5 điểm cần lưu ý để bảo đảm an toàn cho trẻ dịp Tết Trung thu

Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ dịp Tết Trung thu 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn đề nghị đảm bảo an toàn cho trẻ em vui dịp Tết.

Nguồn gốc ngày Tết Trung thu

Nguồn gốc Tết Trung Thu có liên quan đến nhiều tín ngưỡng khác nhau của người xưa. Trung thu mang nhiều ý nghĩa về tình yêu thương, sum họp và lòng biết ơn với những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng Tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra Tết Trung thu.

Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121, từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

Phong tục ngày Tết Trung thu ở Việt Nam rất đa dạng và tùy theo từng vùng miền. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động đều hướng đến trẻ em.

Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả...

Tại các địa điểm dân phố hoặc trung tâm thương mại, Tết Trung thu đều tổ chức trang trí và các hoạt động riêng cho trẻ em đến vui chơi, chụp ảnh.

Tết Trung thu các nơi đều được trang trí rất bắt mắt. Ảnh: TL

Ý nghĩa ngày Tết Trung thu

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

Theo phong tục người Việt, trong ngày này tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ...

Tết Trung thu 2023 là ngày bao nhiêu dương lịch?

Tết Trung thu còn có các tên gọi khác như Tết Thiếu nhi, Tết Trông trăng hay Tết Đoàn viên, diễn ra vào rằm tháng Tám Âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày rằm quan trọng đối với người Việt.

Trung thu 2023 rơi vào thứ Sáu, ngày 29/9 Dương lịch. Tuy nhiên, dân gian thường bắt đầu các hoạt động vui chơi Tết Trung thu như rước đèn, múa lân... từ ngày 14/8 Âm lịch.

Phần lớn các hoạt động ngày Tết Trung thu đều hướng đến trẻ em.

Các lưu ý bảo đảm an toàn cho trẻ trong dịp vui Tết Trung thu

Mới đây, ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã có công văn đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu năm 2023.

Công văn đề cập đến 5 nội dung, bao gồm:

Thứ nhất, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ cho trẻ em khi sử dụng các đồ chơi Trung thu chứa các nguyên, vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao (đèn ông sao, đèn lồng có đốt nến, bóng bay sử dụng khí dễ bắt lửa gây cháy nổ...), hạn chế đốt lửa trại, pháo hoa trong các hoạt động phá cỗ trông trăng tại gia đình và các khu vực công cộng.

Thứ hai, bảo đảm an toàn phòng, chống các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, gây ngộ độc đối với các sản phẩm đồ chơi được cất giữ, lưu thông, mua bán trong dịp Tết Trung thu.

Thứ ba, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc cho trẻ em đối với các loại bánh, kẹo, trái cây, đồ uống và các loại thực phẩm khác được sử dụng trong các hoạt động Tết Trung thu.

Thứ tư, bảo đảm an toàn đối với các phương tiện giao thông và các tuyến đường có số lượng lớn trẻ em và người dân tham gia giao thông trong dịp Tết Trung thu.

Thứ năm, tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra trước và trong khi tổ chức các hoạt động Tết Trung thu để ngăn chặn loại bỏ kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em và người tham gia.

Cục Trẻ em cũng yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ và tai nạn, thương tích cho trẻ em trong báo cáo hoạt động Tết Trung thu năm 2023.

Cục Trẻ em yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ và tai nạn, thương tích cho trẻ em trong báo cáo hoạt động Tết Trung thu năm 2023.

Liên quan đến nhiệm vụ tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, trước đó, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước; huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân để thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em.

Việc tổ chức tặng quà Tết Trung thu quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/5-diem-can-luu-y-de-bao-dam-an-toan-cho-tre-dip-tet-trung-thu-172230926150944435.htm