30 năm hành động vì quyền con người

'Tuyên bố và chương trình hành động Viên - VDPA' được thông qua dựa trên sự đồng thuận của đại diện 171 quốc gia tại Hội nghị thế giới lần 2 về nhân quyền ngày 25-6-1993 tại Viên, Áo. Tuyên bố cho phép làm mới lại cam kết của cộng đồng quốc tế sau Chiến tranh lạnh để thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người (QCN); vạch ra một tầm nhìn mới cho hành động toàn cầu ủng hộ nhân quyền trong thế kỷ tiếp theo.

 Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Những nội dung cốt lõi của VDPA

Tính phổ quát của nhân quyền, mặc dù phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực. Lời mở đầu nhấn mạnh rằng, Tuyên ngôn thế giới về QCN (1948), cần phải đạt được chuẩn mực chung đối với mọi dân tộc, mọi quốc gia, và là cơ sở để LHQ thúc đẩy việc xây dựng các qui chuẩn trong các văn kiện quốc tế về QCN, nhất là trong hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội và văn hóa (1966).

Và trong khi phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, thì các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, đều phải có nghĩa vụ thúc đẩy, bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người.

Nhân quyền không thể chia cắt, phụ thuộc, liên hệ lẫn nhau. Tất cả các QCN là bình đẳng về tầm quan trọng, và phải theo đuổi mục tiêu chấm dứt sự chia cắt định lượng giữa các quyền dân sự - chính trị và các quyền kinh tế - xã hội - văn hóa đã được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đói nghèo và QCN: Nạn nghèo đói cùng cực và việc bị gạt ra ngoài lề của xã hội cấu thành sự vi phạm nhân phẩm con người. Điều cốt yếu đối với các quốc gia là khuyến khích sự tham gia của người nghèo vào quá trình hoạch định chính sách ở cộng đồng nơi họ sống, và nỗ lực đấu tranh chống nạn nghèo đói cùng cực.

Dân chủ, phát triển và nhân quyền: Dân chủ, phát triển và việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người phụ thuộc lẫn nhau và bổ sung cho nhau. Dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng ý chí được bày tỏ một cách tự do của nhân dân khi lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cho nước mình, và dựa trên sự tham gia đầy đủ của nhân dân vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quyền phát triển: Để bảo đảm sự tiến bộ bền vững đòi hỏi phải có những chính sách phát triển có hiệu quả ở cấp độ quốc gia, cũng như những quan hệ kinh tế công bằng và một môi trường kinh tế thuận lợi ở cấp độ quốc tế trong việc thực hiện quyền được phát triển.

Thách thức đối với nhân quyền: Đó là việc thải trái phép các chất độc hại, nguy hiểm và rác thải là mối đe dọa nghiêm trọng, tiềm tàng đối với quyền được sống và quyền về sức khỏe của tất cả mọi người; hay một số thành tựu khoa học nhất định, nhất là trong y sinh và nhân sinh cũng như trong công nghệ thông tin có thể gây tác động tiêu cực đối với nhân phẩm, các QCN. Các hành động, biện pháp và âm mưu khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó, cũng như mối liên hệ của nó với hoạt động buôn lậu ma túy ở một số nước là nhằm phá hoại các quyền và tự do cơ bản. Từ đó, VDPA kêu gọi cần tiến hành các bước cần thiết để tăng cường sự hợp tác nhằm ngăn chặn và chống các thách thức này.

Theo cố Tổng Thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali, khi đó, việc thông qua VDPA cho phép làm mới lại cam kết của cộng đồng quốc tế sau Chiến tranh Lạnh để thúc đẩy, bảo vệ các QCN và đã vạch ra một tầm nhìn mới cho hành động toàn cầu ủng hộ nhân quyền trong thế kỷ tiếp theo. Tuyên bố cung cấp cho cộng đồng quốc tế một khuôn khổ lập kế hoạch, đối thoại và hợp tác mới, toàn diện để thúc đẩy, bảo vệ các QCN ở tất cả các cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương. Tuyên bố là cơ sở để thành lập Cao ủy LHQ về nhân quyền theo Nghị quyết 48/121 của Đại hội đồng LHQ (tháng 12-1993).

Việt Nam và những cam kết hành động

Hiện nay những thành tựu quyền con người đang bị cản trở do vấp phải những thách thức rất gay gắt như: chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường... Vì vậy, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã bày tỏ lo ngại về tình trạng suy giảm của gắn kết và lòng tin xã hội; từ đó đề nghị cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa đến bảo đảm QCN trong bối cảnh tác động của các vấn đề toàn cầu như di cư, biến đổi khí hậu, lạm dụng công nghệ, nạn tin giả,...

Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền (2023-2025), mới đây Việt Nam đề xuất Hội đồng thông qua Nghị quyết kỉ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm VPDA nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị to lớn, bao trùm hai văn kiện này và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.

Với chủ trương sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển, Việt Nam đã tăng cường đối thoại, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết những đặc thù riêng của nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu mà VPDA đề ra, trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

 Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tham gia và phát biểu tại phiên họp ngày 3-4 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đây là phiên họp đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tham gia và phát biểu tại phiên họp ngày 3-4 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đây là phiên họp đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo.

Một là, tăng cường hợp tác quốc tế và ưu tiên thực hiện các điều ước quốc tế về QCN trong hệ thống pháp luật quốc gia. Chủ động hợp tác quốc tế trên cơ sở tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để nâng cao sự hiểu biết, từng bước thu hẹp bất đồng và sự khác biệt giữa Việt Nam với các đối tác trong thúc đẩy, bảo vệ QCN; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ quan điểm, lập trường, pháp luật, lợi ích quốc gia - dân tộc về QCN của Việt Nam.

Việt Nam hiện đã tham gia 7/9 công ước cơ bản và 02 nghị định thư về QCN; và đã, đang tiến hành nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một mặt, Việt Nam tuân thủ, tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực các cam kết quốc tế, trừ trường hợp theo Khoản 1, Điều 6, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế có qui định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp[1]; mặt khác, xây dựng các qui phạm pháp luật bảo đảm QCN phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của đất nước.

Hai là, tôn trọng, hiểu biết sự khác biệt của nhau và chia sẻ trong hợp tác vì QCN trên thế giới. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa, dẫn đến cách tiếp cận về QCN ở mỗi quốc gia, khu vực có sự khác nhau, vì vậy, cần có sự tôn trọng, hiểu biết và chia sẻ trong hợp tác vì QCN trên thế giới.

Chẳng hạn, các nước phương Tây đều thừa nhận tất cả các nhóm quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nhưng họ thường theo đuổi việc chia cắt các quyền dân sự, chính trị với các nhóm quyền khác. Đối với Việt Nam (và các nước đang phát triển khác), quan điểm nhất quán là tiếp cận một cách toàn diện, bình đẳng tất cả các QCN về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tập thể trong một tổng thể hài hòa không xem nhẹ hay đề cao bất cứ quyền nào, đúng như sự nhấn mạnh của VPDA về tính bình đẳng, không thể chia cắt, phụ thuộc, liên hệ lẫn nhau của tất cả các QCN.

Đối với quyền dân tộc tự quyết, các nước đều thừa nhận nội dung đã quy định trong Điều 1 của hai Công ước về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966. Việt Nam chủ trương bảo vệ quyền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị thống nhất với bảo đảm quyền của tất cả người dân và của các nhóm (cộng đồng) xã hội; trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo. Vì thế không thể tách rời việc bảo đảm quyền của người dân và của các cộng đồng xã hội với quyền dân tộc tự quyết, hay ngược lại.

Về quan hệ giữa tự do cá nhân với việc bảo vệ cộng đồng, các nước phương Tây cho rằng, trong vấn đề QCN thì chủ quyền quốc gia là một chủ quyền hạn chế; thậm chí còn tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân đến mức cao hơn hoặc đối lập với quyền của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Về vấn đề này, Việt Nam chủ trương, quyền gắn liền với nghĩa vụ; quyền và nghĩa vụ cá nhân phải gắn liền và nằm trong quyền, nghĩa vụ của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa chúng thì quyền của cộng đồng, quốc gia, dân tộc được đề cao hơn.

Về tôn trọng, chia sẻ hiểu biết và cả bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể ký kết các Điều ước quốc tế về QCN. Trong nhiều năm qua, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, các thế lực cực đoan trong chính giới ở một số nước ở phương Tây, các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài và tổ chức nhân quyền quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam (Theo dõi nhân quyền - HRW, Ân xá quốc tế - AI, Phóng viên không biên giới - RSF, Nhà tự do - FH…) thông qua các báo cáo hằng năm đưa nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam. Trong trường hợp này, cơ quan giám sát của các điều ước quốc tế cần có sự tôn trọng, chia sẻ hiểu biết và cả bảo vệ một cách khách quan quyền, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên với tư cách là chủ thể ký kết các điều ước quốc tế.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy, bảo vệ QCN. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách quốc gia liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các quyền như: quyền thoát nghèo; quyền về sinh kế, việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa, trước hết là của các nhóm yếu thế trong xã hội.

Khuyến khích đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QCN cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Trên thực tế, Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc lồng ghép giới trong chiến lược về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, phù hợp với mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các giải pháp cụ thể gồm: xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách theo cách tiếp cận giới; bảo đảm nguồn lực thích đáng; quyền tham chính bình đẳng của nữ giới cần được đưa vào tất cả các lĩnh vực, giai đoạn của đường lối, chính sách phù hợp với yêu cầu về giới và sức khỏe; mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm trong nước và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế với các đối tác quốc tế về nỗ lực trong thúc đẩy, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ khi ứng phó với biến đổi khí hậu.

--------------------------

[1] Xem: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-dieu-uoc-quoc-te-2016-303284.aspx

PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/30-nam-hanh-dong-vi-quyen-con-nguoi-19290