3 đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm nghệ sĩ, bác sĩ, dược sĩ online vi phạm quảng cáo

Quảng cáo hay đưa thông tin đến người tiêu dùng phải trung thực, chính xác và đầy đủ, không thể đưa nửa vời hoặc thổi phồng công dụng sản phẩm.

Không phải cứ uống sữa là con thông minh

Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều các bác sĩ, dược sĩ online quảng cáo và bán các loại thực phẩm chức năng, có dấu hiệu vi phạm Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Nghiêm trọng hơn, nhóm người này còn cùng nhau đăng tải các video công kích sữa trái cây và khuyên dùng Dutch Lady của Cô gái Hà Lan với một kịch bản na ná nhau, có dấu hiệu của một cuộc “truyền thông bẩn”, dấu hiệu vi phạm khoản 8, Điều 10, Luật Quảng cáo: “Nghiêm cấm quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.

Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều các bác sĩ, dược sĩ online quảng cáo và bán các loại thực phẩm chức năng.

Bên hành lang Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cho biết, tiện ích của mạng internet nói chung, các nền tảng mạng xã hội nói riêng là rất lớn nhưng cả mặt trái của nó cũng không ít và đang bị các đối tượng triệt để khai thác sử dụng; có thể lợi dụng để quảng bá sản phẩm không được kiểm chứng.

“Một số người tôi cũng không rõ là bác sĩ hay không, nhưng cứ khoác chiếc áo blouse trắng là tự nhận mình là bác sĩ rồi tư vấn sản phẩm này, sản phẩm kia”, đại biểu Hoàng Anh Công nói và cho biết, cần có quy định thanh tra, xem xét lại việc này để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng.

“Nếu người ta tin tưởng mua nhầm sản phẩm không đạt chất lượng thì đây là hình thức vi phạm. Vi phạm quy định về quảng cáo, quảng cáo không đúng sự thật, không được cấp phép quảng cáo nhưng vẫn quảng cáo”, đại biểu Hoàng Anh Công nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hoàng Anh Công, các ngành, các cấp liên quan phải có biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng những thông tin nhiễu loạn đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Cần có biện pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ và Thông tin & Truyền thông trong việc quảng cáo sai sự thật như hiện nay. Bên cạnh đó, yêu cầu Google, TikTok, Facebook phải có biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ các sản phẩm liên quan đến sức khỏe”, đại biểu Hoàng Anh Công cho biết.

Theo đại biểu, quy định của pháp luật, quảng cáo hay đưa thông tin đến người tiêu dùng đều phải trung thực, chính xác và đầy đủ, không thể đưa nửa vời hoặc là đưa quá lên với công dụng của sản phẩm.

“Nhà sản xuất có thể quảng cáo không vi phạm pháp luật nhưng nghe rất hay, ví dụ như quảng cáo uống sữa sẽ làm cho trẻ em thông minh hơn, cao hơn. Họ nói vậy cũng không sai, nhưng đâu phải chỉ cần uống sữa mà trẻ đã thông minh, cho nên người tiêu dùng phải tỉnh táo. Pháp luật chỉ cấm những điều vi phạm pháp luật. Nhiều đơn vị sản xuất đã lợi dụng quảng cáo để người tiêu dùng không tỉnh táo thì dễ bị nhầm lẫn và nghĩ rằng, cứ uống sữa là con thông minh, không cần bổ sung các chất khác nữa”, đại biểu Hoàng Anh Công dẫn chứng.

Nghệ sĩ phải có trách nhiệm khi tham gia quảng cáo

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng cho rằng nhiều nghệ sĩ Việt đã tận dụng sự nổi tiếng và mạng xã hội như Facebook có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt người theo dõi để quảng cáo.

Thông thường, tâm lý người tiêu dùng nghĩ người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt thật nên tin tưởng mua và vô tình ‘tiền mất tật mang”. Nhiều trường hợp trong số họ bị chỉ trích vì quảng cáo “thổi phồng” công dụng thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng… kém chất lượng”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu thực tế.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, chúng ta đang ở trong một xã hội thượng tôn pháp luật và không ai đứng ngoài luật pháp. Do vậy, tôi cho rằng xử lý bằng luật pháp là điều tốt nhất. Ngoài ra cũng có những quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành, họ cũng nên đáp ứng như vậy.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, nghệ sĩ phải biết lựa chọn, tìm được cái tốt để mình quảng cáo. Từ đó vừa đem lại lợi ích cho mình, đem lại lợi ích cho cộng đồng, chính là đem lại thu nhập cho chính họ.

“Điều kiện tiên quyết khi nghệ sĩ quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào là phải tìm hiểu kỹ thông tin và thẩm định sản phẩm theo chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Nhà nước có trách nhiệm quản lý, doanh nghiệp có trách nhiệm đối với sản phẩm, các nghệ sĩ có trách nhiệm khi tham gia quảng cáo. Chỉ có như vậy mới tránh được những hệ lụy về sức khỏe, về kinh tế đối với người tiêu dùng”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Còn theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quảng cáo thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng tràn lan dẫn đến tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng lỗi hay có vấn đề chất lượng, song lại ngại và không khiếu nại.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết, thực tế, nhận thức về việc đi đòi quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế, nên người tiêu dùng đã không thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép. “Cũng có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi, dẫn tới người tiêu dùng có tâm lý là công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Cộng thêm chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên người tiêu dùng cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại”, đại biểu Bùi Hoài Sơn lý giải.

Nhật Lê - Phong Vân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/3-dai-bieu-quoc-hoi-yeu-cau-xu-ly-nghiem-nghe-si-bac-si-duoc-si-online-vi-pham-quang-cao-283324.html