30 năm xa Hà Nội: Gửi tình yêu và nỗi nhớ qua những bức tranh

Hơn 30 năm xa Hà Nội, xa mảnh đất gắn liền với bao kỷ niệm nhưng trong ký ức của họa sĩ Đỗ Minh Duy, Hà Nội vẫn chiếm một vị trí thiêng liêng.

Hẹn gặp họa sĩ Đỗ Minh Duy khi chỉ còn 2 ngày nữa ông sẽ theo gia đình trở về Canada sinh sống, ông đã dành thời gian chia sẻ cho PV Người đưa tin những câu chuyện thú vị về cái duyên gắn bó với hội họa của mình.

Họa sĩ 78 tuổi Đỗ Minh Duy chia sẻ với PV về những kỷ niệm về Hà Nội.

Dù đã xa Hà Nội đã lâu, nhưng trong các bức vẽ về Hà Nội của ông vẫn mang đậm các dáng dấp, hình hài của một Hà Nội xưa, rất chân thực giản dị. Ông có thể chia sẻ, từ đâu mà các bức vẽ của Đỗ Minh Duy về Hà Nội lại độc đáo như vậy?

Hồi ở Việt Nam tôi đang có vị trí nhất định trong giới mỹ thuật. Tôi có cộng tác với một vài tờ báo trong nước. Tranh của tôi xuất hiện trên bìa báo tết của một số tờ báo lớn những năm 1960 như Văn Nghệ, Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong, và phụ trách một trang chuyên về tranh châm biếm trên Báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết). Nhờ những đóng góp của mình, tôi được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam từ rất sớm (năm 1968) và được cử làm Tổ phó Tổ tranh đả kích của Hội. Nhưng do một số vấn đề, gia đình tôi đã chuyển qua Canada sinh sống và làm việc.

Tới giờ tôi vẫn còn nhớ như in giây phút rời xa Hà Nội để qua một đất nước ở bên kia bán cầu. Tuổi thơ, thời thanh niên sinh sống ở Hà Nội, nay qua một quốc gia mới, bất đồng ngôn ngữ, thấy cô quạnh lắm. Những người dân bên đó dù thân thiện nhưng không tình cảm, sâu sắc láng giềng như quê mình đâu. Những buổi chiều đi làm về, lạnh, nhìn tuyết rơi, thấy những gia đình quây quần bên nhau… lòng tôi lại đau đáu nhớ về Hà Nội, nhớ trong ký ức, nhớ trong hoài niệm, nghĩ rằng sẽ không bao giờ được quay trở lại mảnh đất đó.

Từ nỗi nhớ đó, ông gửi gắm qua những bức tranh để nói hộ lòng mình?

Năm 1980 qua Canada sinh sống, tôi nhớ bạn bè, nhớ những giờ phút cùng họ làm việc… chỉ biết gửi gắm nỗi nhớ, tình yêu qua những bức vẽ. Ký ức Hà Nội trong tôi là góc nhà rêu phong, những con phố đậm chất Hà Nội.

Nhưng có một sự lạ là vài năm trở lại đây, trong các giấc mơ của tôi thường bắt gặp hình ảnh phố cổ Hà Nội. Đó là Gõ Gạch, Hàng Bạc, Ô Quan Chưởng, là Hàng Lược, Hàng Da, chợ Đồng Xuân… những con phố cứ bất chợt hiện lên trong giấc ngủ, nhưng rõ mồn một. Và khi tỉnh dậy, tôi lại thấy bao kỷ niệm ùa về và vẽ nên những bức tranh đó.

Bức tranh Ô Quan Chưởng của họa sĩ được trưng bày trong triển lãm.

Trong các đề tài vẽ về Hà Nội, đề tài nào khiến ông luôn tâm đắc và khắc khoải nhất?

Đó chính là phụ nữ, là con gái Hà Nội. Chắc bây giờ họ đã già lắm rồi, những người phụ nữ trong tranh của tôi là các cô, các mẹ, những người tôi thường gặp hàng ngày. Nhờ hội họa, tôi cách điệu và chuyển tải tình yêu của mình vẽ nên con gái Hà Nội. Tôi rất thích được ngắm những cô gái Hà Nội thướt tha trong tà áo dài tinh khôi, hay những người mẹ mặc áo nâu, vấn khăn mỏ quạ…

Và bây giờ, khi nghe đâu đó có ai xem tranh của Đỗ Minh Duy họ đều khen, đều thấy xúc động và cảm ơn tôi đã cho họ một chuyến tàu nhớ lại Hà Nội xưa.

Tới giờ ông đã vẽ được bao nhiêu bức hình về Hà Nội, triển lãm tranh vừa qua có gì thú vị?

Tới giờ tôi đã có hơn 100 bức tranh về các vùng miền của Việt Nam, nhưng 35 bức tranh trong triển lãm vừa rồi thực sự là những đứa con tinh thần vô giá của tôi về Hà Nội.

Về, tên triển lãm vừa qua của tôi ở Hàng Bài, 35 bức tranh được về với quê hương, không còn lưu lạc xứ người, được về với chính nơi khởi nguồn sáng tạo ra nó. Các bức tranh được thể hiện bằng sơn dầu trên toan, tôi muốn gửi gắm tới những người xem tranh về một Hà Nội thanh bình, trong trẻo vẫn nguyên vẹn cho dù bao nhiêu biến động đã làm thành phố trong đời sống thực đã khác đi quá nhiều. Một Hà Nội với xe đạp, xe bò, dòng sông, thuyền nan, áo dài, yếm thắm và những mùa sen vẫn hiện diện đầy thơ mộng và...thách thức.

Được biết ông từng là họa sĩ gốc Việt được giải thưởng quốc tế về tranh biếm họa tổ chức ở Bungari, nhưng giữa hai thể loại tranh này khá khác nhau, vậy từ đâu ông lại chuyển mình sang thả hồn vào những bức vẽ này?

Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cần những nghệ sĩ vẽ tranh châm biếm đá kích theo bối cảnh, do may mắn có năng khiếu trong lĩnh vực này nên tôi chuyên vẽ thể loại đó.

Sau khi sang Canada tôi vẫn theo đuổi thể loại này và có làm cộng tác vẽ tranh cho một vài tờ báo nhưng công việc không kéo dài. Lúc này tôi mới xin nghỉ hưu sớm để dành nhiều thời gian cho việc vẽ và chụp ảnh. Vì thế mà suốt mấy chục năm qua, tranh tôi chỉ toàn vẽ về Hà Nội.

Những bức tranh Hà Nội đó đã xuất hiện trong nhiều triển lãm tại châu Âu từ năm 1987 và được sưu tầm tại các bảo tàng, trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Canada, Đức, Bungari... Trong nước, tranh của tôi có tranh treo tại Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Cách mạng. Đó càng là những động lực thôi thúc giúp tôi thả hồn vào hội họa.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/30-nam-xa-ha-noi-gui-tinh-yeu-va-noi-nho-qua-nhung-buc-tranh-a305827.html