3 lao động Việt kêu cứu từ Ả Rập Xê Út đã về tới Việt Nam!

Chỉ vài ngày sau khi bài viết “Lời kêu cứu “khẩn thiết” của lao động Việt từ Ả Rập Xê Út” được báo điện tử Congluan.vn đăng tải, mới đây phóng viên đã nhận tin vui từ những gia đình có người thân kêu cứu thông báo: “mẹ và chị của họ đã về tới Việt Nam an toàn”!

Lời kêu cứu “khẩn thiết” của lao động Việt từ Ả Rập Xê Út

Tâm trạng lo lắng của chị Trịnh Thị Huyền Trang và anh Trương Văn Bông trước khi người nhà được trở về Việt Nam. (Ảnh – Chính Kỳ)

Tin vui cho những gia đình ngồi trên đống lửa

Sau những ngày lo lắng phập phồng về tình trạng người thân liên tục cầu cứu từ Ả rập Xê Út vì bị ngược đãi nơi xứ người, mới đây, những gia đình có người thân kêu cứu đã liên lạc với phóng viên (PV) để báo tin vui người thân của họ đã về tới Việt Nam an toàn sau khi báo chí vào cuộc!

Trao đổi với PV, anh Trương Văn Bông (quê ở Thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết: “Sau khi báo chí vào cuộc, đăng tải bài viết kêu cứu của chị tôi, ngay lập tức bên phía công ty Nam Việt (Công ty CP Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt- PV) có gọi điện trao đổi về vấn đề trên. Tôi cũng phản ánh rõ ràng về tình hình kêu cứu của chị (Trương Thị Huệ, sinh năm 1971- PV). Họ nói cứ yên tâm để họ trao đổi lại với giới chủ lao động và sẽ sắp xếp để chị về nước sớm theo nguyện vọng. Nói vậy chứ cũng lo lắm anh ơi, không biết chị có về nước sớm được không, chứ ở bên này lo lắng lắm”.

Anh Bông nói tiếp: “Tuy nhiên vài ngày sau thì tôi nhận được tin là ngày 14 tháng 3 chị sẽ về nước, trời tôi mừng dữ lắm. Bây giờ thì chị đã về Việt Nam rồi, chị em gặp nhau mừng quá không biết nói gì hơn, thấy còn mạng về lại quê hương là mừng rồi. Tôi cũng cảm ơn đến báo Nhà báo và Công luận nhiều lắm, cũng nhờ các anh lên tiếng mà chị – em mới có dịp đoàn tụ. Một lần nữa cảm ơn các anh! – Anh Bông bày tỏ cảm xúc.

Đối với trường hợp lao động Đào Thị Hải Kim (sinh năm 1972), con gái chị cũng thông báo tin vui cho PV là mẹ đã về tới Việt Nam. Chị Trịnh Thị Huyền Trang (ngụ tại phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Mẹ đã về tới Việt Nam rồi, hiện tại về mặt sức khỏe cũng đã bình ổn trở lại, tuy nhiên tay chân của mẹ cũng còn bị tê buốt vì di chứng ảnh hưởng từ việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa ở bên nhà chủ tại Ả Rập Xê Út. Dù sao em cũng cảm ơn các anh nhiều lắm, nhờ các anh lên tiếng mà mọi người được về lại Việt Nam, trong đó có mẹ em”- Chị Trang nói trong xúc động.

Riêng trường hợp lao động Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1971), trao đổi trực tiếp với phóng viên, con gái chị Sáng là Ngô Thị Ngọc Dung (ấp Hải Lộc, Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Sau khi báo vào cuộc thì phía công ty Nam Việt có gọi điện hỏi về trường hợp mẹ em, họ nói sẽ sắp xếp để cho mẹ về sớm nhưng gia đình phải lo tiền vé máy bay khoảng 15 triệu. Em có nói là gia đình hiện một triệu cũng không có thì lấy đâu ra 15 triệu mà đóng. Có lẽ vì vậy mà khi nghe mẹ gọi điện thoại về nhà báo là họ đã mua vé máy bay cho mẹ về Việt Nam thì em vui dữ lắm, cứ ngỡ không có tiền đóng sẽ không về được, nên chắc là bên công ty Nam Việt họ lo hết”

Chị Dung nói thêm: “Hôm nay mẹ em về tới Việt Nam rồi, em cũng thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn đến báo Công Luận nhiều lắm, nhờ các anh mà mẹ em mới về được Việt Nam”.

Sẽ tố cáo công ty Tân Hoàng Minh vì “đem con bỏ chợ…”!

Ngay sau khi nhận được tin vui từ những gia đình có người thân kêu cứu từ Ả Rập Xê Út, phóng viên (PV) đã lập tức liên lạc với những người lao động vừa mới về nước.

Nói chuyện với PV, chị Đào Thị Hải Kim (sinh năm 1972) chia sẻ: “Trời ơi về được tới nhà, gặp lại gia đình mừng lắm anh ơi. Bây giờ sức khỏe của em cũng đỡ hơn trước rồi nhưng vẫn còn khủng hoảng lắm. Giờ có cho bạc tỷ kêu em đi lại em cũng không dám đi anh ơi.

Nhiều lúc nghĩ lại vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới đi xuất khẩu làm việc nơi xứ người. Lúc đi, bên môi giới nói ngày làm việc có 8 đến 9 tiếng thôi, có ai ngờ đâu qua đó một ngày làm tới 15, 16 tiếng hỏi anh sao mà chịu nổi, riết mà em mất ngủ về em ám ảnh cuộc đời luôn… Sợ quá trời! Bên đó họ đối xử với mình khủng hoảng lắm anh ơi. Nơi xứ lạ quê người đâu có dám nói năng gì đâu, nói đến họ bỏ đói mình còn chết nữa”– Chị Kim chia sẻ.

Khi PV đề cập đến việc vì sao gặp chuyện bất cập như vậy mà chị không phản ánh về phía công ty để họ biết và đổi chủ mới, chị Kim liền nói: “Không phải đâu anh, lúc mà mình bị làm việc quá giờ không đúng như hợp đồng, em đã nhiều lần gọi điện thông báo cho ông Hoàng Nhật Cường, giám đốc công ty Tân Hoàng Minh nơi đưa tụi em đi xuất khẩu sang Ả Rập rồi mà ổng có nói gì đâu. Họ vô trách nhiệm lắm, giống như đem con bỏ chợ vậy đó. Nhiều lúc gọi điện riết mà ông Cường tắt máy luôn không trả lời là anh biết rồi đó. Họ không có đứng ra bảo vệ người lao động của mình đâu. Để em bình phục sức khỏe đi em sẽ tố cáo công ty này để pháp luật trừng trị” – Chị Kim khẳng định.

Nói về tâm trạng của mình khi được trở về Việt Nam, chị Trương Thị Huệ (sinh năm 1971, quê ở Bình Thuận) cho biết: “Mừng quá em ơi, bây giờ vui quá cũng không biết nói gì hơn là cảm ơn báo nhiều lắm. Về được quê hương mình có chết cũng mãn nguyện”.

Trao đổi thêm về lý do vì sao chị cầu cứu về gia đình, chị Huệ nói: “Khắc nghiệt lắm em ơi, bên đó họ bắt làm không có giờ nghỉ đâu em, làm mà từ 5 giờ sáng tới tối thì hỏi em sức nào chịu nổi. Chị cũng có phản ánh vấn đề này với công ty Tân Hoàng Minh do ông Cường làm giám đốc rồi, nhưng ông này vô trách nhiệm lắm em ơi”.

Theo chị Trương Thị Huệ, các cơ quan chức năng phải làm sao ngăn chặn không để công ty Tân Hoàng Minh tiếp tục phát triển để lừa những người giống như chị nữa. (Ảnh – Chính Kỳ)

Chị Huệ nói tiếp: “Lúc đầu ông Cường tuyển chị đi làm thì nói ngon ngọt lắm, một ngày chỉ làm 8, 9 tiếng thôi nhưng thực tế thì giờ nghỉ cũng không có, làm một ngày tới 16, có khi 17 tiếng thì sao mà chịu nổi. Qua đến bên đó thì chị mới biết là công ty Tân Hoàng Minh chỉ là môi giới để tuyển người lao động qua nước ngoài thôi. Bởi vậy làm sao mà các cơ quan chức năng phải ngăn chặn không để công ty này tiếp tục phát triển để lừa những người giống như chị nữa. Bề ngoài họ để là bán vé máy bay hay du lịch gì đó nhưng bên trong thì lại môi giới xuất khẩu lao động hoặc bán lao động cho các công ty khác. Giống như trường hợp của chị, lúc đầu tuyển đi Ả Rập đều do ông Cường bên Tân Hoàng Minh lo hết, nhưng trước giờ bay thì ổng mới đưa bản hợp đồng để ký là công ty Nam Việt, chứ hồi giờ có biết công ty Nam Việt nào đâu. Đến khi gặp chuyện thì chỉ thấy bên Nam Việt họ lo còn ông Cường bên Tân Hoàng Minh thì mất tiêu” – Chị Huệ bức xúc kể.

Qua xác minh, công ty Tân Hoàng Minh có tên đầy đủ là Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Quốc tế Tân Hoàng Minh (địa chỉ tại số 118 Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) do ông Hoàng Nhật Cường làm giám đốc.

Liên quan đến công ty này, trước đó, khi trao đổi với PV, ông Hoàng Nhật Cường từng cho rằng công ty ông không liên quan gì đến xuất khẩu lao động.

Vậy thực tế Công ty Tân Hoàng Minh đóng vai trò gì trong việc đưa người xuất khẩu lao động? Liệu có phải công ty này được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hay chỉ là đơn vị môi giới đúng như phản ánh của những người lao động mới về nước? Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục làm rõ.

Chính Kỳ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/3-lao-dong-viet-keu-cuu-tu-a-rap-xe-ut-da-ve-toi-viet-nam/