3 công khai không chính xác: Trường ĐH nói sơ suất là không thuyết phục

Theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, số liệu trong 3 công khai của trường ĐH không chính xác thì không thể nói là thống kê nhầm, sai sót.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có một số bài viết liên quan đến báo cáo 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học. Đáng nói, trong các báo cáo được cập nhật trên website các trường, nhiều số liệu được công khai nhưng không chính xác, không thống nhất và còn khập khiễng. Lý giải cho điều này, đại diện các trường cho biết đó là lỗi “thống kê nhầm” hay “sai sót trong tập hợp dữ liệu”.

Cụ thể một số bài viết: 3 công khai Học viện Tài chính thiếu do lỗi cập nhật, sai sót trong tập hợp dữ liệu; Báo cáo 3 công khai Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh có thống kê nhầm và sai số kỹ thuật; Thông tin 3 công khai không thống nhất, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên nói gì?

Nói sai sót trong tổng hợp dữ liệu là không thuyết phục

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng: “Đối với lỗi sai như thế này, trách nhiệm lớn nhất là của nhà trường. Qua theo dõi các bài viết trên báo chí, tôi thấy cũng có những trường hợp số liệu công khai trong báo cáo này lại khác trong báo cáo kia, có sự khập khiễng giữa báo cáo và đề án tuyển sinh..., rồi lý giải là do những cái sai sót trong tập hợp dữ liệu hay lỗi cập nhật của hệ thống.

Nhưng chuyện đó thì khó tin và không thuyết phục. Những thông tin công khai đó là thực hiện theo quy định, nhà trường phải có trách nhiệm thống nhất. Việc cứ làm không đúng rồi khi bị phát hiện thì mới bào chữa, thành ra có ý kiến cũng đặt vấn đề về năng lực, sự nghiêm túc trong báo cáo 3 công khai hay có gì đó lập lờ với người học không?

Có trường số liệu ở trên một đằng nhưng xuống dưới thì số liệu một nẻo, hoặc có trường cộng số liệu cũng sai... Quản lý một trường đại học mà lý giải như vậy, chẳng khác nào một tiệm bán hàng lẻ. Các bộ phận chịu trách nhiệm của trường đến đâu, rồi lãnh đạo trường ký vào bản báo cáo 3 công khai đó trách nhiệm thế nào? Phải làm phương pháp tính đàng hoàng, đối chiếu số liệu, rồi thậm chí phải dựa trên những số liệu ấy để phân tích, đánh giá tính chất hoạt động của nhà trường ra sao... Sao có thể nói có sai sót, kết quả không chính xác mà cập nhật lên cho người học, cho xã hội cùng theo dõi”.

Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia Nguyễn Thiện Tống bày tỏ trăn trở: “Học viện Tài chính là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu về dữ liệu, số liệu... nếu nói số liệu không chính xác sai sót trong tập hợp dữ liệu, thì không ổn”.

Vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh: “Việc công khai không thống nhất như vậy dễ khiến cho xã hội đặt những câu hỏi hoài nghi”.

Số liệu trong 3 công khai còn gây băn khoăn

Liên quan đến báo cáo 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Thực tế cho thấy, báo cáo 3 công khai của một số cơ sở giáo dục hiện nay đang không minh bạch. Trường thông tin rất lập lờ, không đúng sẽ khiến cho thí sinh không nắm bắt được một cách chính xác.

Ví dụ như về học phí chẳng hạn, một số trường công khai con số rất thấp, bởi vì họ chia nhỏ tín chỉ ra, hoặc chia một năm ra 3-4 học kỳ, nên thoạt nhìn, người học sẽ thấy mức học phí như vậy là thấp, phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Nhưng thực chất, khi các em đã nhập học, mới bắt đầu tá hỏa về mức học phí tổng cộng trong một năm là rất lớn, không chỉ vậy, học phí lại tăng theo từng năm. Cho nên, nhiều gia đình không kham nổi học phí, mà đã “lỡ đâm lao, phải theo lao”, dẫn đến phải chật vật xoay xở, vay mượn... Đó là một thực tại mà chúng ta cần nhìn nhận.

Bên cạnh đó, lâu nay có lo ngại về số liệu giảng viên trong báo cáo, hồ sơ để tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Những băn khoăn này là có và chỉ có giám sát, thanh kiểm tra mới làm rõ được.

Về thống kê tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm, theo tôi cũng là một số liệu còn nhiều băn khoăn vì có em chạy grab hay bưng bê, phục vụ... nhưng có thể vẫn được kê vào “có việc làm”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngân Chi.

Từ những phân tích trên, thầy Dũng chia sẻ: “Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Thanh tra Bộ khi tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, có thể kịp thời phát hiện cũng như phần nào kiểm soát được tình trạng trên.

Tuy nhiên, cũng cần song hành với những hình thức xử phạt thực sự có tính răn đe. Tôi lấy ví dụ, mức nộp phạt hiện nay theo quy định thấp, chỉ cần học phí của một vài sinh viên là đủ để nộp phạt. Trong khi đó, có trường có thể tăng đến hàng chục, hàng trăm chỉ tiêu - nên họ sẵn sàng vi phạm để làm”.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó Viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ. Ảnh: Trung Dũng.

Có quan điểm tương đồng với ý kiến trên, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó Viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ cũng nhìn nhận: “Hiện nay, có thực trạng cơ sở giáo dục công khai thông tin không đúng với số liệu thực tế, đưa ra những số liệu có lợi cho nhà trường, để thu hút tuyển sinh. Rõ ràng, ở đây có sự không minh bạch với người học và xã hội”.

Theo Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan, từ những thông tin được phản ánh như trên, cơ quan quản lý cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đồng thời có biện pháp xử lý “mạnh tay” hơn nữa đối với những trường có vi phạm.

Theo Điểm b, c Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, quy định mức xử phạt Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục nêu rõ: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngân Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/3-cong-khai-khong-chinh-xac-truong-dh-noi-so-suat-la-khong-thuyet-phuc-post240815.gd