600 học sinh được truyền thông pháp luật qua tình huống thực tế

Bà Hồ Thúy Sen, Trưởng Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 11, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã có buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho 600 học sinh Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) Gia Lâm.

Truyền thông cho 600 học sinh khối 10, 11, 12 của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Gia Lâm. Ảnh: Công Phương.

Sáng 15/4, tại Trung tâm GDNN - GDTX Gia Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Chi nhánh số 11 thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX Gia Lâm tổ chức buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho trẻ em, giúp các em có thêm kiến thức về quyền của mình cũng như trẻ em được pháp luật bảo vệ, chia sẻ về pháp luật hình sự cho 600 học sinh khối 10 ,11, 12 của Trung tâm.

Tại buổi truyền thông, bà Hồ Thúy Sen, Trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 11 đã chia sẻ với các em học sinh về các nội dung trên và đưa ra các tình huống thực tế bà đã bảo vệ cho các đương sự để các em học sinh có hiểu biết thực tế qua từng tình huống pháp lý cụ thể.

Ví dụ, bà Hồ Thúy Sen chia sẻ về câu chuyện học sinh lớp 11 lập nhóm chát trên Facebook. Sau đó, nam học sinh này nảy sinh mâu thuẫn với một học sinh lớp 12. Do tức giận, muốn thể hiện mình nên nam học sinh lớp 11 đã rủ bạn mang theo gậy chặn đường nam sinh lớp 12 với mục đích cho nam sinh này một bài học.

Khi gặp nam sinh lớp 12, nam sinh lớp 11 và bạn đã cầm gậy lao vào đánh nam sinh kia cũng như đánh người bạn đi cùng nam sinh lớp 12. Hậu quả, nam sinh lớp 12 bị thương tích 11%, bạn của nam sinh lớp 12 bị thương 6%.

Các em học sinh Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Gia Lâm rất năng động, tham gia nhiệt tình trong các tình huống hỏi đáp. Ảnh: Công Phương

Sau đó, nam sinh lớp 11 và bạn bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh "Cố ý gây thương tích" quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 có mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù giam.

Cùng với đó, bà Hồ Thúy Sen còn đưa nhiều tình huống pháp lý về các vụ việc trẻ em vi phạm pháp luật cũng như mời các em lên trả lời các tình huống vi phạm đó. Từ đó, giúp các em có hiểu biết hơn về các tình huống vi phạm pháp luật và phòng tránh.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Gia Lâm cho biết, Trung tâm có 4 địa điểm học tập. Ngày hôm nay, Chi nhánh số 11 thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tuyên truyền pháp luật cho 600 học sinh tại cơ sở ở xã Đa Tốn của Trung tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Nhung, chương trình tuyên truyền pháp luật cho học sinh rất bổ ích, giúp các em học sinh nhận thức rất tốt về các hành vi vi phạm pháp luật khi gây ra sẽ ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Đồng thời, cũng răn đe học sinh, trước khi định làm việc gì hãy suy nghĩ xem việc làm đấy có vi phạm pháp luật và dẫn tới vi phạm pháp luật không.

"Tôi thấy buổi tuyên truyền rất bổ ích, giúp các em nhận thức được về các hành vi vi phạm pháp luật cũng như nhận biết được các trường hợp vi phạm pháp luật khi các hành vi không được nhận thức rõ ràng sẽ vô tình vi phạm pháp luật.

Thông qua buổi hôm nay các em nhận thức được rất nhiều của tác hại khi vi phạm pháp luật và mong muốn các em sẽ suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện việc gì đó.

Trong thời gian tới, Trung tâm còn 3 địa điểm học tập nữa nên chúng tôi sẽ liên hệ để được tuyên truyền thêm cho học sinh, giúp học sinh được tuyên truyền pháp luật" - bà Nguyễn Thị Kim Nhung chia sẻ.

Chia sẻ sau buổi tuyên truyền, em Lê Thị Canh, học sinh lớp 10A3, Trung tâm GDNN - GDTX Gia Lâm cho biết: "Buổi tuyên truyền rất hữu ích và tốt cho học sinh. Em mong muốn có nhiều buổi tuyên truyền hơn nữa để các em được trang bị kiến thức pháp luật giúp hữu ích cho cuộc sống sau này".

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/600-hoc-sinh-duoc-truyen-thong-phap-luat-qua-tinh-huong-thuc-te-377320.html