4 vị Trạng nguyên Việt Nam gắn bó với nhà Phật và chốn thiền môn

Trạng nguyên là học vị cao quý nhất phong cho người đỗ đầu trong Tam khôi bậc Nhất giáp. Có hai học vị Trạng nguyên: Để khuyến khích việc học ở những vùng xa kinh đô, nơi có nhiều khó khăn, trong khoa thi năm Bính Thìn (1256), vua Trần Thái Tông cho lấy Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên.

Mục lục bài viết

Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1495)
Trạng nguyên Vũ Kiệt (Trạng nguyên duy nhất đi tu)
Trạng nguyên Lê Ích Mộc (Trạng nguyên duy nhất xuất thân từ người tu hành)
Trạng nguyên Nguyễn Kỳ (Trạng nguyên duy nhất vinh quy về chùa)

Trạng nguyên là học vị cao quý nhất phong cho người đỗ đầu trong Tam khôi bậc Nhất giáp. Có hai học vị Trạng nguyên: Để khuyến khích việc học ở những vùng xa kinh đô, nơi có nhiều khó khăn, trong khoa thi năm Bính Thìn (1256), vua Trần Thái Tông cho lấy Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Việt Nam là một dân tộc có nền văn hiến từ lâu đời, có truyền thống hiếu học từ xa xưa. Truyền thống đó được nối tiếp từ đời này sang đời khác. Để trở thành hiền tài, mỗi cá nhân phải không ngừng học tập và rèn luyện. Học giỏi để thi cử, đỗ đạt, được bổ dụng làm quan, đem tài năng để phò vua, giúp dân, giúp nước.

Trải qua thăng trầm của các triều đại, các Trạng nguyên Đại Việt liên tục xuất hiện, tạo dựng nên một nền văn hiến huy hoàng. Mặc dù nền khoa bảng hoàn toàn dựa vào kinh sách của Nho gia nhưng ở mỗi vị Trạng nguyên, ý chí độc lập về tinh thần, về tri thức luôn được thức tỉnh mạnh mẽ.

Thời kỳ đầu nhà Lý, vua Lý Thái Tổ (1010-1028), đạo Phật được coi quốc đạo nên việc học được tổ chức trong phạm vi nhà chùa, thời kỳ này chưa tổ chức thi cử tuyển chọn nhân tài. Tới thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), việc học được mở rộng ra toàn xã hội và Nho giáo cũng được xem trọng.

Thi cử được bắt đầu từ năm 1075 khi vua Lý Nhân Tông (1072-1128) cho mở khoa thi Nho học đầu tiên gọi là khoa Tam trường để tuyển chọn những người học rộng, thông hiểu kinh sử. Vì vậy khoa thi này còn được gọi là khoa thi Minh kinh bác học. Người đậu năm này là Lê Văn Thịnh.

Năm 1076, nhà vua cho lập Trường Quốc Tử Giám để dạy cho con cái của nhà vua, hoàng thân, quốc thích và quan lại. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên của nước ta. Sau đó triều đình mở năm khoa thi nữa vào các năm 1086, 1152, 1165, 1185, 1195. Vương triều Lý được coi là triều đại đã đặt nền móng cho việc học, thi cử ở nước ta.

Tới thời nhà Trần (1225-1400), việc học hành được mở mang và tổ chức thi cử cũng hoàn chỉnh hơn, được xem như kiểu mẫu cho các đời sau. Thời Trần Thái Tông (1225-1258), năm 1253, Quốc Tử Giám được tu sửa lại, được gọi là viện Quốc học, dành cho con em quý tộc, quan lại và sau mở rộng cho nho sĩ vào nghe giảng Tứ thư, Ngũ kinh.

Năm 1246, vua Trần Thái Tông cho mở Khoa thi Thái học sinh lấy đậu theo Tam giáp (Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp). Năm 1247, nhà vua cho đặt lại thứ bậc trong Tam giáp: bậc Nhất giáp có Tam khôi: (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).

Trạng nguyên là học vị cao quý nhất phong cho người đỗ đầu trong Tam khôi bậc Nhất giáp. Có hai học vị Trạng nguyên:

Để khuyến khích việc học ở những vùng xa kinh đô, nơi có nhiều khó khăn, trong khoa thi năm Bính Thìn (1256), vua Trần Thái Tông cho lấy Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên. Kinh Trạng nguyên là học vị phong cho những người ở kinh đô và khu vực phía Bắc đỗ đầu trong kỳ thi Đình. Trại Trạng nguyên là học vị cho người ở các vùng từ Thanh Hóa trở vào Nam đỗ đầu trong kỳ thi Đình. Đến khoa thi năm Bính Dần (1266), đời Trần Thánh Tông cũng lấy đỗ Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên.

Để đạt được học vị Trạng nguyên, người đi học phải qua ba kỳ thi lớn (không kể những cuộc sát hach) gồm có: thi Hương, thi Hội và thi Đình.

Lịch sử học hành và thi cử chữ Nho bắt đầu từ nhà Lý (1075) và chấm dứt năm 1919 thời vua Khải Định (1916-1925) nhà Nguyễn. Năm 1918, khoa thi Hương cuối cùng tổ chức ở hai nơi là Nghệ An cho miền Bắc và ở Bình Định cho miền Trung.

Năm 1919, khoa thi Hội cuối cùng tổ chức ở Huế, chấm dứt chế độ học và thi chữ Nho trong lịch sử khoa cử Việt Nam.

Quy định về nội dung thi Hội năm 1919 (nguồn: TTLTQGI)

Tính từ khóa thi đầu tiên năm 1075 đời vua Lý Nhân Tông đến khóa thi cuối cùng vào đời vua Khải Định năm 1919, có tất cả 185 khóa thi. 2.898 người đậu đại khoa, trong đó có 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn, 76 Thám hoa, 2.462 Tiến sĩ, 266 Phó bảng (năm vị thủ khoa đời Lý và đầu đời Trần chưa đạt định chế Tam khôi nên chưa gọi các vị thủ khoa là Trạng nguyên). Các nhà khoa bảng Việt Nam thực sự là những người đã góp phần xây dựng nền văn hiến vẻ vang lâu đời của dân tộc ta.

Trong số 46 vị Trạng nguyên Việt Nam, có nhiều vị Trạng nguyên gắn bó với nhà Phật và chốn Thiền môn, điển hình là:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1495)

Bức chân dung Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Ảnh: https://vi.wikipedia.org/

Lương Thế Vinh – người thôn Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là tác giả của Thích giáo khoa Phật kinh thập giới (nói về 10 điều răn dạy của đức Phật).

Năm 23 tuổi, Lương Thế Vinh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị giảng Chưởng viện sự, Nhập thị kinh diên, Tri sùng văn quán. Phàm các văn thư, từ lệnh bang giao với nhà Minh đều do ông soạn thảo. Tiếng tăm lừng lẫy Trung nguyên. Sinh thời, không sách nào là ông không đọc.

Trong số các Trạng nguyên thì Lương Thế Vinh được coi là người có cách học nhàn nhất, ông học rất mau thuộc, mau hiểu; học đến đâu nhớ đến đó, luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào đời sống. Lương Thế Vinh kết hợp khéo léo giữa chơi và học như: Khi thả diều ông rung dây diều để tính toán ước lượng chiều cao, chiều dài; khi câu cá thì tìm hiểu đời sống các loài sinh vật, ước tính đo chiều sâu ao hồ; lúc leo cây hái quả thì nhìn bóng cây mà suy ra chiều cao của cây…

Vì vậy mà Lương Thế Vinh học rất thoải mái, nhàn nhã nhưng hiệu quả. Đến gần kỳ thi, ông vẫn đi chơi đánh khăng, thả diều trong khi những người khác ngày đêm dùi mài kinh sử đến độ quên ăn, quên ngủ. Lương Thế Vinh còn là Trạng nguyên đa tài nhất. Sách nào ông cũng đọc, hiểu biết rộng, có tài năng trong nhiều lĩnh vực: âm nhạc, toán học, văn nghệ… Ông chính là người soạn cuốn Đại thành toán pháp nổi tiếng, chế tạo ra bàn tính gảy. Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt Lương Thế Vinh là tác giả của Thích giáo khoa Phật kinh thập giới nói về 10 điều răn dạy của đức Phật. Ông còn tham gia soạn lễ nhạc triều đình, sáng tác âm nhạc, soạn cuốn Hý phường phả lục nói về nghệ thuật chèo và đặc biệt nhất, Lương Thế Vinh được coi là người đặt nền móng cho loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc: múa rối nước.

Khi ông mất, triều đình thương tiếc khôn nguôi, vua Lê Thánh Tông đã ban sắc phong ông làm Thượng đẳng phúc thần, hàm Đại vương và lệnh cho dân địa phương lập miếu thờ phụng. Vua Lê Thánh Tông rất mực thương tiếc đã viết một bài thơ khóc Trạng:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khi thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Trạng nguyên Vũ Kiệt (Trạng nguyên duy nhất đi tu)

Vũ Kiệt – người xã Yên Việt, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 20 tuổi, Vũ Kiệt đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) đời Lê Thánh Tông.

Sau khi làm quan một thời gian, vì buồn chán nên ông treo ấn xin về quê rồi xuất gia tu hành tại chùa Kênh. Một cô gái xinh đẹp, giỏi giang biết được tâm sự của ông đã tìm cách tiếp cận khuyên nhủ qua những câu đối, lời thơ nên sau đó Vũ Kiệt hoàn tục, lấy cô gái đó làm vợ và tiếp tục dấn thân vào chốn quan trường, đem tài năng góp sức cho dân, cho nước.

Ông làm quan Hàn lâm thị thư, sau thăng đến chức Thị lang kiêm Đông các học sĩ. Ông được người đời khen là bậc hiền tài. Con cháu ông cũng nối tiếp nhiều đời khoa bảng.

Bài văn sách thi Đình của Trạng nguyên Vũ Kiệt: Các sĩ tử xưa đỗ cao, trúng cách trong kỳ thi Hương, thi Hội, rồi mới được vào thi Đình. Đây là kỳ thi đặc biệt để xếp hạng các Tiến sĩ theo giáp đệ, kỳ thi này tổ chức ngay trong sân điện nhà vua vì vậy gọi là thi Đình (Đình thí) hay thi Điện (Điện thí).

Khác với thi Hội và thi Hương (thí sinh phải qua bốn kỳ), thi Đình chỉ thi một bài văn sách nên gọi là Đình đối sách văn (văn sách thi Đình) và gọi tắt là Đối sách hay Đình đối. Bài văn sách thi Đình do vua trực tiếp phê duyệt, lấy đỗ và xếp hạng.

Để đạt cao trong kỳ thi Đình (cao nhất là Trạng nguyên), sĩ tử cần phải có vốn kiến thức và tài năng về Hán học, sử học, văn học (đó cũng là điều kiện để vượt qua hai kỳ thi Hương và thi Hội) và đòi hỏi phải có sự hiểu biết về tình hình đất nước, vận dụng trí thức của mình để lý giải, đề ra kế sách giải quyết những vấn đề của thực tế, đó là phần thời sự của bài văn sách thi Đình.

Vũ Kiệt đã vượt qua kỳ thi Đình đối với bài văn sách dài hơn chục nghìn chữ, vượt xa mức quy định tối thiểu (ba nghìn chữ) nhiều lần, tất nhiên trong phạm vi thời gian một ngày, lại bị cắt đoạn bằng nhiều nghi thức và bị khống chế ở những câu hỏi, bài Đình đối sách văn không thể phản ánh đầy đủ tư tưởng trí tuệ của người thi nhưng trong phạm vi một bài văn, Vũ Kiệt đã đạt tới đỉnh cao nhất của khoa cử, thể hiện tài năng “kinh bang tế thế” của ông.

Trạng nguyên Lê Ích Mộc (Trạng nguyên duy nhất xuất thân từ người tu hành)

Tượng Trạng nguyên Lê Ích Mộc. Ảnh: St

Lê Ích Mộc, người làng Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, thừa tuyên Hải Dương, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) đời Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, khi đó ông 44 tuổi.

Trước khi đỗ đạt, Lê Ích Mộc là đạo sĩ tu theo đạo lão, nhưng ông cũng rất thông hiểu kinh Phật, thường đến chùa Diên Phúc ở làng để học hỏi với sư trụ trì. Kỳ thi Đình năm đó toàn hỏi về Phật học, Lê Ích Mộc văn phong dồi dào, ý tứ sâu sắc; đề bài ra chín hàng chữ ông viết thành 25 trang. Vua Lê Hiến Tông duyệt bài của ông rất ngạc nhiên và khen ngợi: “Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với các bạn đồng khoa, trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng bậc khôi nguyên”. Ông làm quan đến chức Tả thị lang.

Lê Ích Mộc thuở nhỏ mồ côi cha, ở với mẹ. Nhà nghèo không có tiền đi học, thường lân la đến chùa Ráng học lỏm kinh sách của tăng ni. Không có giấy bút ông đã lấy cát để lên mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết chữ lên đó, ghi nhớ rồi xóa đi, rồi lại viết. Đó là cách học nhập tâm giúp người ta nhớ lâu, hiểu kỹ. Lê Ích Mộc đã có một thời gian theo học ở chùa Yên Lãng (nay là chùa Láng, Hà Nội). Ông cũng là người đứng ra tu sửa chùa Ráng đã đổ nát thành chùa Diên Phúc Thọ.

Ngày ngày ăn chay niệm Phật, Lê Ích Mộc vẫn dành thời gian cho đèn sách. Đêm đêm, khi dưới ánh sáng lập lòe của đom đóm, lúc dưới ánh sáng mờ nhạt của ánh trăng, lấy mâm cát làm sách học, Lê Ích Mộc chăm chỉ dùi mài kinh sử. Bởi thế, ông đã lừng danh trong vùng là người nhớ lâu, hiểu rộng. Lê Ích Mộc thường gần gũi dân làng, dạy cách làm ăn, khuyến khích siêng năng học tập, hướng dẫn từ công việc cày cấy, đồng áng đến cắm đăng, đan lưới đánh bắt tôm cá.

Sau mấy lần thi không đỗ, ông trở lại quê hương tiếp tục việc học hành. Bằng nghị lực, lòng kiên trì và trí thông minh, tại khoa thi năm 1502 đời vua Lê Hiến Tông, Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên. Khoa thi năm này nhiều thư tịch ca ngợi Trạng nguyên Lê Ích Mộc là người chăm học, có sức đọc “Thiên kinh, vạn quyển”. Bài thi của ông được đánh giá cao, khúc triết, mạch văn chặt chẽ, ý tứ sâu sắc, không hề sai sót.

Lê Ích Mộc bước vào con đường làm quan khi xã hội phong kiến Việt Nam thời Lê đã trở nên rối ren, bất công. Ông bèn treo ấn từ quan. Năm 1527, nhà Mạc hưng thịnh, mến mộ tài đức của ông, liền bổ ông giữ chức Tả thị lang. Nhờ có đóng góp nhất định của Lê Ích Mộc, đạo Phật thời Mạc đã phát triển trở lại. Sau một thời gian, Lê Ích Mộc xin từ quan.

Vốn là người có học vấn sâu rộng, đạo đức mẫu mực, khi về trí sĩ tại quê nhà, Lê Ích Mộc đã có nhiều công lao đóng góp cho quê hương như mở trường dạy học, xây dựng chùa chiền, làm đường, trồng rừng, dấu tích đến nay vẫn còn như cánh đồng ở Quảng Cư, rừng lim “Quan Trạng” ở Thanh Lãng.

Để ghi nhớ công lao của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ tưởng niệm, thể hiện truyền thống dân tộc tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Ngôi đền xưa được dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng, nơi ông cùng dân khai phá đất hoang lập nên đồn điền Quảng Cư.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp thực hiện tiêu thổ kháng chiến, ngôi đền cổ xưa không còn. Kiến trúc hiện nay mới được khôi phục nhưng dấu ấn thời đại thế kỷ XIX vẫn còn ghi lại ở một vài đồ án trang trí. Đền dựng theo hướng chính nam, có kiến trúc truyền thống kiểu chữ “đinh” gồm năm gian tiền đường, ba gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài.

Di vật có giá trị nhất còn lại là tượng Trạng nguyên. Tượng tạc bằng gỗ, ngồi trong ngai, hình dáng hài hòa mang tư thế của vị quan đương thời, có giá trị điêu khắc của thế kỷ XIX. Đền thờ Trạng nguyên Lê Ích Mộc đã được Nhà nước xếp hạng năm 1991.

Trạng nguyên Nguyễn Kỳ (Trạng nguyên duy nhất vinh quy về chùa)

Nguyễn Kỳ (1518-?) người xã Bình Dân, huyện Đông Yên, nay thuộc Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541) đời Mạc Phúc Hải (nhà Mạc).

Từ khi có lệ vinh quy, các tân khoa đều về nhà thờ lễ tạ tổ tiên, cha mẹ và thầy học. Còn Nguyễn Kỳ, từ năm 3 tuổi đã được gửi vào chùa làm con nuôi sư thầy, được sư trụ trì dạy chữ, học kinh sách nên khi vinh quy, ông yêu cầu dân làng đón mình tại chùa làng để ông tạ ơn Phật, sư trụ trì đã có ơn giáo dưỡng thành tài, sau đó ông mới về lễ tạ tổ tiên, cha mẹ. Biết chuyện đó, triều đình và dân chúng đều khen ngợi Nguyễn Kỳ là người tận trung, tận hiếu. Nguyễn Kỳ làm quan đến chức Hàn lâm viện thị thư.

Các vị Trạng nguyên Việt Nam tuy xuất thân từ những hoàn cảnh, thời đại khác nhau nhưng ở họ đều có điểm chung vượt lên trên nghèo khó là sự ham học hỏi. Họ là những người hiền tài, muốn đem hết tài năng và đức hạnh của mình để phục vụ cho Tổ quốc, đã để lại những tấm gương sáng cho các thế hệ sau tiếp nối và phát triển.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/4-trang-nguyen-viet-nam-gan-bo-voi-nha-phat-va-chon-thien-mon.html