5 bài thuốc sử dụng hạt lười ươi chữa viêm họng

Hạt lười ươi là một dược liệu quý được ứng dụng rộng rãi trong Đông y và Tây y, với tác dụng chữa trị nhiều bệnh khác nhau, trong đó có thể dùng hạt lười ươi hỗ trợ và điều trị viêm họng hiệu quả.

1. Đặc điểm và công dụng chữa bệnh của hạt lười ươi

Lười ươi còn có rất nhiều tên gọi khác, như đười ươi, cây thạch, cây ươi, đại hải tử, đại hải, an nam tử, đại đồng quả, đại phát, bàng đại hải...

Tên khoa học là: Sterculia lychnophora Hance, thuộc họ: Trôm (Sterculiaceae).

Là một cây to, lười ươi cao 30-40m, thân có thể cao 10-20m mà chưa phân nhánh, đường kính thân 0,8-1m. Lá đơn, nguyên hay xẻ thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới nâu hay ánh bạc, dài 18- 45cm, rộng 18-24cm, cuống dài. Hoa nhỏ, không cuống, họp từng 3-5 thành chùy ở đầu cành. Mỗi hoa cho 1-2 quả đại.

Hạt lười ươi hỗ trợ và điều trị viêm họng hiệu quả.

Quả xuất hiện vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 và mở ra trước khi hạt chín. Khi chín quả đại tách ra, hạt còn lại thường nhầm là quả, có hai cánh, thực tế chỉ là hai thùy dạng lá của quả đại.

Vào tháng 4-5, người ta thu hoạch hạt, phơi hay sấy khô. Hạt có hình trứng dài 2,5-3,5cm, rộng 1,2-2,5cm, màu nâu đỏ nhạt, trên mặt nhăn nheo, nổi trên nước, nhưng khi ngâm với nước thì sau khoảng 20-30 phút nở rất to, gấp 8-10 lần thể tích của hạt, thành một chất nhầy màu nâu nhạt, trong, vị hơi chát.

Công dụng của hạt lười ươi

Theo Đông y, quả (hạt) lười ươi có vị ngọt, tính mát, lợi vào 2 kinh phế và đại tràng; có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, lợi hầu, giải độc, nhuận tràng, thông tiện. Chủ trị đau rát họng, khàn tiếng, ho khan không đờm, đại tiện táo kết, nóng hâm hấp trong xương, đầu đau, mắt đỏ, răng lợi sưng đau; trĩ lở loét… được sử dụng trong các trường hợp viêm họng cấp tính và mạn tính, viêm amiđan, polyp thanh quản, viêm phế quản cấp tính…

Kinh nghiệm dân gian dùng hạt lười ươi làm thuốc thanh nhiệt, nhuận tràng bằng cách cho hạt lười ươi vào cốc nước nóng cho hạt nở ra, một lúc sau thành thứ nước sền sệt như thạch. Thêm đường vào cho đủ ngọt, chia nhiều lần uống trong ngày.

Ngoài ra, có thể dùng trong các trường hợp ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu.

2. Cách sử dụng hạt lười ươi chữa viêm họng

Hỗ trợ và điều trị viêm họng cấp tính và mạn tính: Lười ươi 3-5 quả, sinh đông qua tử (hạt bí đao sống) 12g; sắc với nước, chia ra uống nhiều lần trong ngày.

Bài thuốc sắc chữa viêm họng mạn tính: Dùng lười ươi 5 hạt, cúc hoa 6g, sinh cam thảo 6g; sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 5-7 ngày.

Cam thảo trong bài thuốc chữa viêm họng với hạt lười ươi.

Hỗ trợ và điều trị đau rát họng, ho khan, khàn tiếng: Lười ươi 5 hạt, cam thảo 3g. Sắc uống thay trà, uống trong ngày. Trẻ em và người cao tuổi khi dùng có thể pha thêm chút đường phèn cho dễ uống.

Chữa đau rát họng, mất tiếng và viêm họng mạn tính: Lười ươi 5 quả, trà búp 6g, trám trắng 4 quả, ô mai 2 quả, mạch môn đông 24g; cùng sắc với nước, thêm chút đường, chia ra uống nhiều lần trong ngày.

Chữa yết hầu sưng đau, ho khan, đại tiện táo kết: Lười ươi 2-3 hạt, mật ong lượng vừa đủ. Lười ươi rửa sạch, cùng mật ong cho vào cốc, hãm nước sôi, đậy kín ủ khoảng 10 phút; khuấy nhẹ cho mật ong tan đều, uống trong ngày.

Nguyên nhân ho, rát họng khi thời tiết giao mùa | SKĐS

Lương y Đỗ Văn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-bai-thuoc-su-dung-hat-luoi-uoi-chua-viem-hong-169240312225715625.htm