3 bước đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020

(VOV) - Mục tiêu của Chiến lược là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Sáng 18/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo cấp cao về chính sách “Việt Nam hướng tới thập niên mới và giai đoạn xa hơn” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới. Hội thảo “Việt Nam hướng tới thập niên mới và giai đoạn xa hơn” tập trung xác định xu hướng phát triển của thế giới, định hình lộ trình và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển của Việt Nam phù hợp với bối cảnh toàn cầu nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Các đại biểu tham dự hội thảo lắng nghe và thảo luận nhiều chủ đề liên quan đến Việt Nam cần đạt được điều gì trong thập kỷ tới và trong giai đoạn xa hơn, những vấn đề then chốt trong thập niên tới của Việt Nam, loại hình chính sách công nghiệp nào có thể giúp các nước đang phát triển bắt kịp các nước phát triển, quản lý kinh tế vĩ mô và rủi ro tài chính trong thời kỳ hậu khủng hoảng, quản lý các tập đoàn kinh tế trong bối cảnh toàn cầu mới cũng như thí điểm mô hình quản trị mới với đặc khu kinh tế tại Việt Nam... Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tẫn Dũng nêu rõ chủ đề, mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Thủ tướng cũng đề cập 5 quan điểm lớn xây dựng chiến lược, đó là phát triển nhanh phải gắn liền với phát triển bền vững; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thủ tướng khẳng định: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 xác định hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 3 bước đột phá. Chiến lược cũng đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để thực hiện. Cụ thể: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo. Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giải pháp này, Thủ tướng nhấn mạnh đến tập trung nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, mà trọng tâm là thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường; hoàn thiện bộ máy Nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước. Thủ tướng khẳng định: Cùng với các nỗ lực trong nước, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Xây dựng một Chiến lược phát triển phù hợp cho một giai đoạn mới và huy động được nguồn lực để thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Trên tinh thần này, Thủ tướng hoan nghênh Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo cấp cao về chính sách “Việt Nam hướng tới thập niên mới và giai đoạn xa hơn” với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế cùng tập trung thảo luận những vấn đề thiết thực, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng của Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.../. Thành Chung

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/3-buoc-dot-pha-chien-luoc-phat-trien-kinh-texa-hoi-20112020/20108/152364.vov