6 lý do giáo viên 'nói không' với mô hình trường học mới VNEN

Tâm thư kiến nghị bỏ mô hình học “vẹo cổ, lác mắt” gửi Bộ trưởng của một giáo viên tại Cao Bằng đăng tải trên danviet.vn đã được dẫn lại trên nhiều diễn đàn của giáo viên với nhiều ý kiến đồng tình.

Ảnh minh họa.

Admind diễn đàn Chúng tôi là giáo viên tiểu học với hơn 65.000 thành viên là giáo viên tiểu học trong cả nước đã gửi bài viết đến báo danviet.vn chỉ ra 6 lý do giáo viên từ chối mô hình trường học mới VNEN.

Sách giáo khoa VNEN không khoa học

Nội dung trong sách được thiết kế sẵn, học sinh chỉ cần đọc và bắt chước một cách máy móc nên gây nhàm chán. Chỉ có một số nội dung về tổ chức lớp học, về trang trí là khá ổn. Giáo viên và học sinh rất vất vả khi làm việc theo những mục yêu cầu trong sách, cứ phải giải thích rồi thực hiện nhiều lần mà học sinh vẫn không hiểu. Có năm lại phải dạy đến 2 bộ sách giáo khoa khác nhau, nhiều khi lại còn phải điều chỉnh thêm rồi bớt.

Tài liệu các môn học không được phân chia rõ ràng như chương trình hiện hành VNEN áp dụng 5 năm nay rồi nhưng sách hướng dẫn cho học sinh môn âm nhạc, mỹ thuật, thủ công, thể dục, kỹ thuật chưa có, nên giáo viên dạy phải viết sách. Chưa kể đối với các trường nhân rộng và đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa việc mua được một bộ sách là cả một gánh nặng. Vì là thử nghiệm nên phải học cả trương trình cũ, bài tập làm toàn dễ xong lại trùng lặp, khi thi toàn theo chương trình cũ, nếu muốn thi học sinh giỏi thì toàn phải học thêm nâng cao.

Bất cập về chỗ ngồi và sĩ số

Với sĩ số đông như các lớp ở thành phố, vất vả cho việc giảng dạy của giáo viên và việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Học sinh đông đồng nghĩa với nhóm đông, làm việc không hiệu quả, sức học không đồng đều nhau sẽ có người tự tin và kẻ tự ti. Ngồi như thế, đến lúc kiểm tra các em cũng dễ nhìn bài làm của bạn hơn nên chất lượng là không có. Sắp xếp chỗ ngồi để các cháu không bị cong vẹo cột sống, không bị các tật về mắt là cả một vấn đề.

Dạy theo VNEN thầy cô viết bảng ít, các cháu hầu hết tự nghiên cứu, mỗi khi cô giảng sức tập trung của các cháu rất kém. Với sĩ số thưa thớt như các lớp học vùng cao thì mô hình này cũng không phù hợp. Các em nói tiếng phổ thông chưa rành nên khả năng diễn đạt, trình bày, hợp tác theo nhóm là rất khó khăn.

Hội đồng tự quản như...vẹt

Việc thành lập Hội đồng tự quản và trao quyền cho học sinh cũng là điều mà chúng tôi cảm thấy khó khăn. Từ trước tới giờ, chúng tôi chỉ quản lý học sinh theo các nội quy, giờ chuyển sang quản lý của Hội đồng tự quản. Học sinh tự bầu, tự quản các hoạt động của lớp thường mang tính hình thức, không phát huy được hiệu quả của Hội đồng tự quản.

VNEN khiến học sinh thụ động, không tiếp thu được kiến thức. Còn với chủ tịch Hội đồng tự quản hay Trường ban học tập thì như một con vẹt. Không phải học sinh nào cũng có khả năng tự tìm tòi chiếm lĩnh kiến thức hay chia sẻ nên mô hình này rất bất cập không phù hợp với Việt Nam. VNEN chỉ làm học sinh lười học, ngồi nhóm thi nói chuyện, nhóm trưởng và các bạn học khá làm hộ hết.

Chết ngộp vì trang trí

Rồi việc trang trí lớp học theo mô hình VNEN cũng làm chúng tôi mất nhiều công sức và cả tiền của nữa. Trang trí cái gì và trang trí thế nào đây? Các cô lại nô nức đi mua hoa nhựa, đồ chơi về sắp xếp. Có những lớp được rải gần kín hoa khắp bốn bức tường, đồ chơi bằng nhựa cũng tiêu tốn của chúng tôi không ít tiền của. Chưa kể đến việc phải dạy và học trong một căn phòng đầy những biểu bảng, đồ dùng dạy học lẫn trang trí khiến chúng tôi cảm thấy ngộp. Nói đến cái khoản làm đồ dùng dạy học cũng đủ khiến giáo viên chúng tôi quên ăn, mất ngủ.

Trình độ học sinh không đồng đều

Học sinh Việt Nam có tư duy và khả năng làm việc độc lập không cao, khác hẳn với học sinh nước ngoài trong khi giáo viên chỉ là người hỗ trợ dẫn đến chất lượng học tập không như những gì người giáo viên đặt ra. Đối với học sinh giỏi thì rất tự giác, tích cực trong học tập. Còn học sinh kém thì ngược lại. Bỏ mô hình VNEN là tốt nhất vì mô hình này không phù hợp với nền giáo dục Việt Nam hiện tại, nhất là học sinh vùng núi. Học sinh chúng tôi đa số là dân tộc miền núi, các em nhút nhát, vốn tiếng Việt còn hạn chế. Các em còn tự ti, ngại trao đổi nhóm. Bởi vậy nếu cứ để mô hình này thì học sinh sẽ hạn chế hơn chương trình hiện hành.

Giáo viên diễn nhiều hơn dạy

Khi được cấp trên giao một tiết chuyên đề dạy theo mô hình VNEN, thường một lớp 44 em, sẽ được chọn ra 24 em, chia thành bốn nhóm. Suốt hai tuần, các em sẽ được tập diễn, nào là giới thiệu tên, tập các trò chơi, tự học nhóm. Cả thầy và trò đều rất căng thẳng. Đến mức, trường cử ngay một hiệu phó với nhiều thầy cô giáo để chung tay hường dẫn từng em một diễn cho thật đạt mô hình trên. Giờ dạy mẫu VNEN phải mất bao nhiêu thầy cô giáo chuẩn bị cho trò, trò mới nói được như vậy.

Cũng có thể Ngài Tân Bộ trưởng chẳng đọc lá thư này, nhưng chúng tôi vẫn hi vọng một ngày không xa sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của ngành Giáo dục nói chung, Giáo dục Tiểu học nói riêng. Khi đó tôi và các đồng nghiệp sẽ vui mừng và rất cảm ơn lãnh đạo Bộ GD ĐT! Cuối thư, xin kính chúc Ngài mạnh khỏe, sáng suốt để đưa nền giáo dục nước nhà tiến bộ !

Kí tên: Giáo viên tiểu học

Nhiệm kỳ mới bắt đầu, với tất cả sự trân trọng, chúng tôi tha thiết mong Ngài Tân Bộ trưởng Bộ GD ĐT hãy lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh khi đổi mới chương trình vào những năm sau” – trích bài viết.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/6-ly-do-giao-vien-noi-khong-voi-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-673730.html