35 năm sự kiện Gạc Ma: Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng

Tròn 35 năm trước, vào ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa muôn trùng sóng biển trong trận chiến bảo vệ chủ quyền đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

35 năm rồi mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua, “những chàng trai mười tám đôi mươi/ngực căng gió ôm chặt cờ đỏ/chân cắm đá như cọc gỗ Bạch Đằng/chở che cho biển đảo quê hương/trước bom đạn quân thù xối xả/máu các anh thắm đỏ màu cờ”.

Còn đây câu nói của Anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Đó là khí phách, là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bà Nguyễn Thị Hường (chị ruột của liệt sĩ Nguyễn Tất Nam) bùi ngùi bên kỷ vật của các liệt sĩ. Ảnh: Xuân Ngọc

Khí phách, tư thế ấy đã có từ mấy trăm năm trước, khi các thế hệ cha ông đổ bao xương máu để xác lập và gìn giữ chủ quyền các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở Quảng Ngãi còn lưu truyền đến hôm nay những câu ca trong dân gian: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Các đội (hải đội) Hoàng Sa được lập từ đời các vua chúa triều Nguyễn, nhằm mục đích khai thác, bảo vệ Hoàng Sa. "Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi" đó là minh chứng cụ thể nhất về chủ quyền biển đảo, về sự quả cảm và kỳ tích mà ông cha đã làm nên cho đất nước vẹn toàn, để con cháu ngày nay có được cơ nghiệp giang sơn rộng dài, bền vững.

Những anh hùng Gạc Ma năm ấy ra đi khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi. Họ đã gác lại bao ước mơ hoài bão để dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Lịch sử và Nhân dân mãi khắc ghi tên tuổi các anh, những người đã viết tiếp bản hùng ca giữ nước của ông cha.

Tháng 7/2017, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), một công trình tưởng niệm ghi công và tri ân 64 chiến sỹ Gạc Ma với tên gọi “Những người nằm lại phía chân trời”, được khánh thành.

Ngày công trình khai trương, những người cựu binh Gạc Ma đến đây tưởng nhớ đồng đội đã tự nhủ "Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng". Đó cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước cha anh quyết giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha đã không tiếc máu xương để bảo vệ.

Mỗi lần tháng Ba đến, lòng tôi lại đầy tâm trạng khi nhớ về sự kiện bi hùng này của lịch sử giữ nước thời hiện đại. Tôi và chắc chắn rất nhiều người khác mãi đến dịp kỷ niệm 25 năm trận chiến Gạc Ma (năm 2013) mới được biết đến một cách tường tận sự kiện bi hùng này qua các phương tiện truyền thông.

Trong suốt thời gian dài trước đó, thông tin về sự kiện 14/3/1988 hầu như bị quên lãng. Có lẽ, đó cũng là lý do tại sao những người cựu binh Gạc Ma muốn nhắn nhủ mọi người: "Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng".

Ngày xưa, thời nhà Trần, cha ông ta đã dạy con cháu mình truyền thống yêu nước thông qua những câu chuyện kể về lịch sử, truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong” (Bạch đầu quân sĩ tại, vãng vãng thuyết Nguyên Phong – thơ của Vua Trần Nhân Tông).

Nhờ thế mà mạch ngầm trong dòng chảy truyền thống ngàn đời của dân tộc không bao giờ dứt để đời nào cũng “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi).

Ngày nay chúng ta có nhiều lợi thế để truyền lửa cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước và truyền thống bất khuất của dân tộc. Lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền đất nước chỉ có được khi các thế hệ con cháu chúng ta tiếp cận một cách đầy đủ sự kiện lịch sử, địa chính trị thông qua các phương tiện truyền thông và chương trình giáo dục, trải nghiệm thực tế.

Đó là tranh ảnh, hiện vật, biểu tượng trong các bảo tàng, khu tưởng niệm, tượng đài lịch sử; là các nhân chứng sống “người lính già đầu bạc” của một thời máu lửa, đã từng sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do và sự vẹn toàn của đất nước; là báo chí và sách giáo khoa ghi nhận, phản ánh một cách đầy đủ, trung thực, khách quan các sự kiện lịch sử…

Thế hệ trẻ cần biết và hiểu rõ sự thật về sự kiện Hoàng Sa, trận chiến Gạc Ma, chiến tranh bảo vệ biên giới 1979…, để tự hào và tiếp nối truyền thống của ông cha; để luôn ý thức được trách nhiệm cao cả của mình trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước.

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/35-nam-su-kien-gac-ma-chu-quyen-lanh-tho-la-thieng-lieng-2120291.html