5 bảo vật quốc gia ở cố đô Lam Kinh

Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) là vùng đất thiêng, nơi còn chứa đựng bao điều kỳ bí lưu truyền cho tới ngày nay. Tại đây hiện còn lưu giữ 5 tấm bia đá là bảo vật quốc gia 'độc nhất vô nhị'.

Bia Vĩnh Lăng

Bia Vĩnh Lăng được dựng tháng 10 năm Quý Sửu 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6). Nhà bia Vĩnh Lăng nổi bật với kiến trúc bằng gỗ lim, vì kèo theo lối chồng rường 2 tầng mái và 16 hàng chân cột. Bia Vĩnh Lăng là tấm bia có kích thước lớn, mỹ thuật điêu khắc, trang trí cầu kỳ, công phu, đường nét trau chuốt.

Bia Vĩnh Lăng

Đây là tấm bia thuộc vào hàng những tấm bia cổ lớn và đẹp nhất Việt Nam

Bia Vĩnh Lăng ghi thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi. Đây là tấm bia thuộc vào hàng những tấm bia cổ, lớn và đẹp nhất Việt Nam, đã tồn tại suốt với thời gian và lịch sử của dân tộc từ năm 1433.

Vĩnh lăng là một tài liệu quý giá để nghiên cứu về bia và nghệ thuật, điêu khắc, trang trí mỹ thuật thời Lê sơ. Trước kia có nhà che bia, nhưng qua thời gian và biến cố của lịch sử chỉ còn lại nền móng và chân tảng. Năm 1960, nhà che bia được Nhà nước đầu tư phục hồi tôn tạo lại và khánh thành năm 1961.

Bia Vĩnh Lăng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Bia Khôn Nguyên Chí Đức

Khôn Nguyên Chí Đức Chi bi (Bia Khôn Nguyên Chí Đức) nằm trên đồi Phú Lâm. Bia được tạc dựng năm Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời Vua Lê Hiến Tông, 2 năm sau khi Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao qua đời.

Bia Khôn Nguyên Chí Đức

Bia được tạc bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, hình chữ nhật, trọng lượng khoảng 13 tấn và được đặt trên lưng một con rùa lớn. Bia được khắc chữ Hán nổi hai mặt kèm theo nhiều họa tiết hoa văn, chủ yếu là hình lưỡng long chầu nguyệt, hình lá đề, hoa cúc hình dây… Bia khắc ghi công trạng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, bậc mẫu nghi thiên hạ, tài đức vẹn toàn. Bà là người đã sinh ra một vị Vua được xem là anh minh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam – Vua Lê Thánh Tông.

Bia Khôn Nguyên Chí Đức được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.

Bia Chiêu Lăng

Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi (tức bia Chiêu Lăng) được tạc dựng vào năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến Tông. Bia cổ có trọng lượng khoảng 13 tấn, gồm thân bia và rùa, được làm bằng đá xanh nguyên khối. Trán bia hình vòng cung, mặt trước khắc nổi 3 hình rồng, chính giữa là một con rồng lớn, 2 bên khắc 2 rồng uốn khúc bay lượn, mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa.

Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi

Bia ghi thân thế sự nghiệp vị vua được xem là anh minh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam

Bia Chiêu Lăng được dựng trên một khoảng đất bằng phẳng trên đỉnh gò cao, cách mộ 200 m về phía Đông Nam, trước đây không có nhà che bia, đến năm 1998 được đầu tư, tôn tạo làm nhà che bia.

Nội dung bia ghi chép lại thân thế, sự nghiệp, công trạng vua Lê Thánh Tông, vị vua đưa nước Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt. Đây cũng là tấm bia được khắc 2 mặt trước và sau. Năm 2016, bia Chiêu Lăng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bia Dụ Lăng

Bia được tạc hơn 500 năm trước, khắc ghi công trạng của Lê Hiến Tông - vị vua anh minh, có công gìn giữ cơ đồ triều Lê Sơ. Bia nặng khoảng 13 tấn, gồm thân bia và rùa, được tạc bằng đá xanh nguyên khối, hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống.

Bia Dụ Lăng

Bia không chỉ là pho sử liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Vua Lê Hiến Tông mà còn là chứng cứ lịch sử, văn bản gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, góp phần bổ sung tư liệu cho chính sử.

Bia được dựng trên điểm cao nhất của gò đất phía Tây Nam, cách lăng mộ khoảng 50 m, trước đây không có nhà che bia, đến năm 1998 được đầu tư, tôn tạo làm nhà che. Bia được công nhận là bảo vật quốc gia tháng 12.2017.

Bia Kính Lăng

Bia Vua Lê Túc Tông (Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi) được dựng vào tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), trên điểm cao của gò đất hướng Đông Nam, cách lăng mộ Vua Lê Túc Tông khoảng 100 m, cách trung tâm Lam Kinh khoảng 4 km về phía Đông, thuộc đội 1, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Bia Kính Lăng, bia đá duy nhất không nằm trong Lam Kinh

Nghệ thuật trang trí, điêu khắc bia công phu, đường nét trau chuốt, tỉ mỉ được thể hiện qua từng chi tiết, nét vẽ, nét đục chạm khắc, các họa tiết và bố cục cũng được suy tính cẩn thận. Nội dung văn bia ghi lại cuộc đời và công lao của Vua Lê Túc Tông trong tiến trình phát triển của giai đoạn lịch sử triều đại Lê sơ.

Tên bia viết theo lối chữ Triện, gồm 7 chữ. Toàn văn bia viết theo lối chữ Chân, gồm 47 dòng, khoảng 1.500 chữ, ghi về thân thế, sự nghiệp, ngày sinh, ngày mất của vua Lê Túc Tông. Năm 2020, bia được công nhận là bảo vật quốc gia.

Theo Người lao động

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kham-pha/5-bao-vat-quoc-gia-o-co-do-lam-kinh-194844