55 người chết, 23.000 người phải sơ tán vì bạo lực sắc tộc ở Ấn Độ

Ít nhất 55 người thiệt mạng, hơn 260 người nhập viện và khoảng 23.000 người phải sơ tán kể từ khi bạo lực giữa người Kuki và người Meitei ở bang Manipur (Ấn Độ) nổ ra hồi đầu tuần trước.

Ít nhất 55 người thiệt mạng, hơn 260 người khác phải nhập viện, 23.000 người đã phải sơ tán kể từ khi bạo lực giữa người Kuki và người Meitei ở bang Manipur (Ấn Độ) nổ ra hồi đầu tuần trước, đài CNN dẫn thông báo từ quân đội Ấn Độ.

Theo nhân viên tại một số bệnh viện ở bang Manipur, đa số người chết và bị thương là do bị đạn bắn. Trả lời CNN, bác sĩ Mang Hatzow tại bệnh viện quận Churachandpur (bang Manipur) nói: “Hầu hết bệnh nhân đều có vết thương nặng do đạn bắn hoặc do gậy đánh vào đầu”.

Một ô tô cháy trên đường phố Imphal, thủ phủ bang Manipur (Ấn Độ) sau cuộc đụng độ giữa các nhóm sắc tộc. Ảnh: AFP

Một ô tô cháy trên đường phố Imphal, thủ phủ bang Manipur (Ấn Độ) sau cuộc đụng độ giữa các nhóm sắc tộc. Ảnh: AFP

Các video và hình ảnh ghi lại cho thấy nhiều phương tiện giao thông và tòa nhà bị đốt cháy, khói đen bốc lên dày đặc trong lúc bạo lực giữa các bên diễn ra.

Quân đội Ấn Độ đã được lệnh triển khai xuống các đường phố trong khu vực. Máy bay không người lái và trực thăng đã được điều động để giám sát tình hình. Internet trong khu vực cũng bị cắt trong vòng 5 ngày.

Tuần trước, bà Anusuiya Uikey - thống đốc bang Manipur - đã ban hành lệnh “bắn ngay” nhằm kiểm soát tình hình bạo lực đang diễn ra. Cơ quan nội vụ bang Manipur cho biết lệnh bắn ngay thi hành cho “những trường hợp cực đoan, khi mọi hình thức thuyết phục, cảnh báo,… không có hiệu quả” và tình hình “không thể kiểm soát được”.

Bạo lực nổ ra sau khi hàng nghìn người dân tham gia biểu tình, yêu cầu nhà chức trách không đưa nhóm dân tộc Meitei vào danh sách các nhóm dân tộc chịu nhiều thiệt thòi và cần được giúp đỡ.

Theo CNN, nhóm dân tộc Meitei chiếm khoảng 50% dân số bang Manipur. Trong nhiều năm qua, dân tộc này đã vận động để được công nhận là nhóm tộc thiệt thòi và cần được giúp đỡ. Các nhóm dân tộc khác cho rằng nếu đề xuất trên được thông qua, người dân của các nhóm dân tộc khác sẽ không có cơ hội công bằng về việc làm và các lợi ích khác.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/55-nguoi-chet-23000-nguoi-phai-so-tan-vi-bao-luc-sac-toc-o-an-do-post732222.html