54 năm Sơn Mỹ: Tiếng chuông hòa bình vẫn gióng

Sáng 16/3, chuông đồng tại Khu chứng tích Sơn Mỹ lại được gióng lên 5 hồi 4 tiếng để tưởng niệm 504 đồng bào đã mất, đó cũng là tiếng chuông thôi thúc một niềm khát khao được sống trong hòa bình...

Chuông đồng tại khu chứng tích Sơn Mỹ được gióng lên để tưởng niệm những đồng bào đã mất. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Điểm hẹn của người yêu chuộng hòa bình

Về lại Sơn Mỹ ngày này, không còn nhận ra dấu vết vùng đất một thời bị đạn bom, giặc thù giày xéo. Những tuyến đường nông thôn mới được mở rộng phẳng lì. Đèn điện sáng trưng, giao thương tấp nập, đời sống ấm no.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 16/3, bà Phạm Thị Ân, ở xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê), lại cùng con gái là những nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát, đến thắp nén tâm hương cho chồng và những dân làng bị bắn giết tức tưởi. “Chiến tranh gây ra nhiều đau thương mất mát. Cầu mong trên thế giới không có chiến tranh để không xảy ra những thảm cảnh như quê hương chúng tôi cách đây 54 năm về trước”, bà Ân trải lòng.

504 bông hồng của cựu binh Mỹ Billy Kelly gửi đến Sơn Mỹ ngày này với lời nhắn “mãi không quên”. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Làng quê Sơn Mỹ, từ lâu đã trở thành điểm hẹn của những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Họ đến đây để cảm nhận sự hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ của một vùng quê nghèo khó, về lòng bao dung, chân tình của những người dân chân chất luôn yêu chuộng hòa bình. Dù chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng người dân Sơn Mỹ luôn sẵn lòng vị tha. Đó cũng là thông điệp mà người dân Sơn Mỹ muốn gửi đến nhân dân trên toàn thế giới: Một thế giới hòa bình, không có chiến tranh.

Ngày giỗ chung của cả làng

Bà Đỗ Thị Nguyễn, 66 tuổi, trú xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung Cung (xã Tịnh Khê) chỉ cho chúng tôi xem những khu vực người dân bị sát hại năm ấy, giờ là những mồ đất, những tấm bia. Bà Nguyễn xúc động nói: “Dù hiện nay cuộc sống còn khó khăn, bữa ăn còn đạm bạc, nhưng người dân xã Tịnh Khê chúng tôi vẫn không quên ngày 16/3, ngày giỗ chung của 504 người dân vô tội bị lính Mỹ sát hại. Quá khứ qua rồi giờ chúng ta hãy hướng đến tương lai, giờ đây cuộc sống yên bình là chúng tôi mừng lắm rồi. Không nên nhắc lại chuyện cũ”.

Trên những con đường làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê vào ngày 16/3 hằng năm khói hương bay nghi ngút, nhà nào cũng làm đám giỗ. Gia đình nào làm ăn khấm khá thì giỗ tươm tất, nhà nào nghèo thì mua đĩa trái cây, bó hoa đặt lên bàn thờ, thắp một nén nhang để tưởng nhớ người thân đã mất trong vụ thảm sát. Ngày giỗ chung ở đây không ai mời ai, chỉ có người thân và những người đến thắp hương tưởng niệm ở khu chứng tích Sơn Mỹ…

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Khu chứng tích Sơn Mỹ đang trong giai đoạn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cấp từng bước, thu hút người dân, du khách đến tham quan, chứng kiến những hình ảnh vụ thảm sát. Qua đó, tưởng niệm đồng bào bị thảm sát vô tội, và cũng để nhắc nhở, kêu gọi mọi người chung tay gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới.

Đã 54 năm qua, vẫn chưa thể quên được vụ thảm sát kinh hoàng ở thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi). Hơn 504 thường dân vô tội ở Sơn Mỹ đã bị quân đội Mỹ sát hại trong buổi sáng ngày 16/3/1968. Nhiều thế hệ người dân Sơn Mỹ vượt qua đau thương, chung tay vượt qua gian khó, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn Mỹ ngày càng khởi sắc với mức thu nhập ổn định từ 40 đến 45 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, các công trình phúc lợi dân sinh, trường học, bệnh xá cũng được xây dựng khang trang.

Năm nay mặc dù không thể sang Việt Nam dự lễ, nhưng ông Billy Kelly, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam như thường lệ vẫn gửi 504 bông hoa hồng dâng lên linh hồn 504 thường dân Sơn Mỹ bị sát hại trong ngày 16/3/1968. Ông viết trong tấm thiệp: “Sơn Mỹ ngày 16/3/2022, mãi không quên”.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/54-nam-son-my-tieng-chuong-hoa-binh-van-giong-post1423670.tpo