40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Mấy bài học về thực hiện đại đoàn kết dân tộc

Trong Di chúc, Bác Hồ cho rằng “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng, của dân ta”. Về đoàn kết trong dân ta, Bác Hồ có câu nói nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là sự kế thừa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, kết hợp với yêu cầu tạo thực lực mạnh để giành chính quyền và giữ vững chính quyền, để bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Để cứu nước và giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã tìm đến con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường tổ chức quần chúng công nông nổi dậy giành chính quyền về tay mình rồi dùng chính quyền cách mạng quản lý xã hội, xây dựng chế độ mới. Nhận thấy rằng cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc nên cần thiết và có thể huy động sức mạnh của cả dân tộc, không chỉ có lực lượng công nông như ở Nga, Bác Hồ luôn coi việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược. Từ đó, trong quá trình lãnh đạo, Bác Hồ và Đảng ta đã xây dựng Mặt trận Phản đế, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam... Công tác xây dựng mặt trận đại đoàn kết dân tộc mấy chục năm qua đã để lại một số bài học kinh nghiệm sau đây: Trước hết, Đảng phải có sự hiểu biết sâu sắc về lòng yêu nước của dân ta. Bác Hồ đã cho rằng “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta... Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Ngay cả với những người ít nhiều có tội với cách mạng mà cách mạng có chính sách khoan hồng, làm cho họ nhận rõ tội lỗi và thức tỉnh lòng yêu nước trong họ, có thể lôi kéo họ đi theo con đường cách mạng. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phải đảm bảo vừa rộng rãi, vừa vững chắc. Để được vững chắc phải lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, chân tay trí óc, những người đã đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra đời sống vật chất và văn hóa cho toàn xã hội. Để được rộng rãi, phải coi trọng việc vận động cá biệt đối với những vị là nhân sĩ trí thức, là người có uy tín lớn trong các dân tộc, các tôn giáo, các già làng, trưởng bản, trong người Việt Nam ở nước ngoài tham gia mặt trận, phát huy vai trò hiệu triệu quần chúng của họ trong công cuộc dựng nước và giữ nước, chống thù trong giặc ngoài. Có nền tảng vững chắc là điều kiện để mở rộng mặt trận. Có phát huy được vai trò hiệu triệu của những nhân vật tiêu biểu mới lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia thành phong trào. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phải gắn với mục tiêu của từng giai đoạn cách mạng. Con đường cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải trải qua 3 giai đoạn: giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ mới và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Các giai đoạn có nội dung xen kẽ vào nhau. Càng giành được thắng lợi càng phải tranh thủ mở rộng mặt trận đại đoàn kết, càng phải chú trọng tranh thủ những nhân vật tiêu biểu mới, những đối tượng quần chúng mới. Để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Đảng phải chỉ rõ mục tiêu chung và hướng đi cụ thể cho mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội. Mục tiêu chung là phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Quá trình thực hiện đại đoàn kết dân tộc phải có phương châm, phương pháp thích hợp. Phương châm là đoàn kết lâu dài, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thực sự, đoàn kết chân thành, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Phương pháp là vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, khêu gợi tự giác tự nguyện, lấy lòng chân thành để cảm hóa. Phải coi việc giữ gìn đoàn kết trong Đảng là hạt nhân đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn dân tộc. Để giành thắng lợi cho cách mạng, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại. Xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phải gắn với thực hiện đoàn kết quốc tế, với việc xây dựng tình hữu nghị với các nước trên thế giới. Trong công tác mặt trận, Đảng lãnh đạo cần làm nổi rõ vai trò của mặt trận trong xã hội, đề ra chương trình hành động sát hợp, biết khéo vận động những nhân vật tiêu biểu, khéo thực hiện nguyên tắc dân chủ hiệp thương. Công tác dân vận và công tác mặt trận có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải đồng nhất. TRẦN TRỌNG TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2009/11/208674/