'3 DN yếu kém ngành công thương đã ổn định, trả hơn 12.000 tỷ nợ vay'

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường thông tin về 3 doanh nghiệp yếu kém thuộc 1 dự án của ngành công thương là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP Lào Cai đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại.

Đây là 3 doanh nghiệp từng âm vốn chủ sở hữu do thua lỗ nhiều năm, dẫn đến tình trạng khó được cấp tín dụng về vốn. Tuy nhiên, nhờ có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ thì Ngân hàng VDB cũng đã tái cơ cấu lại các khoản vay của 3 doanh nghiệp này.

Theo đó, VDS đã hạ lãi suất vay từ 11% về 8,55%, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ thêm và xóa lãi phạt trên lãi chậm trả. Nhờ đó 3 doanh nghiệp này liên tiếp 3 năm đều hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2022, tổng lợi nhuận của 3 đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đạt được 2.700 tỷ, năm 2023 đạt 1.300 tỷ và riêng 2 tháng đầu năm 2024, các đơn vị cũng hoạt động ổn định và có lãi, công suất huy động sản xuất là hơn 90% công suất thiết kế.

Trong 3 năm liền, riêng 2 đơn vị sản xuất ure mỗi năm sản xuất ra xấp xỉ 1 triệu tấn ure cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đạm Hà Bắc đã quay trở lại dương vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng.

Tính đến ngày 29/2/2024, tổng cộng 3 đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đã trả nợ cả gốc và lãi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam được 12.138 tỷ trên tổng nợ vay ban đầu là 10.600 tỷ.

Theo Chủ tịch HĐTV Vinachem, ngành công nghiệp hóa chất được Đảng, Chính phủ xác định là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thực hiện Quyết định số 1265/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025", trong thời gian tới, Vinachem sẽ triển khai đầu tư, mở rộng các hạng mục cũng như thực hiện việc di dời ra khỏi khu công nghiệp Biên Hòa.

“Tranh thủ cơ hội phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, tập đoàn sẽ tập trung vào sản xuất một số nguyên liệu như Acid phosphoric để phục vụ cho ngành bán dẫn, cũng như hydro xanh hoặc các hóa chất cơ bản phục vụ cho các ngành công nghiệp khác”, ông Nguyễn Phú Cường cho hay.

Để thực hiện chủ trương, khởi động muối mỏ kali tại Lào, ông Cường cho rằng nhu cầu về vốn của các đơn vị thành viên trong Vinachem sẽ rất lớn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức tín dụng để có đủ nguồn vốn triển khai các dự án.

Thu An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/3-dn-yeu-kem-nganh-cong-thuong-da-on-dinh-tra-hon-12000-ty-no-vay-20180504224296326.htm