn đề điều chỉnh Quy hoạch khu bán đảo Quảng An tại đây: Xây cao ốc và quy hoạch nhà hát, bán đảo Quảng An

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/7-diem-can-xem-xet-lai-quy-hoach-chi-tiet-ban-dao-quang-an-36615.html