6 tháng 'bão táp' của ông Trump ở Nhà Trắng

6 tháng đầu của vị tỷ phú chìm trong nhiều vụ bê bối, khủng hoảng và nếu không có sự thay đổi thì những hỗn loạn này có thể kéo dài suốt cả nhiệm kỳ tổng thống.

Tất cả các tổng thống Mỹ đều từng phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng trầm trọng khi đương nhiệm.

Abraham Lincoln vật lộn trong cuộc Nội chiến đẫm máu (1861-1865). Bill Clinton lao đao vì hàng loạt bê bối và các cuộc điều tra. Barack Obama mất 5 tháng để xử lý vụ tràn dầu và lâu hơn nữa để phục hồi nền kinh tế.

Nhưng hiếm có tổng thống nào gây nhiều ý kiến trái chiều và phải đối mặt với quá nhiều cuộc khủng hoảng như Donald Trump trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ, AFP nhận định.

Ngài 'thùng rỗng kêu to'

Phát biểu trong ngày nhậm chức 6 tháng trước, ông Trump thề sẽ đưa "nước Mỹ vĩ đại trở lại", giải cứu đất nước khỏi cái mà ông gọi là "cuộc tàn sát nước Mỹ" với những nhà máy bị đóng cửa, quá nhiều người lâm vào cảnh đói nghèo.

"Thời gian nói chuyện vô bổ đã hết. Giờ là lúc hành động", VOA dẫn tuyên bố của ông Trump ngày 20/1.

Tuy nhiên, diễn biến tiếp sau đó là một trong những khởi đầu hỗn loạn nhất của một tổng thống trong lịch sử Mỹ: Các cuộc biểu tình, những dòng bình luận Twitter gây tranh cãi, tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục, và cuộc điều tra nghi vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.

"Chẳng hay ho gì khi (tổng thống) vướng vào bê bối ngay từ ngày đầu và không đạt được một đạo luật lớn nào. Tỷ lệ ủng hộ thì quá thấp và đảng Cộng hòa có nguy cơ bị chia rẽ. Tất cả những điều này không phải thứ mà bạn trông đợi", Julian Zelizer, giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton, đánh giá.

Ngày nhậm chức, ông Trump tuyên bố Washington đã thối nát và chỉ có một doanh nhân mạnh mẽ như ông mới có thể cứu chữa cho Washington. Lời hứa đó dường như chỉ là "thùng rỗng kêu to".

Ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 với khẩu hiệu "Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (Make America great again) và một loạt lời hứa như rút khỏi TPP, xây bức tường biên giới, bãi bỏ Obamacare... Ảnh: AP.

Nhà Trắng đến nay vẫn chưa lấp đầy các vị trí nhân sự, hoạt động thiếu hiệu quả và đang vật lộn để thu hút thêm nhân tài mới. Các nhân viên hiện thời đã phải thừa nhận là họ đang kiệt sức và nản lòng.

Chương trình nghị sự của tân tổng thống có vẻ như vẫn loay hoay ở vạch xuất phát: "Bức tường" biên giới chưa được xây dựng, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) chưa bị hủy bỏ, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn hiệu lực và Obamacare tiếp tục được thực hiện trên đất Mỹ.

Mặc dù lưỡng viện của Quốc hội Mỹ hiện nay đều do đảng Cộng hòa kiểm soát, ngay cả trang cánh hữu Drudge Report cũng phải tuyên bố đây là "Quốc hội kém hiệu quả nhất trong lịch sử 164 năm".

Tôi không coi 6 tháng vừa qua là một thành công

Giáo sư Đại học Princeton Julian Zelizer

Tổng thống Trump đã tiếp tục những gì mà ông từng làm trong chiến dịch tranh cử: chiến đấu với cánh báo chí, các thẩm phán, với đảng Cộng hòa của ông, với đảng Dân chủ, và với Giám đốc FBI James Comey, người bị ông sa thải.

Trong khi đó, những manh mối mới xuất hiện càng làm rộ thêm nghi vấn gia đình và các phụ tá của Trump tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga trong cuộc bầu cử 2016.

Không thể phủ nhận vẫn có những điểm sáng trong 6 tháng đầu ông Trump nhậm chức. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bật khỏi Mosul và Raqqa. Tổng thống đã thực hiện lời mà ông đã nói về việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và bổ nhiệm được thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch vào Tòa án Tối cao.

Thế nhưng, ngày vinh quang của Trump vẫn còn rất xa vời. "Tôi không coi 6 tháng vừa qua là một thành công", Giáo sư Zelizer nói.

Cơ hội sửa sai

Lịch sử cho thấy các tổng thống nỗ lực cuối cùng đã đạt được thành công trong nhiệm kỳ của mình. Giống như Trump, Tổng thống Bill Clinton đã rất gian nan trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông cũng gặp thất bại với dự luật cải cách y tế.

"Lịch sử đầy rẫy những minh chứng cho thấy các tổng thống đã biết rút kinh nghiệm từ sai lầm của mình để rồi đạt được các thành tựu lớn về lập pháp”, Alex Conant, chiến lược gia đảng Cộng hòa từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush, nhận định.

Trump xưa nay là một nhà kinh doanh tài ba và trong chiến dịch tranh cử, ông ấy đã làm được một điều tuyệt vời là tiếp thêm sức mạnh cho đảng Cộng hòa. Giờ là lúc Trump cần vận dụng khả năng đó để điều hành bộ máy.

Alex Conant, chiến lược gia phe Cộng hòa

“Cuối cùng thì người ta vẫn đánh giá một tổng thống dựa trên những gì ông ta đã hoàn thành. Ông Trump chỉ mới nhậm chức 6 tháng, còn rất nhiều thời gian để tiếp tục cống hiến", Conant đánh giá. "Ông ta vẫn có thể trở thành một tổng thống thành công”.

Tuy nhiên, chiến lược gia này cũng phải thừa nhận rằng cần có nhiều sự đổi mới. Ngay cả các đảng viên đảng Cộng hòa cũng thẳng thắn chỉ trích thất bại mới đây của Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy một dự luật cải cách y tế.

Với kinh nghiệm chính trị ít ỏi, ông Trump có vẻ thiên về những hoạt động "màu mè" như là dự diễu binh quân sự ở Paris, hơn là phát biểu về các đường lối chính sách.

"Vài cuộc gặp với các nghị sĩ và hàng tá bình luận Twitter chẳng thể đem lại kết quả gì thực chất đối với những vấn đề hóc búa như là cải cách y tế", Conant nói.

Tổng thống Donald Trump và phu nhân dự lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp ở Paris cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/7. Ảnh: AP.

Nhưng Conant lập luận rằng Trump vẫn còn thời gian và có những kỹ năng cần thiết để giành thắng lợi, miễn là ông sẵn sàng thay đổi.

“Trump xưa nay là một nhà kinh doanh tài ba và trong chiến dịch tranh cử, ông ấy đã làm được một điều tuyệt vời là tiếp thêm sức mạnh cho đảng Cộng hòa", Conant nhận định. "Giờ là lúc Trump cần vận dụng khả năng đó để điều hành bộ máy”.

"Là một doanh nhân, ông ấy bán được mọi thứ trên đời, từ món bít tết, nước đóng chai cho đến những căn hộ cao cấp mang tên mình. Giờ là lúc nỗ lực vì một dự luật cải cách thuế mang tên ông ấy", Conant bình luận.

Đâu là 'gót chân Achilles'?

Trở ngại lớn nhất trong việc điều hành bộ máy hiện nay chính là cá tính của ông Trump. “Chính cá tính đó khiến ông ấy gặp nhiều trở ngại. Và ông ấy không hề có ý thay đổi nó”, Zelizer nói.

Michael Signer, thị trưởng thành phố Charlottesville kiêm giảng viên Đại học Virginia, một người thuộc đảng Dân chủ, nhận định nếu muốn được công nhận, ông Trump cần "tuân theo các quy chuẩn truyền thống cũng như chế độ cân bằng và kiểm soát của chúng ta".

“Ông ấy càng xa rời các nguyên tắc này thì kết quả đạt được càng thấp, nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ càng không được công nhận và ông ấy sẽ càng phải thất vọng", Signer nói với AFP.

Nếu không có gì thay đổi thì nhiều khả năng tỷ lệ ủng hộ Trump, vốn đang thấp kỷ lục ở mức 40%, dự báo một thất bại nặng nề của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018.

"Nếu đảng Dân chủ mở rộng số ghế hoặc kiểm soát được một trong hai viện thì tổng thống hẳn là sẽ có nhiều việc để làm", Zelizer cho biết đồng thời dự đoán ông Trump sẽ phải đối mặt với các phiên điều trần và sự chỉ trích dữ dội.

Ông Trump và những cộng sự thân tín trong đó có phó tướng Mike Pence, chiến lược gia trưởng Stephen Bannon, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn , tại phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters.

Mặt khác, Zelizer cho rằng càng bị dồn ép thì tổng thống sẽ càng không phản ứng theo kiểu ngoại giao. Ông ấy sẽ nổi giận và tấn công lại những người công kích mình.

"Tôi nghĩ rằng ông ấy nên bình tĩnh và cư xử đẹp hơn khi còn ở phòng Bầu dục. Mọi chuyện nếu trở nên căng thẳng sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của tổng thống”, Zelizer bày tỏ.

"Nhiệm kỳ (của Trump) đang rơi vào thế bế tắc", Leon Panetta, cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Clinton, nhận xét. "Tôi nghĩ rằng nhiệm kỳ này khó mà thành công trừ khi có những thay đổi đáng kể", ông Panetta nói.

Cuộc họp đầu tiên đầy kỳ lạ của nội các Tổng thống Trump Cuộc họp nội các đầy đủ đầu tiên của chính phủ Mỹ khiến cánh phóng viên không khỏi ngạc nhiên khi tất cả thành viên nội các lần lượt dành những lời khen cho Tổng thống Trump.

Ngụy An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/6-thang-bao-tap-cua-ong-trump-o-nha-trang-post764168.html