55 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam

Khép lại quá khứ để nhìn về tương lai không có nghĩa là quên đi quá khứ hào hùng cũng như những đau thương mất mát. Ngày 10/8/1961, một ngày đáng nhớ trong nhiều ngày đáng nhớ trong trang lịch sử bi hùng chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta- ngày Mỹ dùng máy bay H34 phun rải chất độc hóa học dọc theo con lộ 14 thuộc Kom Tum của Việt Nam, mở đầu cho hành động hủy diệt tàn bạo của Mỹ hơn 10 năm trời…

Chất độc màu da cam/Dioxin là cụm từ chỉ các chất độc chứa Dioxin. Dioxin lại là từ chỉ chung cho 75 loại chất độc có mức độ độc hại khác nhau, trong đó 7 chất độc nhất có 4 nguyên tử clo. Trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, da cam là từ để chỉ đích danh nguồn gốc dioxin của loại hóa chất tổng hợp cực độc này.

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/ dioxin ở Việt Nam trong những năm 1961- 1971.

Như chúng ta đều đã biết, đến năm 1961, cách mạng miền Nam đã có những lớn mạnh, làm cho Mỹ ngụy hoảng sợ. Ngày 12/4/1961 Tổng thống Mỹ Kennedy nhận được một bản kiến nghị của hoạt động quân sự tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả chiến tranh hóa, sử dụng chất da cam. Ngay sau đó, Phó Tổng thống Mỹ B.Johnson tới Sài Gòn và cho thành lập Trung tâm nghiên cứu quân sự nhằm phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có việc sử dụng chất da cam để hủy diệt những khu rừng… chặn đường ẩn náu của bộ đội và cung cấp lương thảo, vũ khí của ta.

Sau lần rải đầu tiên vào ngày 10/8/1961, ngày 24/8, Ngô Đình Diệm cho rải thử nghiệm và ngày 23/9 cùng năm, Bộ quốc phòng Mỹ ra thông điệp triển khai chiến dịch rải thảm ở Việt Nam mặc cho trong chính quyền và quân đội Mỹ không ít người phản đối. Trong các ngày 3, 7 và 30 tháng 11/1962 Tổng thống Mỹ Kennedy và Bộ quốc phòng Mỹ Mc.Namuza liên tiếp có những quyết định và hành động thúc đẩy việc phun rải chất độc hóa học với các mật danh của từng chiến dịch hết sức mỹ miều “Con đường bụi mờ”, “Thần địa ngục” vv… với hàng trăm nghìn lít Dioxin rải xuống Việt Nam ngày một nhiều, trên diện tích rừng, ruộng đồng làng mạc ngày một rộng. Có thể dẫn ra đây vài con số: Năm 1962 là 64.990 lít, năm 1963 là 250.000 ga-lông, năm 1965 là hơn 19,3 triệu lít, năm 1968 là 19,2 triệu lít… Đến tháng 4/1972, theo tài liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, kết thúc chiến tranh hóa học tại Việt Nam, Mỹ đưa 5,1 triệu lít da cam từ Việt Nam về đảo Johnston trên Thái Bình Dương.

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người: Chỉ hơn 10 năm (1961- 1971) Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% số đó là da cam, chứa 26.000 thôn bản, 3,06 triệu ha (1/3 diện tích miền Nam Việt Nam), trong đó có 86% bị rải 2 lần, 11% bị rải 10 lần, chất độc đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ con người phải hứng chịu. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba.

Tỷ lệ nạn nhân ở một số tỉnh có hơn nửa là dân thường (Kom Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi) tỷ lệ dân thường là 67,9 đến 75,4%… Bị phơi nhiễm chất độc mầu da cam, thế hệ con cháu họ mắc hàng loạt các loại bệnh tật: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh… Có thể nói rằng, nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất.

Gieo tội ác, không chỉ có nhân dân Việt Nam, mà ngay những người lính tham chiến của Mỹ, Hàn Quốc, Úc v.v… cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân- Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968- 1970 có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, Hàn Quốc là 100/300 nghìn lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó 20.000 người đã chết. Nước Mỹ sau chiến tranh có “Hội chứng da cam” đeo đẳng lên xã hội Mỹ…

Cùng với tất cả các hoạt động nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm giải quyết hậu quả chất độc mầu da cam. Hàng chục chỉ thị, nghị quyết được ban hành. Điển hình như thông báo kết quả số 292 ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư chỉ rõ: “Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công cuộc chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có biện pháp cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”.

Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố được thành lập đã thực hiện hàng loạt các công việc một cách thiết thực và hiệu quả, góp phần giải quyết độc, khắc phụ hậu quả, giảm nhẹ đau thương, mất mát cho nạn nhân. Có thể chỉ ra một vài ví dụ: Đã giải quyết tốt các chính sách cho 320.000 người phơi nhiễm và con cái là nạn nhân; thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân và con của họ; giải quyết công tác tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường… Về phía Mỹ cũng đã có những đóng góp bước đầu cho việc khắc phục nỗi đau da cam. Tính đến 1/1/2016, Chính phủ Mỹ đã chuẩn chi tham gia khắc phục hậu quả ở Việt Nam là 173 triệu USD… Chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh buộc Mỹ phải có trách nhiệm trước tội ác chống lại loài người đã gây ra ở Việt Nam này.

Hữu Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/55-nam-tham-hoa-da-camdioxin-o-viet-nam/