5 năm trước, chúng ta từng thổn thức vì 'Không kịp nói yêu em'

Đã 5 năm trôi qua nhưng mối tình đầy bi ai của Bái Lâm - Tĩnh Uyển trong "Không kịp nói yêu em" vẫn làm day dứt nhiều người.

5 năm trước, chúng ta từng thổn thức vì "Không kịp nói yêu em"

Người ta dành tặng cho Phỉ Ngã Tư Tồn một danh hiệu mà chắc hẳn chẳng mấy ai mong: Mẹ kế. Nguyên nhân là do các nhân vật trong truyện của Phỉ Ngã Tư Tồn đều "thê thảm", đều bị "ngược" đến tận cùng.

Nhưng có lẽ chính sự bi ai đã giúp Phỉ Ngã Tư Tồn trở thành nữ hoàng ngôn tình của Hoa ngữ. Và Không kịp nói yêu em chính là một trong những tác phẩm đi theo tôn chỉ "không có bi thảm nhất chỉ có bi thảm hơn" của ngôn tình nữ vương này.

Không kịp nói yêu em được Phỉ Ngã Tư Tồn viết năm 2006. Sau đó 4 năm, tác phẩm này được chuyển thể thành phim trong sự chờ đợi của đông đảo người hâm mộ.

Năm 2010 tác phẩm được lên sóng với sự tham gia của hai cái tên đình đám trong giới điện ảnh Hoa ngữ là Chung Hán Lương và Lý Tiểu Nhiễm.

"Phải bao nhiêu tình yêu trên đời mới đủ những cái chia tay"

Đã 5 năm trôi qua nhưng câu chuyện tình yêu của Doãn Tĩnh Uyển, Bái Lâm vẫn khoắc khoải lòng người.

Bối cảnh của Không kịp nói yêu em là xã hội loạn lạc của Trung Quốc vào thời Dân quốc. Vai vế của Bái Lâm (Chung Hán Lương) khiến người ta nghĩ ngay tới những câu chuyện mỹ nhân và giang sơn thời xưa. Bái Lâm được xây dựng hình ảnh như "ông vua" cai quản lục tỉnh Giang Bắc nổi tiếng.

Xuyên suốt thời lượng của Không kịp nói yêu em, hình ảnh Bái Lâm vẫ nhất quán với phong thái lạnh lùng nam tính. Bất kỳ tình huống gì, Bái Lâm cũng biết mình muốn gì và phải làm gì để đạt được cái mình muốn.

Còn Doãn Tĩnh Uyên (Lý Tiểu Nhiễm), cô như đóa hoa lan thanh khiết, trong sáng giữa thời Dân quốc đầy loạn lạc. Cô có một gia đình luôn yêu thương và bao bọc mình, cũng có một Hứa Kiến Chương nho nhã lịch thiệp lúc nào cũng dịu dàng chu đáo luôn yêu cô.

Cuộc đời của Tĩnh Uyên có lẽ sẽ an nhàn và vui vẻ hơn nếu như không có chuyến tàu định mệnh ấy. Chuyến tàu đưa đẩy cho cô gặp người con trai bí ẩn với chiếc đồng hồ khắc hai chữ "Bái Lâm'.

Vì Hứa Kiến Chương bị bắt do buôn lậu hàng cấm nên Tĩnh Uyên phải lặn lội đi tìm nhờ vả Cậu Sáu Mộ Dung (cũng chính là Bái Lâm).

Từ sau khi Tĩnh Uyên đưa thân đỡ cho Bái Lâm một phát đạn thì hạt mầm tình yêu đã nảy nở trong trái tim chàng trai lạnh lùng.

Lúc Bái Lâm nhận ra mình yêu Tĩnh Uyên thì cũng là thời điểm cô đang quanh quẩn trong vòng tròn tình yêu tình bạn. Ở thời điểm ấy, Tĩnh Uyên cũng chưa hiểu rõ trái tim mình nên theo lẽ thường cô sẽ chọn ở bên Hứa Kiến Chương - người đàn ông yêu cô.

Rồi khi hôn lễ của Tĩnh Uyên và Kiến Chương sắp diễn ra, Bái Lâm đã vượt ngàn dặm xa xôi từ chiến trường trở về để nói với người con gái anh yêu rằng: "Anh điên rồi mới thích em đến thế".

Trong cuộc đời cô có lẽ việc trốn nhà ra đi mang theo chiếc đồng hồ vàng khắc tên Bái Lâm là việc làm mang đầy tính quyết định như thế.

Những tháng ngày nơi chiến trường khắc nghiệt lại chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Tĩnh Uyên. Khi ấy Tĩnh Uyên có thể đã khiến mọi cô gái trên cuộc đời này phải ghen tị.

Còn gì hạnh phúc hơn khi Bá Lâm tự mình lái xe vượt hàng trăm cây số đưa cô đi ăn bánh kem, cõng cô trên từng bậc thang để đi ngắm lá đỏ. Là khi Bái Lâm đứng dưới bầu trời đầy tuyết trắng để ôm cô vào lòng và hát cho cô nghe.

Yêu thương là vậy có sao lại buông tay?

Nhưng rồi, "quốc gia vạn dặm, quan sơn như tuyết, loạn thế kinh mộng, nửa đời phồn hoa", giữa giang sơn và người đẹp, người anh hùng luôn phải chọn một.

Bái Lâm trong mắt nhiều người chính là người đàn ông cuồng nhiệt, si dại nhưng lý trí đến tàn nhẫn. Anh như con phượng hoàng rực rỡ, chói lòa và nóng bỏng khiến người ta si mê không lối thoát mặc dù biết nếu càng tiến gần lại càng làm đau bản thân.

Và vì giang sơn, đại cục, Bái Lâm đành đưa Tĩnh Uyên sang Pháp để lấy một người con gái khác.

Bi kịch của Tĩnh Uyển là cô sống ở thời Dân Quốc mà lại lĩnh hội sự giáo dục của phương Tây. Cô là người không khoan nhượng trong tình yêu, nhưng cũng bất lực trước cuộc đời.

Với cô, tình yêu không có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Và 8 năm họ lạc mất nhau.Trong 8 năm đó, Bái Lâm có một cuộc hôn nhân vì lợi ích, cũng vui mừng chào đón những đứa con.

Trong 8 năm đó, anh vẫn yêu cô.

Còn Tĩnh Uyên, trong 8 năm đó, cô cũng đã tìm được người đàn ông yêu cô, cho cô sự bình yên trong tâm hồn, người đàn ông sẵn sàng đặt con cô lên đôi vai minh và mang đến cho nó nụ cười.

Nhưng Tĩnh Uyên không ngờ rằng sau 8 năm, Bái Lâm vẫn dễ dàng "điên" lên vì cô, "điên" lên vì một câu cô nói: Em yêu Tín Chi.

Trong truyện, "mẹ kế" Phỉ Ngã Tư Tồn đã đưa ra một cái kết đau đớn đến tận cùng. Tịnh Uyển bỏ đi Mỹ cùng Tín Chi – một người đàn ông thầm yêu và hết lòng chăm sóc cô.

Sau 8 năm, họ gặp lại Bái Lâm. Lúc này vì quá ghen tuông nên Bái Lâm đã hại chết con của Tịnh Uyển mà không biết đó chính là giọt máu của chính mình.

Quá đau đớn, Tịnh Uyển ôm xác đứa bé đến trước mặt anh rồi tự sát bằng chính khẩu súng anh tặng cô năm xưa. Trước khi chết, cô không nói được hết câu "đó là con của anh" để rồi Bái Lâm phải sống một đời ân hận.

Nhiều người nói rằng dù đau đớn nhưng đây là một cái kết hợp tình, hợp ý.

Gieo hành vi, gặt thói quen, gieo thói quen, gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận. Vì đó là Bái Lâm, vì đó là Tĩnh Uyển, nên số phận của họ trôi đi như thế, và kết thúc như thế.

Để chiều lòng khán giả, đạo diễn phim đã lên một cái kết có hậu hơn. Tịnh Uyển tìm lại Bái Lâm sau 7 năm xa cách.

Lúc này anh đã mất trí nhớ và không còn gánh nặng giang sơn như trước. Sau một thời gian bên nhau, anh đã nhớ lại chuyện cũ và hai người được bên nhau mãi mãi.

Chung Hán Lương - Lý Tiểu Nhiễm và thành công của Không kịp nói yêu em

Fan của "mẹ kế" Phỉ Ngã Tư Tồn từng khẳng định, Không kịp nói yêu em không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Nữ vương ngôn tình. Tuy nhiên, đây lại là tác phẩm chuyển thể thành công nhất của Phỉ Ngã Tư Tồn.

Và nguyên nhân cho sự thành công này không thể không kể tới cặp đôi diễn viên chính Chung Hán Lương và Lý Tiểu Nhiễm.

Chung Hán Lương đã khẳng định là một "soái ca phim chuyển thể" khi thể hiện rất tròn đầy tình yêu mãnh liệt dành cho Tịnh Uyển và sự đau khổ, day dứt khi phải lựa chọn giữa giang sơn và tình yêu.

Khoác lên mình bộ quân phục, Chung Hán Lương khiến fan hâm mộ "phát cuồng" bởi vẻ ngoài điển trai, khí phách ngạo nghễ, mạnh mẽ rất đàn ông của anh.

Mộ Dung Bái Lâm là một vị tướng quân tài giỏi, lạnh lùng, đầy dã tâm. Nhưng trước tình yêu, anh cũng rất ấm áp, si tình, và cũng quyết liệt theo đuổi người con gái mình yêu.

Những cái ôm mạnh mẽ, những nụ hôn mãnh liệt, những lời nói bá đạo nhưng đều thể hiện tình yêu sâu đậm của Chung Hán Lương trong phim chính là yếu tố hấp dẫn khán giả.

Giữa biển người tìm anh - Nhạc phim Không kịp nói yêu em

Những hình tượng để đời của "nam thần" Chung Hán Lương 16 Mộ Dung Bái Lâm là người tham vọng, lãnh khốc.

Sau Không kịp nói yêu em, vai diễn Mộ Dung Bái Lâm cũng như Chung Hán Lương đã trở thành một tượng đài trong dòng phim chuyển thể, với mô tuýp nam chính ngoài lạnh lùng, trong ấm áp nổi danh của dòng phim ngôn tình.

Lý Tiểu Nhiễm cũng đã thể hiện thành công vai diễn của mình là một tiểu thư Tịnh Uyển si tình nhưng kiên cường, dám yêu dám hận.

Không kịp nói yêu em - Vương Hạo Thân

Kết thúc của bộ phim hoàn toàn khác với tiểu thuyết gốc của Phỉ Ngã Tư Tồn. Cái kết có hậu hơn khi cuối cùng Tịnh Uyển và Mộ Dung Phong cũng về lại bên nhau.

Điều đặc biệt ở bộ phim chuyển thể này chính là dù khác xa nguyên tác nhưng lại được rất nhiều fan của Phỉ Ngã Tư Tồn đồng tình và ủng hộ.

Là tự em đa tình - Hồ Dương Lâm (Nhạc phim Không kịp nói yêu em)

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/5-nam-truoc-chung-ta-tung-thon-thuc-vi-khong-kip-noi-yeu-em-20160531151339016.htm