3 lý do để con đường gian khổ ở Hà Giang mang tên 'con đường Hạnh Phúc'

Ngày 20/3/1965, con đường Hạnh Phúc đã hoàn thành. Gọi là 'con đường Hạnh Phúc' bởi nó đã mang lại cơm no áo ấm cho đồng bào 4 huyện rẻo cao của Hà Giang. Hạnh phúc là bởi quá trình làm đường quá gian khổ nên khi hoàn thành con đường này, hạnh phúc trào dâng trong lòng các thanh niên xung phong và hạnh phúc nữa, đó là hạnh phúc lứa đôi.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hà Giang chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 2 từ thị xã Hà Giang đi Tuyên Quang là xe cơ giới đi được. Còn lại là đường mòn đi bộ, đường ngựa thồ. Đầu năm 1959, Chính phủ quyết định làm con đường Hạnh Phúc (Quốc lộ 4C) để người dân vùng cao phía sau Cổng trời có đường đi lại, sản xuất làm ăn. Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Giang Dương Mạc Thạch phát biểu tại lễ khởi công mở đường Hạnh Phúc từ cầu Gạc Đì đi lên cao nguyên đá Đồng Văn 10/9/1959.

Đường Hạnh Phúc dài gần 200km, chạy từ Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn - nơi có đỉnh Mã Pì Lèng hiểm trở và hùng vĩ. Trong ảnh: Ban chỉ huy công trường cùng chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu hướng mở đường Hạnh Phúc Hà Giang- Đồng Văn.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang mít tinh thể hiện quyết tâm mở đường Hạnh Phúc tháng 10/1959.

Hơn 1000 thanh niên xung phong cùng 1200 dân công đến từ các tỉnh Cao - Bắc- Lạng- Hà- Tuyên- Thái, Nam Định, Hải Dương đã bỏ ra hơn 2 triệu ngày công để hoàn thành con đường. Trong ảnh: Thanh niên xung phong mở đường, đoạn Hà Giang- Quản Bạ,1959.

Riêng ở dốc Mã Pì Lèng, nóc nhà của vùng cao nguyên đá, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao năng suất lao động, anh em các đơn vị đã có sáng kiến dùng bao tải gai xiên hai đoạn tre làm ky khiêng đất đá.

Thanh niên xung phong và dân công đã làm việc bằng những công cụ hết sức thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ,… trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn lương thực, nước uống và cả kiểu khí hậu khắc nghiệt của vùng cao (khi thì quá nóng khi thì quá lạnh). Có những đoạn đường, mỗi lần nổ mìn, chỉ được khoảng 2-3 xe rùa đá. 30 thanh niên được tuyển vào "Đội Dũng cảm" để thi công 21 km đường cheo leo lên đỉnh Mã Pì Lèng.

Khi chưa có sự hỗ trợ của máy móc, chỉ với những dụng cụ thô sơ nhưng với ý chí và nghị lực của những thanh niên xung phong đã làm nên một con đường huyện thoại mang tên “Con đường Hạnh Phúc”.

"Độ ấy chúng tôi chỉ có cái xà beng tám cạnh (choòng) trong tay. Người xoay, người đục, khoét núi đá ra mà dũi, mở đường từng li, từng tí. Cô gái trong ảnh là người yêu của tôi Nguyễn Thị Ái Thanh. Chúng tôi yêu nhau khi cùng tham gia mở đường Đồng Văn - Mèo Vạc. Cuối năm 1965, khi hoàn thành con đường, chúng tôi được đơn vị tổ chức lễ cưới tại đây. Khi đó cả hai vừa tròn 22 tuổi". Ông Nguyễn Phương Duy - cựu TNXP Hải Dương nhớ lại. Sau khi con đường hoàn thành, nhiều đôi vợ chồng thanh niên xung phong đã quyết định ở lại lập nghiệp trên quê hương Hà Giang.

Với muôn vàn gian khổ, 14 người trong số các thanh niên xung phong đã nằm lại mảnh đất Hà Giang, được chôn cất ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Yên Minh. Tại cao nguyên đá Đồng Văn giờ đây sừng sững tượng đài "Thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc”. Trong ảnh: Lễ thông xe tuyến đường từ Hà Giang đến Đồng Văn năm 1963.

Ngày 20/3/1965, con đường đã hoàn thành. Điểm đầu con đường từ phường Quang Trung, thành phố Hà Giang và kết thúc ở thị trấn Mèo Vạc với chiều dài 185km. Gọi là "con đường Hạnh Phúc" bởi nó đã mang lại cơm no áo ấm cho đồng bào 4 huyện rẻo cao của Hà Giang. Hạnh phúc là bởi quá trình làm đường quá gian khổ nên khi hoàn thành con đường này, hạnh phúc trào dâng trong lòng các thanh niên xung phong và hạnh phúc nữa, đó là hạnh phúc lứa đôi. Trong ảnh: Khúc cua uốn lượn trên đường đi Đồng Văn, còn được gọi là dốc 9 khoanh.

Con đường Hạnh Phúc Hà Giang là cung đường đặc biệt, thiết kế đường ngoằn ngoèo, một bên vách núi dựng đứng, một bên vực thẳm hun hút, trở thành một cung đường huyền thoại, hấp dẫn khách du lịch khắp trong nước và thế giới. Trong ảnh: Đường Hạnh Phúc, đoạn qua dốc Cốc Mạ, xã Quản Bạ.

Giáng Hương/VOV.VN Ảnh: Bảo tàng Hà Giang

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/3-ly-do-de-con-duong-gian-kho-o-ha-giang-mang-ten-con-duong-hanh-phuc-post1083216.vov