60-90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại hội trường sáng ngày 9/11.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại hội trường sáng ngày 9/11. (Ảnh: BL)

Trả lời đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam) về tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng ô nhiễm là thực trạng chung không chỉ đối với hai lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy mà còn của nhiều lưu vực sông hiện nay do nước thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Để khắc phục, Chính phủ đã đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng vào các trạm quan trắc môi trường tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình... Song để xử lý triệt để, bài toán hiện nay là làm thế nào để kiểm soát được lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Theo Bộ trưởng, hiện các làng nghề tại Hà Nội đã đầu tư trạm xử lý nước thải. Tỉnh Hà Nam đã có 3 trạm xử lý, tỉnh Nam Định cũng đã đầu tư trạm xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến nay, 60-90% nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý trước khi ra môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất điều tiết trạm bơm Yên Sở để xử lý nước thải tại sông Tô Lịch. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là phải xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt trước khi thải ra môi trường.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa, Trương Trọng Nghĩa về phát triển rừng, tài nguyên môi trường biển. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thực hiện Luật Tài nguyên môi trường biển 2015, quy định 51 có quy định hành lang bảo vệ bờ biển. Đến nay đã có 10 tỉnh phê duyệt, 6 tỉnh đang thực hiện, 12 tỉnh đang trình lên Trung ương để xin ý kiến.

Về tài nguyên môi trường biển, hiện Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Định đi đầu về thu hồi các dự án chậm và thỏa thuận với chủ đầu tư để người dân tiếp cận với biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận thấy nhiều vấn đề lưu ý trong đó có hoạt động lấn biển”, Bộ trưởng cho biết.

Với câu hỏi về xây dựng đô thị sẽ ảnh hưởng đến khu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: Phát triển đô thị Cần Giờ đặt mục tiêu giữ được biểu tượng “lá phổi” và phát triển gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy khi xem xét lại dự án này với diện tích lấn biển 600 ha nay điều chỉnh lên hơn 2.800ha (gồm cả diện tích trên bờ).

Bộ TN&MT cũng tham vấn với tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới và chủ đầu tư công khai minh bạch tất cả tác động nếu có để các tổ chức môi trường giám sát./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/60-90-nuoc-thai-sinh-hoat-chua-duoc-xu-ly-truoc-khi-thai-ra-moi-truong-567478.html