325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Trọn vẹn niềm vui

Đó là tâm trạng chung của hầu hết người dân khi tham gia Tuần lễ Văn hóa chào mừng 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và được tổ chức trong không gian mở, tuần lễ văn hóa đã đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Anh Đỗ Hoàng Phúc (P.Thống Nhất) tranh thủ ngày nghỉ phép để đi tham quan và trải nghiệm làm gốm trong Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: H.Yến

Các hoạt động trong tuần lễ cũng giúp nhân dân hiểu lịch sử và thêm yêu vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Hào hứng trải nghiệm làm gốm

Từ trước khi đêm khai mạc Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai chính thức diễn ra, gian trưng bày và trải nghiệm sản xuất gốm của Công ty Gốm Trường Thạnh đã tấp nập khách đến tham quan. Đặc biệt, khu vực trải nghiệm vẽ trang trí gốm hầu như không lúc nào vắng khách, đa số người tham gia trải nghiệm vẽ gốm là trẻ em nhưng cũng có cả thanh niên, người già. Gốm được dùng để trang trí là những sản phẩm gốm đã sơ nung, sau khi vẽ trang trí, khách để lại cho công ty nung theo quy trình rồi quay lại nhận sản phẩm hoặc có thể đem sản phẩm về ngay.

Ông Lê Hữu Mai, Giám đốc Công ty Gốm Trường Thạnh cho biết: “Nhiều người chia sẻ rằng họ không thể tưởng tượng là gốm Biên Hòa đẹp như vậy. Sự đón nhận của người dân với gốm Biên Hòa trong Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai chính là động lực để chúng tôi thực hiện kế hoạch ấp ủ lâu nay”.

Là một người trẻ thích tìm hiểu về văn hóa truyền thống, anh Đỗ Hoàng Phúc (P.Thống Nhất) đã có nhiều lần được tham gia workshop về gốm để được tự tay tạo hình và trang trí gốm. Tuy nhiên, anh Phúc cho biết đây là lần đầu tiên anh được tham gia một sự kiện triển lãm và workshop gốm quy mô lớn. Đối với anh Phúc, đây là một hoạt động thú vị và hấp dẫn của Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai.

Từ những trải nghiệm cá nhân, anh Phúc cho rằng hiện nay rất nhiều bạn trẻ không biết về nghề gốm truyền thống của Biên Hòa. Vì vậy, để nét đẹp văn hóa truyền thống này đến được với giới trẻ thì cần có sự chung tay của các doanh nghiệp gốm, bằng cách áp dụng mô hình giải trí kết hợp với quảng bá về gốm để giới trẻ có cơ hội tham gia và tìm hiểu.

Mong muốn duy trì sân chơi cho cộng đồng

Tiếp cận thông tin về các hoạt động chào mừng 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai trên báo chí và mạng xã hội, chị Đỗ Thị Phương Dung (P.Bình Đa) rất nôn nao và mong ngóng được tham gia sự kiện của thành phố. Chị Dung đã lưu lại lịch hoạt động của tuần lễ văn hóa và sắp xếp các cuộc hẹn với bạn bè để tham dự những sự kiện này.

Ngày khai mạc Con đường ánh sáng, chị Dung cùng các bạn mặc những bộ quần áo đẹp để chụp hình check-in. Chị Dung chia sẻ: “Vì đã đọc trước thông tin nên khi đến thực tế Con đường ánh sáng, tôi không ngạc nhiên lắm nhưng vẫn có chút choáng ngợp vì lần đầu tiên thành phố của mình có một sân chơi như vậy cho người dân. Những năm trước, vào dịp Noel chúng tôi chỉ có một thú vui là chạy xe vòng vòng phố xá để ngắm đèn còn năm nay thì có thêm nhiều điểm đến mới”.

Trong tâm trạng phấn khởi và hào hứng tham gia Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, bà TRẦN THỊ BÍCH NGỌC (P.Long Bình) bày tỏ hy vọng và tin tưởng TP.Biên Hòa sẽ phát triển nhanh và sánh vai được với các thành phố lớn trên cả nước.

Tranh thủ buổi trưa được nghỉ học, Đỗ Thị Xuân Mai, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong cùng các bạn đến công viên Biên Hùng để chụp hình check-in và tìm kiếm những cuốn sách hay. Những cô cậu học trò này quyết định mặc trang phục áo dài truyền thống để lưu lại những khoảnh khắc đẹp cùng nhau.

Xuân Mai cho hay, em biết đến các hoạt động của Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai từ bạn bè và thông tin trên fanpage của trường. Không chỉ để chụp hình “sống ảo”, mong muốn của Mai và các bạn là có thể tìm được các đầu sách hay, có ích cho định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Hầu hết người dân khi được hỏi đều cho biết rất hài lòng và phấn khởi khi TP.Biên Hòa có không gian mở và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí để người dân tham gia. Đồng thời, người dân cũng mong muốn thành phố sẽ duy trì được những hoạt động này một cách thường xuyên, hiệu quả.

“Hiện nay, thành phố đã có nhiều hoạt động phục vụ đời sống tinh thần của người dân so với trước đây. Nhưng tôi mong là thành phố có những hoạt động mang tính điểm nhấn, khác biệt, tạo nét riêng cho Biên Hòa. Những hoạt động âm nhạc, nghệ thuật quy mô cũng sẽ tạo sức thu hút cho Biên Hòa” - anh Đỗ Minh Phúc cho hay.

Là phụ huynh có con nhỏ, chị Hoàng Thị Yến Quỳnh (P.Trung Dũng) bày tỏ tâm trạng phấn khởi khi công viên Biên Hùng có khu sân chơi dành cho trẻ em. Chị Quỳnh cho biết, từ trước đến nay nếu muốn cho bé chơi trò chơi thì phải đến các trung tâm thương mại hoặc khu vui chơi trẻ em và phải mua vé. Với sân chơi ở công viên, trẻ có thể vui chơi thoải mái. Chị Quỳnh cũng mong muốn thành phố sẽ tổ chức được nhiều hoạt động hơn nữa để thu hút người dân tham gia.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/325-nam-bien-hoa-dong-nai-tuan-le-van-hoa-325-nam-bien-hoa-dong-nai-tron-ven-niem-vui-e63011a/