4 bệnh hô hấp ở trẻ thường gặp vào mùa lạnh và cách phòng ngừa

Thời tiết giao mùa, không khí lạnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp. Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ?

Các bệnh hô hấp có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên tần suất xuất hiện nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa và mùa đông. Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần trang bị những kiến thức chăm sóc trẻ khoa học, tuân thủ điều trị để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh lý hô hấp, trong đó chủ yếu là viêm phổi. Trung bình mỗi trẻ sẽ mắc các bệnh lý hô hấp từ 4 – 6 lần/năm.

Dưới đây là một số bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ trong mùa đông

Trẻ dễ mắc cúm

Bệnh cúm do virus gây ra nên vào mùa lạnh trẻ em rất dễ mắc. Khi mắc cúm trẻ thường sốt từ 5 - 7 ngày, đau cơ, mệt mỏi, ho và sổ mũi. Cúm có thể nguy hiểm, thậm chí tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Để phòng và giảm nguy cơ mắc cúm thì cần cho trẻ tiêm phòng vaccine cúm. Trẻ có thể được tiêm vaccine phòng cúm từ 6 tháng tuổi. Vaccine cúm cần phải được tiêm hàng năm, bởi vì các chủng virus được sử dụng trong vaccine cúm có thể thay đổi cho phù hợp theo mùa. Vaccine cúm cần ít nhất 2 tuần để có hiệu lực kể từ lúc tiêm.

Hiện chưa có thuốc để điều trị khỏi bệnh cúm hoàn toàn. Nên khi mắc cúm trẻ cũng nên nghỉ ngơi hợp lý và uống đủ nước để giúp cơ thể mau hồi phục hơn.

Viêm đường hô hấp là bệnh dễ gặp ở trẻ nhất là khi thời tiết lạnh. Ảnh minh họa.

Hen phế quản

Hen phế quản chính là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em, vào mùa lạnh rất dễ mắc và khiến trẻ tái phát căn bệnh này. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ công bố có hơn 6,2 triệu (khoảng 8%) trẻ em ở Mỹ bị hen phế quản. Thống kê cho thấy tại Hà Nội có 8,1% trẻ em nội thành và 6,7% trẻ em ngoại thành mắc bệnh hen phế quản. Tại TP. HCM con số này còn cao hơn rất nhiều, cụ thể có đến 29,1% trẻ dưới 18 tuổi bị hen phế quản.

Bệnh nhân sẽ bị ho, thở khò khè, nặng ngực, khó thở, mà thường gọi là lên cơn hen. Các yếu tố kích thích khiến trẻ có thể bị lên cơn hen là: Nhiễm trùng đường hô hấp, thay đổi thời tiết, gắng sức, xúc cảm mạnh, chất có mùi nồng, khói bụi (hàng đầu là khói thuốc lá), thú có lông (chó, mèo), mạt bụi nhà, nấm mốc, thức ăn…

Tuy hen là một bệnh không thể trị dứt được, nhưng có thể kiểm soát tốt. Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn, trẻ có thể sinh hoạt – học tập – vui chơi, phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần.

Để phòng ngừa hen cần tránh xa những nguyên nhân khởi phát cơn hen như: Không để vật nuôi chó, mèo… trong nhà, diệt gián, loại trừ mạt bụi nhà; Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ; Không để những chất nặng mùi trong nhà; Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng; Tránh nhang khói; Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không trải thảm; Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn màn bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng; Tránh cho trẻ chơi thú nhồi bông.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ, bất kể lứa tuổi nào và thời tiết nào. đặc biệt là trẻ ở thành thị, cũng như ở các nơi tập trung dân cư đông đúc thì tỉ lệ bệnh còn cao hơn. Bệnh rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, thời tiết lạnh là một yếu tố nguy cơ khiến bệnh gia tăng. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà... rất dễ bị viêm phế quản. Những trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng... cũng dễ mắc và thường diễn tiến nặng đến viêm phổi. Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.

Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. Influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.

Viêm phế quản thường do virus và có thể khởi đầu sau khi mắc cảm lạnh hay cúm. Triệu chứng điển hình của viêm phế quản là ho, có thể kéo dài 3 - 4 tuần.

Ngoài ra, viêm phế quản có thể có các triệu chứng sau: Sổ mũi; Đau ngực; Sốt và run lạnh; Mệt mỏi; Khò khè; Đau họng… Trẻ bị hen phế quản, dị ứng hoặc có tiền sử viêm xoang mãn tính sẽ có nguy cơ cao bị viêm phế quản.

Đôi khi hen phế quản có thể nhầm với viêm phế quản và ngược lại, vì vậy nếu nghi ngờ hãy đến gặp các bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.

Hen phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em. Ảnh minh họa.

Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi, bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi thời tiết lạnh, thời tiết chuyển mùa.

Ở trẻ em, viêm phổi có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường thấy ở nhóm trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có đến 15 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong, trong đó nguyên nhân hàng đầu là viêm phổi – 35%, kế đến là tiêu chảy 22%. Ở nước ta, theo Bộ Y Tế, tử vong trẻ em hàng đầu cũng là viêm phổi, chiếm 33% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân.

Triệu chứng của viêm phổi bao gồm:

- Thở nhanh.

- Sốt cao, run lạnh.

- Ho.

- Mệt mỏi.

- Đau ngực, đặc biệt khi hít thở.

Để phòng viêm phổi ở trẻ, cha mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và kéo dài đến ít nhất 24 tháng tuổi.

Khi chăm sóc trẻ cần phải rửa tay thường xuyên bằng nguồn nước sạch và luôn giữ gìn vệ sinh môi trường. Không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, không cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh lý đường hô hấp để ngăn chặn nguy cơ bị viêm phổi từ người sang người. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, phòng ở luôn sạch sẽ, thoáng đãng, kín gió mỗi khi thời tiết trở lạnh.

Nên tiêm phòng vaccine theo đúng lịch, việc này sẽ giúp bảo vệ chống lại một số bệnh hô hấp gây ra do Hib (H. Influenza), phế cầu …

Lời khuyên thầy thuốc

Viêm đường hô hấp là bệnh dễ gặp ở trẻ, nhất là khi thời tiết lạnh. Cha mẹ cần thực hiện tuân thủ các biện pháp đơn giản sau đây sẽ có thể giảm bớt sự lây nhiễm các bệnh hô hấp thông thường. Trong đó cần chú ý che chắn khi ho hay hắt xì với khuỷu tay hoặc khăn giấy. Rửa tay thường xuyên. Bệnh hô hấp thường lây truyền qua nước bọt hay dịch tiết mũi, có thể lây trực tiếp như bắt tay hay gián tiếp qua các bề mặt nhiễm bẩn như mặt bàn, tay nắm cửa hoặc ho ở vùng lân cận.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, hãy giữ trẻ ở nhà, không đến lớp cho đến khi bình phục.

Cần tiêm vaccine phòng cúm. Đây là 1 trong những phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm, điều này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ viêm phổi hay nhập viện.

BS Nguyễn Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-benh-ho-hap-o-tre-thuong-gap-vao-mua-lanh-va-cach-phong-ngua-16923120718472546.htm