4 phụ nữ mang thai ở TP Hồ Chí Minh nhiễm vi rút Zika

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 21 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại 11/24 quận, huyện, trong đó có 4 trường hợp phụ nữ mang thai. Trước tình hình trên, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục lấy mẫu máu từ những người nghi ngờ mắc bệnh để xét nghiệm nhằm chủ động giám sát dịch bệnh

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 21 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại 11/24 quận, huyện, trong đó có 4 trường hợp phụ nữ mang thai. Riêng trong ngày 3/11, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 1 ca mắc Zika và 9 trường hợp khác nghi nhiễm, đang chờ kết quả xét nghiệm.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, trong 5 tuần gần đây, những trường hợp nhiễm virus Zika liên tục được phát hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, dự báo số người nhiễm vi rút này trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch triệt để và hiệu quả.

Trước tình hình trên, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh CM tiếp tục lấy mẫu máu từ những người nghi ngờ mắc bệnh để xét nghiệm nhằm chủ động giám sát dịch bệnh; ban hành quy trình theo dõi, chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm Zika tại các bệnh viện sản khoa và trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản trên toàn địa bàn.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại 24 quận huyện. Đến nay, mặc dù chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh nhưng Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cảnh báo người dân, đặc biệt là thai phụ cần tránh muỗi đốt, đồng thời cần tích cực tham gia diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng tránh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika

Liên quan đến dịch bệnh này, theo nhận định của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số đông, nhưng vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao, nên dễ xảy ra dịch. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nên dịch bệnh do vi rút Zika càng đáng lo ngại hơn, vì tác nhân truyền bệnh của hai bệnh này đều là muỗi vằn.

Người dân cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika

Tại Hà Nội, trước diễn biến gia tăng của dịch bệnh do vi rút Zika, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh. Hoạt động này được thực hiện tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) và xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) nhằm bắt được nhiều muỗi nhất để các chuyên gia xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika.

Theo các chuyên gia, loại muỗi truyền vi rút Zika chính là muỗi lây bệnh sốt xuất huyết. Đặc điểm loại muỗi này là có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên được gọi là muỗi vằn. Khi muỗi đã nhiễm vi rút, nó có thể truyền bệnh. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà, khu xây dựng như: Ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp, hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây…

Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, bọ gậy đã được Bộ Y tế khuyến cáo để chủ động phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã giám sát, phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc vi rút Zika, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Theo Sở Y tế, trung bình 1 ngày có khoảng 50-60 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 7.000-8.000 hành khách nhập cảnh vào Hà Nội qua sân bay quốc tế Nội Bài. Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, sân bay Nội Bài đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Zika.

Hiện tại, vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam, trước thực trạng trường hợp trẻ có biểu hiệu đầu nhỏ nghi liên quan đến vi rút Zika đã xuất hiện, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.

- Phụ nữ có thai không nên quá lo lắng, thực hiện khám thai thường xuyên, định kỳ đồng thời chỉ tiến hành xét nghiệm để phát hiện nhiễm vi rút Zika khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế.

- Toàn dân tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết lần 2 theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chủ động kiểm tra các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải không để cho muỗi truyền bệnh vào đẻ trứng, sinh sản và phát triển; chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/4-phu-nu-mang-thai-o-tp-ho-chi-minh-nhiem-vi-rut-zika-n124516.html