60 năm, còn đó nỗi đau da cam

Các nạn nhân da cam ở phường 7, TP Tuy Hòa nhận quà hỗ trợ từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Ảnh: KIM LIÊN

60 năm trước. Trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của nhân dân miền Nam, năm 1961, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là J. Kennedy chủ trương tiến hành đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Ông ta đã ra lệnh cho quân đội Mỹ sử dụng nhiều phương tiện, chủ yếu là máy bay C-123, UH-1 để phun rải trên các cánh rừng, các tuyến đường, các vùng đất canh tác của người dân Việt Nam và dùng các phương tiện cơ giới trên bộ, các loại lựu đạn, mìn, các máy bơm áp lực cao để phun rải xung quanh các căn cứ, các khu vực đóng quân của quân Mỹ và đồng minh, phun vào các hầm trú ẩn, địa đạo của Quân Giải phóng... Theo đó, có khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao, Mỹ biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc, đặc biệt là chất độc da cam (CĐDC).

Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranch Hand) và phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh; các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người; không tác hại gì cho con đực (nam giới), chỉ tác động vào con cái (nữ giới) và chỉ khu trú trong 2-3 tuần đầu của thời kỳ mang thai.

Trong suốt 10 năm ròng, từ 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là CĐDC, chứa 366kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích hơn 3 triệu ha, gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới (Thừa Thiên - Huế), theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, trong khoảng thời gian từ 1965-1970, khối lượng CĐDC rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11kg.

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Đặc biệt, CĐDC của Mỹ đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Riêng Phú Yên có hơn 12.000 người nhiễm CĐDC, trong đó có 227 gia đình có từ 2-4 nạn nhân CĐDC.

Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công, nạn nhân CĐDC, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh triển khai nhiều phong trào và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân CĐDC”, “Chung một tấm lòng - Xoa dịu nỗi đau da cam”, “Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”.... Thông qua Hội Nạn nhân CĐDC, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: tặng học bổng, tạo việc làm cho những nạn nhân còn có khả năng lao động… Những sự giúp đỡ ân tình ấy đã giúp các gia đình nạn nhân CĐDC phần nào giảm bớt khó khăn, vơi đi nỗi đau mất mát.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có gần 48% nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên; số còn lại vì nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau, chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, nhiều nạn nhân đang phải vật lộn với đau đớn, bệnh tật, sống trong cảnh nghèo khó.

Chiến tranh đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau da cam thì vẫn còn hiện hữu. Đó là nỗi đau của những em bé có mắt, nhưng không thể ngắm nhìn; có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói; có đôi tay, nhưng không thể nâng niu; có đôi chân, nhưng không thể bước; có trái tim, nhưng chẳng biết vui, buồn… Đó là những con người phải mang theo nỗi đau thể xác và sự trống rỗng của tâm hồn suốt cả cuộc đời.

Xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, xã hội; và những người đã gây ra thảm họa này không thể làm ngơ.

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/262466/60-nam-con-do-noi-dau-da-cam.html