36 năm sự kiện Gạc Ma - Bài 2: Ký ức không phai

Đã 36 năm trôi qua nhưng những ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những người con quả cảm, lấy thân mình hy sinh cho mảnh đất thiêng của Tổ quốc giữa trùng khơi vẫn còn nguyên vẹn. Tinh thần chiến đấu của 64 liệt sĩ Gạc Ma là một nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm.

Phút cuối đời mẹ vẫn gọi tên anh

Đã thành lệ, những ngày này, ông Nguyễn Văn Tấn (Trưởng Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP. Đà Nẵng) lại tất bật chuẩn bị cho lễ tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại đình làng Nại Nam (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Trên bia vàng đình làng này, khắc tên 7 liệt sĩ của phường hy sinh ở Gạc Ma - Trường Sa ngày 14/3/1988. Dù bận rộn với cuộc mưu sinh nhưng ông Tấn và anh em cựu binh Trường Sa vẫn luôn gọi nhau tề tựu làm lễ tưởng niệm sao cho chu đáo, tươm tất nhất để anh linh các liệt sĩ, thân nhân các gia đình luôn được ấm lòng.

Anh em Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa quây quần bên mẹ Nguyễn Thị Trước vào năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thành

Trong câu chuyện hơn 12 năm thành lập Ban liên lạc, ông Tấn chia sẻ, ngoài việc tổ chức lễ tưởng niệm, anh em luôn tâm niệm làm sao để thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma luôn được ấm tình, để anh linh đồng đội nơi suối vàng được yên lòng. Trong chiếc điện thoại của ông Tấn là hàng trăm bức ảnh, những khoảnh khắc xúc động. Đó là cảnh anh em quây quần bên “Dũng Gạc Ma” những ngày tháng cuối đời, là cảnh tề tựu bên mẹ Lê Thị Lan (mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc), mẹ Nguyễn Thị Trước (mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi), mẹ Trương Thị Ngò (mẹ liệt sĩ Nguyễn Bá Cường),…

Ông Tấn cho biết, mới năm ngoái, dịp này ông và anh em Ban liên lạc ghé thăm mẹ Nguyễn Thị Trước (92 tuổi, phường Khuê Trung, Cẩm Lệ), mẹ hãy còn khỏe mạnh. Thế nhưng năm nay lễ kỷ niệm đã mãi vắng bóng mẹ để lại khoảng trống trong lòng anh em và đồng đội. “Mỗi khi nhận tin báo thân nhân các gia đình mất, anh em quặn đau lòng dù biết rằng các mẹ tuổi cao sức yếu, sinh tử là lẽ thường nhưng vẫn thấy nhói trong tim khi nghĩ về đồng đội thân xác còn nằm dưới biển lạnh”, ông Tấn nghẹn ngào.

Thầy Nguyễn Hữu Phú - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân trao quyết định học bổng toàn phần cho em Mỹ Linh. ảnh: Thanh Trần

Mẹ Trước đi xa, căn nhà nhỏ trên đường Lưu Nhân Chú vắng hình bóng người mẹ mắt lệ nhòe, thương nhớ về con mỗi khi anh em, đồng đội ghé thăm. Anh Phạm Văn Lợi con trai mẹ sinh năm 1968 nhập ngũ và hy sinh khi tuổi vừa tròn 20. Con cháu mẹ Trước kể rằng: Đến những ngày tháng cuối đời mẹ vẫn nhắc tên anh, vẫn thổn thức nỗi nhớ, niềm thương, nỗi đau khi thân xác con vẫn chưa về với đất mẹ.

Gác lửng căn nhà, hai tấm bằng Huân chương chiến công hạng Ba (12/1988) và Tổ quốc ghi công (12/1990) được Hội đồng Nhà nước truy tặng ghi nhận sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Phạm Văn Lợi để ở vị trí trang trọng trên chiếc tủ thờ bằng gỗ. Ít ai biết, chiếc tủ thờ bằng gỗ đó là món quà mà Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa kết nối với Ban quản lý đền Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM) dành tặng cho gia đình liệt sĩ Phạm Văn Lợi để gia đình có chỗ thờ phụng tươm tất hơn đúng 2 năm trước.

Bây giờ vào tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa), nhìn vào di ảnh của 64 chiến sĩ hy sinh, ai cũng nhận thấy một điều là hình ảnh các liệt sĩ rất nét và sinh động. Đó là chương trình phục hồi ảnh gốc mà Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng đã làm. Anh em Ban liên lạc đã tự bỏ tiền và vận động thêm rồi tới từng nhà của 10 liệt sĩ xin ảnh gốc để phục chế, làm lại cho đẹp hơn, trang trọng hơn.

Nhọc nhằn gánh mưu sinh vợ “Dũng Gạc Ma”

Tháng 3/2017, cựu binh Dương Văn Dũng (được anh em trìu mến gọi là Dũng Gạc Ma) là người cuối cùng trong số các cựu binh Gạc Ma còn sống ở Đà Nẵng qua đời vì bạo bệnh. Trong trận chiến “Vòng tròn bất tử”, anh Dũng bị phía Trung Quốc giam giữ ở Quảng Châu (Trung Quốc) 4 năm liền.

Chị Trần Thị Lợi buôn bán ở chợ để mưu sinh, nuôi con ăn học. Ảnh: Nguyễn Thành

Câu chuyện anh Dũng bị phát hiện ung thư não giai đoạn cuối và nguyện vọng duy nhất của anh là được sống một lần trong vòng tay đồng đội đã được anh em Ban liên lạc bộ đội Trường Sa biến thành hiện thực. Và rồi nhờ sự chung tay của đồng đội và các tổ chức, đơn vị, chiều 19/11/2016, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã diễn ra một cuộc gặp tràn nụ cười và nước mắt khi “Dũng Gạc Ma” khoác lên mình bộ đồ hải quân trong vòng tay của anh em đồng đội. Để rồi vài tháng sau anh ra đi thanh thản.

Thấm thoát, 8 năm kể từ ngày anh Dũng ra đi, chị Trần Thị Lợi vợ anh vẫn bùi ngùi cảm xúc khi nghĩ về ân tình đồng đội, bạn bè và nhiều người đã dành cho chồng. Chị Lợi cho biết, dịp 14/3 hằng năm hay ngày giỗ chồng anh em đồng đội vẫn đến thăm, viếng chồng khiến gia đình rất cảm kích.

Trụ cột gia đình đi xa, 8 năm qua, chị Lợi chật vật mưu sinh để nuôi con ăn học. Gặp lại chị khi đang ngồi bán hoa quả ở chợ đầu mối Hòa Cường. Gian hàng chỉ ít trái cây được bày dưới đất ở lối vào chợ. Buôn bán ế ẩm, chị nhọc nhằn mưu sinh từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà.

Phút vắng khách, chị Lợi kể: Từ ngày anh Dũng đi xa, chị ra chợ buôn bán để có thêm thu nhập nuôi con ăn học. Người con trai duy nhất của anh chị qua đời vì tai nạn giao thông. Mình chị nuôi 2 con gái ăn học. Cháu Dương Thị Bích Nga (sinh năm 1995) ra trường đi dạy mầm non một thời gian rồi lập gia đình. Đi dạy trường công nhưng không vào được biên chế Nga phải nghỉ rồi xin dạy trường tư nhân. Nhưng vì lương thấp, từ sau Tết đến nay Nga đã nghỉ nay chưa tìm được việc làm.

Còn Dương Thị Mỹ Linh sinh năm 2003 con gái út của vợ chồng anh chị nay đang là sinh viên tại một trường đại học ở Đà Nẵng. Để có tiền trang trải nộp học phí cho con, những khi rảnh hay vắng khách, ai gọi chị làm thêm bưng bê hàng hóa chợ đầu mối chị đều làm. Thương mẹ, Mỹ Linh vừa học vừa làm thêm để đỡ đần. Gồng gánh được 2 năm để con gái út ăn học với hi vọng tương lai sẽ đỡ khổ, phía trước còn 2 năm nữa chị Lợi đang lo liệu rồi có kham nổi. Tin vui, khi thực hiện bài viết này PV Tiền Phong liên hệ với trường ĐH Duy Tân về trường hợp con gái anh Dũng Gạc Ma. Rất nhanh thầy Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng trường quyết định trao học bổng toàn phần cho sinh viên Dương Thị Mỹ Linh trong những năm học còn lại với kinh phí 120 triệu đồng.

Cùng thời điểm, lễ tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma do Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng tổ chức tại đình làng Nại Nam, tại cửa vịnh Đà Nẵng các cựu chiến binh, nguyên cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh, Quân chủng Hải quân Việt Nam (nay là Lữ đoàn 83 Công binh-E83) cũng sẽ tổ chức tưởng niệm 64 liệt sĩ và thả hoa tưởng nhớ.

(Còn nữa)

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/36-nam-su-kien-gac-ma-bai-2-ky-uc-khong-phai-post1619960.tpo