68 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9: Đầu tiên và mãi mãi

Đầu tiên, đó là những ngày tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng 8- 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam mới – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đầy ắp những sự kiện tiếp nối tiến trình lịch sử mấy ngàn năm anh hùng, văn hiến, đưa dân tộc, đất nước vươn lên ngang tầm thời đại, đứng vào hàng ngũ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức.

Bác Hồ và Bác Tôn gặp gỡ một số đại biểu

tại Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt tháng 3-1951

Ảnh: T.L

Đầu tiên, đó là từ trên lễ đài của Ngày Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa "ra mắt” quốc dân đồng bào với câu: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Vượt lên trên mọi nghi thức, chỉ một câu nói chân tình đã xóa đi mọi xa lạ, cách biệt để trở thành gần gũi thân thuộc với mọi người, đặc sắc phong cách Hồ Chí Minh.

Bác đã về với tất cả, lãnh đạo và tổ chức, gặp gỡ và khuyên bảo, trò chuyện và trao đổi, dìu dắt và cảm thông, thuyết phục và chia sẻ, xây nền đắp móng bền vững cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữa người lãnh đạo và quần chúng, bằng lời nói và việc làm, làm gương, nêu gương tạo nên sức mạnh diệu kỳ. Và "Con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới”.

Đầu tiên, đó là phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 2-9-1945 - một ngày sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu đầu tiên. Chỉ với chừng 700 chữ, bài nói của Bác đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng. Đó là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, là thực hành quyền tự do dân chủ, là giáo dục lại nhân dân chúng ta, là xóa bỏ lối bóc lột vô nhân đạo, thuế thân, thuế chợ, thuế đò và đó là tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.

Với từng nhiệm vụ cấp bách, Bác đã nêu ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, song trước hết là xác định nhận thức, quan điểm, trở thành triết lí. Để diệt giặc đói, Bác đã đề nghị phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất đồng thời mở một cuộc lạc quyền "mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa – gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. "Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Đây là cốt lõi quan điểm nhân sinh Hồ Chí Minh. Sau này Bác đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ cơ sở rằng cần nhớ: "Dân lấy ăn làm trời” - "Dĩ thực vi thiên”. Để diệt giặc dốt, Bác "đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”, "Chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đặc biệt quan trọng: "Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta, chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc sống xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần kiệm, liêm chính”.

Mở đầu bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”.

Không lâu sau bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 17-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện, làng. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi vẫn biết rằng trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Nhưng lầm lỗi chính là: 1.Trái phép, 2.Cậy thế, 3. Hủ hóa, 4. Tư túng, 5. Chia rẽ, 6. Kiêu ngạo… với từng lầm lỗi, trong thư, Người đã chỉ ra rất cụ thể. Chẳng hạn như "Hủ hóa – ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó, ai chịu?”. Chân tình và nghiêm khắc, khuyên bảo và cảnh tỉnh là những điều Bác viết trong thư này: "… Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa gì… Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp, Nhật… Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Ai không phạm những lầm lỗi thì nên chú ý tránh đi và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm lầm lỗi nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung:”. Cuối thư, Bác viết: "Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói, chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”.

Từ cột mốc của những sự kiện lịch sử trong những ngày tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng 8, hãy cùng nhau ngược dòng thời gian trước đó ngót 20 năm, những ngày tháng đầu tiên với những lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức chuẩn bị cho việc xây dựng Đảng. Và những bài giảng, bài học đầu tiên chính là bài học về "Đường cách mạng”, mà chương đầu là bài học về "Tư cách người cách mạng”.

Tiếp nối tác phẩm "Đường cách mạng” với chương đầu "Tư cách người cách mạng” … là tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” – 1948, là tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với sự cảnh báo: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Hôm qua, hôm nay và ngày mai, đó không chỉ là dòng chảy thời gian vật lý mà là sự vận động của lịch sử với thời cơ và nguy cơ, thuận lợi và thách thức trong mỗi bước thăng trầm. Ở đó luôn là con người trong từng phận, vị, trong suy tư và hoạt động với bao thao thức về trách nhiệm trung thực trong sự kế thừa tiếp nối và phát triển. Để những bài học lịch sử mãi mãi âm vang, thôi thúc, nhắc nhở, cảnh báo, cảnh tỉnh. Đầu tiên và mãi mãi là như vậy.

Nguyễn Đức Thạc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68268&menu=1366&style=1