5 thói quen xấu làm hại da

Đôi khi trong cuộc sống, một số thói quen vô tình có thể gây hại da, theo thời gian sẽ dẫn đến tình trạng lão hóa da nghiêm trọng, thậm chí là hình thành nếp nhăn, vết nám...

Khi nghe đến tổn thương da, bạn có thể nghĩ đến nếp nhăn, da chảy xệ và các vết nám... Những thay đổi trên da này là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Nhưng nhiều thói quen xấu gây hại da có thể dẫn đến tổn thương da và đẩy nhanh quá trình này.

1. Tổn thương da là gì?

Tổn thương da là những thay đổi khiến da không thể thực hiện được chức năng của mình. Da không ngừng tự đổi mới. Nhưng khi chúng ta già đi, tế bào da không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Chúng tạo ra ít collagen hơn, những loại protein giữ cho da săn chắc. Và sự kết nối giữa các protein này bắt đầu lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng da chảy xệ. Các mao mạch trên da cũng bắt đầu yếu đi, dẫn đến dễ bị bầm tím.

Về mặt kỹ thuật, lão hóa da không phải là tổn thương. Đó là một quá trình tự nhiên do những yếu tố không thể thay đổi như di truyền, hormone và sự trao đổi chất. Nhưng một số thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng là nguyên nhân góp phần đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Một số thói quen vô tình có thể gây hại da, cần tránh.

2. Thói quen nào gây hại da?

Không chú ý chống nắng

Nhiều cô gái dù chăm sóc da rất tốt nhưng lại làm ngơ trước bước chống nắng quan trọng nhất. Có 2 loại tia cực tím có thể gây tổn thương cho da là tia cực tím sóng dài (UVA) và tia cực tím sóng trung bình (UVB), tia UVB sẽ tập trung trên bề mặt da, gây đỏ da, cháy nắng và thậm chí là ung thư. UVA có thể xuyên qua các tòa nhà, thậm chí cả quần áo và đến lớp hạ bì, không chỉ làm đen da mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa da.

Vì vậy, nếu chống nắng không đúng cách sẽ khiến da bị sạm, nhanh lão hóa và dễ xuất hiện nếp nhăn. Để chống nắng hiệu quả, bên cạnh việc lựa chọn kem chống nắng phù hợp, bạn cũng cần sử dụng biện pháp chống nắng vật lý như đội mũ, che nắng, đeo kính râm,…

Thích tắm nước nóng

Nhiều người thích dùng nước nóng để tắm, tắm nước nóng có hại cho da, đặc biệt nếu nhiệt độ nước vượt quá 40 độ và thời gian tắm lâu. Vì tắm nước nóng lâu, một lượng lớn độ ẩm trên da sẽ dễ dàng bị mất đi, gây khô da và khiến da bị tổn thương. Sau khi tắm nên dùng khăn lau nhẹ nhàng độ ẩm trên bề mặt da, tránh lau quá mạnh làm tổn thương lớp sừng bảo vệ da.

Thức khuya lâu ngày

Nhịp sống hiện đại khiến nhiều người thức khuya hơn. Nếu thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ trầm trọng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, khiến da xỉn màu, thiếu sức sống. Muốn làn da khỏe mạnh, căng bóng thì bạn nên ngủ đủ giấc, tránh thường xuyên thức khuya, tốt nhất nên đi ngủ trước 23h mỗi ngày.

Nếu chống nắng không đúng cách sẽ khiến da bị sạm, nhanh lão hóa.

Không tẩy trang trước khi đi ngủ

Làm sạch da kỹ lưỡng là bước đầu tiên để có làn da đẹp. Bởi bụi bẩn bám trên mặt chúng ta không chỉ là các chất bài tiết mà còn cả các hạt bụi trong không khí hay các hóa chất từ bên ngoài…

Tẩy trang là một phần của quá trình làm sạch da. Nước tẩy trang có thể làm sạch lớp trang điểm và bụi bẩn mà sữa rửa mặt không thể loại bỏ, giữ cho da sạch sẽ, tránh mụn đầu đen và mụn trứng cá trên da. Nhưng nhiều chị em ban ngày trang điểm để đi làm, tối về nhà mệt mỏi, đi ngủ mà không tẩy trang, cách làm này rất sai lầm. Không tẩy trang, theo thời gian, cặn bẩn tích tụ chắc chắn sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông và ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da.

Không thích dưỡng ẩm

Một số người chỉ sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm khi da bị bong tróc. Cách làm này là sai lầm và dễ dẫn đến nhiều vấn đề về da. Thực tế, việc dưỡng ẩm cần được thực hiện quanh năm và là khâu quan trọng nhất trong mọi quá trình chăm sóc da.

Khi thực hiện cũng cần lưu ý, kem dưỡng ẩm nên được thoa trong vòng 3 phút sau khi rửa mặt khi da vẫn còn ẩm. Nếu đợi đến khi da khô rồi mới bôi, các hoạt chất của sản phẩm dưỡng da sẽ khó được da hấp thụ, khiến da tiết nhiều dầu hoặc thô ráp. Ngoài ra, cần uống nhiều nước hơn để bổ sung độ ẩm cần thiết cho da, điều này sẽ giúp loại bỏ độc tố, rất hữu ích cho sức khỏe của làn da.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Khi nồm ẩm dễ mắc những bệnh nào về da? Cách phòng ngừa.

Ngô Diệu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-thoi-quen-xau-lam-hai-da-169240315125402696.htm