32 người đầu tiên ứng tuyển đề án tiền tỉ của ĐH Quốc gia TP.HCM

Ở đợt 1 năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM cần tuyển dụng 65 chỉ tiêu theo đề án thu hút nhà khoa học giỏi VNU350 nhưng số hồ sơ đăng ký ứng tuyển chỉ mới 32.

Thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM, sau một tháng đăng tuyển, ĐH Quốc gia TP.HCM đã nhận được 32 hồ sơ hợp lệ tham gia ứng tuyển theo đề án thu hút các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học hàng đầu (chương trình VNU350).

Trong số này, nhiều nhất là Trường ĐH Bách Khoa với sáu hồ sơ. Tiếp theo là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, mỗi đơn vị có năm hồ sơ. Khoa Y nhận được bốn hồ sơ và Trường ĐH An Giang ba hồ sơ.

Theo quy trình, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thành lập Hội đồng tuyển dụng và thông báo kết quả trước ngày 30-4.

So với chỉ tiêu tuyển dụng đề ra của ĐH Quốc gia TP.HCM trong đợt 1 năm 2024 với 65 người, số hồ sơ ứng tuyển chỉ chiếm một nửa. Và đây là những ứng viên đầu tiên tham gia ứng tuyển theo đề án thu hút các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học hàng đầu (chương trình VNU350).

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: IU

Được biết, theo đề án của ĐH Quốc gia TP.HCM, giai đoạn từ 2023-2030 sẽ thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về làm việc tại đây. Riêng giai đoạn từ năm 2023-2025 thu hút 100 nhà khoa học.

Để tham gia ứng tuyển, các ứng viên cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như: Có trình độ tiến sĩ; có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; có khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước và của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Nếu đáp ứng được những tiêu chí tuyển dụng của ĐH Quốc gia TP.HCM, các ứng viên sẽ được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn.

Như đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian hai năm đầu: Được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng).

Năm thứ ba: Được cấp một đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng).

Năm thứ tư: Được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng.

Năm thứ năm: Được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cấp Nhà nước.

Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian hai năm đầu: Được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Cạnh đó, nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…).

Theo thông tin từ Đại học Quốc gia TP.HCM, trong năm 2024-2025, ĐH này sẽ giải ngân khoảng 100 triệu USD từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe và Hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, phục vụ đào tạo, nghiên cứu.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/32-nguoi-dau-tien-ung-tuyen-de-an-tien-ti-cua-dh-quoc-gia-tphcm-post785266.html