40 năm rèn ngư cụ bắt sá sùng trên đảo

Ông Nguyễn Văn Bài, trú tại xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã có tới 40 năm làm nghề rèn ngư cụ bắt sá sùng. Tuy vất vả nhưng ông là một trong số ít những người hiếm còn bám trụ với nghề này.

Thống kê trên xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn cho thấy, đến nay chỉ còn hai hộ gia đình duy nhất lưu giữ và làm nghề rèn ngư cụ để khai thác Sá Sùng – một trong những đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh.

Gia đình ông Bài là một trong hai gia đình tiếp tục nối nghề cha ông để lại, duy trì nghề lò rèn làm Mai – vật dụng khai thác Sá Sùng.

Ông Bài chia sẻ: “Trước đây đời bố tôi đã làm nghề rèn đánh Mai rồi, nhưng ông mất sớm khi tôi còn ít tuổi. Để nối nghề của cha để lại, tôi theo anh một thợ trước đây cũng được bố tôi dạy nghề để anh này dạy lại nghề. Sau nhiều năm học nghề, tôi mới mở lò làm, đến nay cũng ngót 40 năm”

Để hoàn thiện 1 cái Mai đào Sá Sùng phải mất khoảng 1h30 phút với điều kiện là than đạt chất lượng là than kíp lê. Thép phải đạt tiêu chuẩn, làm lâu năm nên ông Bài nhìn là biết thép nào làm được Mai

Công đoạn đầu tiên là phải đánh bàn Mai trước, xong đánh tới hai tai. Bàn và tai phải được luyện ở nhiệt độ cao trong lò với thời gian nhất định

Sau khi làm xong bàn và tai Mai, tiếp tục cho vào lò luyện cháy đỏ rực để liền tai với bàn liền với nhau. Nếu không có kỹ thuật cùng với kinh nghiệm lâu năm trong quá trình làm thì thép chảy ra hết, đây cũng là công đoạn khó nhất để hoàn thiện Mai. Phải đốt lò nhiệt cháy với nhiệt độ cao, khi thấy có hoa thép bay lên mình biết là lúc nào được thì bỏ ra khỏi lò để gò

Sau khi tai với bàn liền nhau thành hình thù và đạt kỹ thuật rồi mới mài bóng như gương thì mới sử dụng được. Trong quá trùng luyện và gò thép không đúng kỹ thuật thì Mai chỉ sử dụng một lần là gãy

Bằng kinh nghiệm làm nghề lâu năm, ông Bài chỉ nhìn qua là biết Mai đã qua sử dụng là của mình đánh hay của người thợ khác đánh

Mới đây, ông Bài đã tự tay làm ra cái máy gò đánh thép cho nên công việc hàng ngày giảm bớt công sức, còn trước thì hai vợ chồng ông đều làm thủ công người đập, người gò

Mùa hè mỗi ngày gia đình ông Bài làm được 4 cái Mai. Trung bình 1 tháng bán được khoảng 20 cái, cao điểm mùa hè có tháng bán được 60 cái vì mùa hè thời tiết thuận lợi cho việc khai thác Sá Sùng. Tuổi thọ Mai phụ thuộc người dùng, 1 tháng người khai thác Sá Sùng cũng thu nhập mấy chục triệu đồng

Ông Bài cũng cho biết: "Nghề rèn mai một vì hiện tại không có ai học để truyền nghề. Nghề rèn này cũng mất thời gian và đòi hỏi kiên trì. Hiện tại cuộc sống gia đình đều từ nghề này đi lên, quanh năm gắn bó với nghề, chủ yếu được người dân ở huyện Cô Tô, xã Minh Châu, Quan Lạn (Vân Đồn) đặt mua"

Mai sau khi được người thợ rèn xong sẽ được lắp vào cùi để người dân sử dụng cho khai thác Sá Sùng ở biển - một đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh

V. Hùng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/40-nam-ren-ngu-cu-bat-sa-sung-tren-dao-d195899.html