7 đấu trường nổi tiếng không ở Rome

Nói đến đấu trường, du khách hầu như chỉ biết đến đấu trường La Mã Rome ở Italy. Những đấu trường sau đây tuy không nổi tiếng bằng Rome, chúng vẫn có sức hút riêng.

Nhà hát vòng tròn El Jem, Tunisia: Được mô phỏng theo Đấu trường La Mã nguyên bản ở Rome, nhà hát vòng tròn El Jem gây chú ý vì là một trong số ít đấu trường ở Bắc Phi. Nơi đây được UNESCO công nhận là di sản thế giới và từng xuất hiện trong 2 bộ phim nổi tiếng Life of BrianGladiator. Nhà hát vòng tròn chủ yếu được sử dụng cho các cuộc thi đấu sĩ, đua xe ngựa và các buổi biểu diễn công cộng khác phổ biến trong văn hóa La Mã cổ đại. Đây không chỉ là di tích lịch sử mà còn là minh chứng cho di sản văn hóa phong phú của Tunisia. Ảnh: Albert Gubaydullin/Unsplash.

Đấu trường Pula, Croatia: Được xây dựng vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và nằm bên cạnh biển Adriatic lộng lẫy, Đấu trường Pula là một trong những di tích lịch sử được bảo tồn tốt nhất ở Croatia. Đây từng là nơi diễn ra các trận đấu của đấu sĩ, nhưng hiện nay nó được sử dụng làm rạp chiếu phim ngoài trời, địa điểm biểu diễn opera và sân khấu cho các buổi hòa nhạc trong những tháng mùa hè. Những lối đi dưới lòng đất hiện nay là nơi tổ chức cuộc triển lãm dành riêng cho nghề trồng nho và olive. Ảnh: Niels Bosman/Unsplash.

Đấu trường La Mã ở Arles, Pháp: Địa điểm này được xây dựng vào năm thứ nhất trước Công nguyên và có sức chứa hơn 20.000 khán giả. Điều khiến đấu trường La Mã ở Arles trở nên đặc biệt hấp dẫn là sự hài hòa của nó vào kết cấu của thành phố hiện đại. Ngày nay nó vẫn thường xuyên được sử dụng để tổ chức các sự kiện. Vào tháng 7 và tháng 8, các sự kiện sân khấu và thể thao, bao gồm cả các trận đấu của đấu sĩ sẽ được tổ chức vào thứ ba và thứ năm hàng tuần. Đấu trường La Mã ở Arles không chỉ là minh chứng cho sức mạnh kiến trúc của Đế chế La Mã mà còn phản ánh di sản văn hóa của khu vực. Ảnh: Elena Popova/Unsplash.

Đấu trường Flavian, Italy: Nằm trên con đường từ Naples (Italy), đấu trường này được xây dựng dưới triều đại của hoàng đế Vespasian, người đã xây dựng Đấu trường La Mã Rome. Điều đáng tiếc là nơi đây không còn được nguyên vẹn sau vụ phun trào của núi lửa Solfatara. Tuy nhiên các khu vực dưới lòng đất vẫn còn được bảo tồn tốt. Khi đến tham quan, du khách sẽ được thấy những chiếc lồng dùng để nhốt động vật và hệ thống nâng chúng lên sàn đấu trường. Những hiện vật này cũng chỉ còn lại một số bộ phận, không còn được nguyên vẹn. Ảnh: Faith Crabtree/Unsplash.

Đấu trường La Mã ở Nimes, Pháp: Được xây dựng vào cuối năm thứ nhất sau Công nguyên với sức chứa 24.000 khán giả, đấu trường này liên tục cạnh tranh với đấu trường ở Arles để trở thành đấu trường La Mã quan trọng nhất khu vực Gallia (Tây Âu). Sự cạnh tranh đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay với việc đăng cai tổ chức sự kiện tái hiện lịch sử thời La Mã. Sự kiện này được tổ chức tại đấu trường ở Nimes vào mỗi mùa xuân. Hơn 400 diễn viên từ khắp Pháp, Đức và Italy đến Nimes để hồi tưởng lại ludi (trò chơi cổ đại). Ảnh: Wikipedia Commons.

Đấu trường Verona, Italy: Đây là đấu trường lớn thứ ba tồn tại từ thời La Mã ở Italy. Ban đầu nó được sử dụng cho các trận đấu của võ sĩ giác đấu, đấu thương trong thời Trung cổ và được sử dụng làm nhà hát opera từ thế kỷ 18. Ngày nay, nơi đây vẫn còn được sử dụng để tổ chức các sự kiện, thi đấu thể thao và các buổi hòa nhạc. Ảnh: Alberto Bigoni/Unsplash.

Nhà hát Coliseum, Anh: Đây không phải là đấu trường hay tàn tích La Mã cổ đại, nhưng với 2.359 chỗ ngồi, đây là nhà hát lớn nhất ở London. Mở cửa vào ngày 24/12/1904 với tên gọi London Coliseum Theatre of Varieties (Nhà hát tạp kỹ London Coliseum), đây là “cung điện giải trí của người dân” vào thời đại đó và là nhà hát duy nhất ở châu Âu có thang máy đưa khách lên các tầng trên. Ảnh: Anthony DELANOIX/Unsplash.

Trà My

Theo Wanderlust Travel Magazine

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/7-dau-truong-noi-tieng-khong-o-rome-post1443305.html