25 năm ăn Tết ở quê chồng, con gái về mong thấy mẹ 100 tuổi bình an

Đây là năm đầu tiên bà Linh về quê ăn Tết sau 25 năm theo chồng con vào TP.HCM. Tuy nhiên năm nay, người mẹ đã 100 tuổi của bà bất ngờ đổ bệnh vào những ngày cận Tết.

Xem video:

Trên chuyến tàu SE6 rời TP.HCM về Hà Nam vào những ngày cuối cùng của năm Quý Mão, tại hàng ghế mềm, ông Bùi Văn Sơn (SN 1967) rơm rớm nước mắt, mang tâm trạng buồn vui lẫn lộn khi về quê ăn Tết. Dù năm nào ông cũng về Tết bằng tàu hỏa, nhưng đây là lần đầu tiên ông mang nhiều tâm sự như vậy.

Do kinh tế khó khăn, cuối năm, ông cố gắng làm đến cận Tết để có thêm thu nhập. Dù vậy, ông vẫn không lo đủ tiền để đưa cả gia đình về cùng. Biết ông thương nhớ bố mẹ già ở quê, các con tạo điều kiện để bố về một mình.

Ông Sơn cảm thấy buồn vì không đủ điều kiện để đưa vợ con cùng về quê đón Tết. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông Sơn chia sẻ: “Đi làm cả năm, đúng ra ngày Tết tôi phải đưa vợ con về quê thăm bố mẹ, ông bà. Nhưng vì điều kiện kinh tế, vợ con tôi phải ở lại. Về một mình buồn lắm, vì tôi đã quen cả gia đình cùng nhau về quê đón Tết rồi.

Năm nay tôi về trễ, phải đón giao thừa trên tàu. Đây là lần đầu tiên tôi có trải nghiệm này nên cảm xúc khá đặc biệt, hồi hộp vì có một giao thừa khác lạ. Dẫu vậy, khi nghĩ đến vợ con ở lại, không được cùng nhau đón năm mới, tôi lại chạnh lòng. Nhưng thôi, còn về thăm ông bà được là mừng rồi”.

May mắn hơn ông Sơn, năm nay, anh Ngô Xuân Đồng (37 tuổi) đưa được cả vợ và 2 con nhỏ về quê đón Tết, thăm bố mẹ già. Mấy năm trước, gia đình anh Đồng cũng không về quê vào dịp Tết.

Anh chị lo lắng con nhỏ sẽ không kịp thích ứng với khí hậu lạnh giá ở miền Bắc trong những ngày Tết, nên cả nhà chỉ về quê vào dịp hè. Năm nay, 2 con đã cứng cáp cộng thêm việc bố mẹ ở quê đã lớn tuổi, nên anh chị quyết định về Tết những ngày cuối năm.

Đây là năm đầu tiên anh Đồng đưa vợ và 2 con ra Bắc đoàn viên cùng bố mẹ. Ảnh: Hà Nguyễn

Trong khi đó, bà Phạm Thị Linh (60 tuổi) lại về quê trong tâm trạng âu lo. Đây là năm đầu tiên bà Linh về quê vào dịp Tết sau 25 năm theo chồng con vào TP.HCM.

Những năm trước, bà đều đón Tết tại quê hương thứ hai. Bà chỉ về quê thăm người thân trong năm hoặc khi có việc cần. Tuy nhiên năm nay, người mẹ đã 100 tuổi của bà bất ngờ đổ bệnh vào những ngày cận Tết.

Dù đã lên kế hoạch đón Tết cùng gia đình tại TP.HCM, bà đành phải gác lại để mua vé tàu về quê vào những ngày cuối cùng của năm. Bà chia sẻ: “Mọi năm, tôi đón Tết ở TP.HCM, ra Giêng mới về quê du xuân. Năm nay, tôi về quê dịp Tết nhưng không vui vì mẹ bệnh đang nằm viện. Tết này, tôi về chăm và chơi với mẹ đến khi bà hết bệnh mới vào lại TP.HCM”.

Bà Phạm Thị Linh về quê trong tâm trạng âu lo. Ảnh: Hà Nguyễn

Đây là lần đầu tiên Phan Thị Hải Anh (26 tuổi) đưa bạn trai người Nhật về quê Hà Nam ăn Tết cùng gia đình. Vì chặng đường không quá dài, Hải Anh chọn đi tàu SE5 từ Hà Nội về Hà Nam để đảm bảo an toàn, cũng là dịp để bạn trai được ngắm nhìn đường phố những ngày giáp Tết.

Từng du học ở Nhật, Hải Anh thông thạo tiếng Nhật và nên duyên với bạn trai được hơn 2 năm. Cô chia sẻ, được về ăn Tết quê bạn gái ở Việt Nam, bạn trai ngoại quốc cảm thấy rất vui và lạ lẫm. Anh hy vọng đây sẽ là một cái Tết ý nghĩa và ấm áp, được trải nghiệm những phong tục tập quán trong ngày Tết cổ truyền ở quê hương bạn gái.

Phan Hải Anh cùng bạn trai người Nhật. Ảnh: Lam Giang

Đi tàu để sống chậm, nghĩ về một năm đã qua

Năm nay, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Hà Nội) về quê ngoại vào ngày cuối cùng vì công việc bận rộn. Chị Thủy chia sẻ đây là lần đầu tiên chị đi tàu về quê ăn Tết và có cảm giác rất khác lạ.

“Năm nay đi tàu về thực sự là một cảm giác đặc biệt với mình. Được ngắm nhìn thành phố từ trên tàu, mình cảm thấy mọi thứ như chậm lại. Ngồi trên tàu, mình ngẫm lại một năm qua với nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Chồng con mình đã về quê trước, nên các cháu rất mong mẹ”, chị Thủy chia sẻ.

Cảm giác kỳ lạ khi lần đầu tiên được đi tàu về quê. Ảnh: Lam Giang

Trong lúc nói chuyện, các con của chị liên tục gọi điện hỏi mẹ đã về đến nhà chưa. Trải nghiệm thú vị này khiến chị suy nghĩ về việc sang năm sẽ cho cả nhà đi tàu về quê dịp Tết.

Giống như chị Thủy, vợ chồng anh Lê Đức Hợp (39 tuổi) cũng chọn đi tàu về Nam Định ăn Tết để trải nghiệm cảm giác thoáng đãng, thảnh thơi.

"Trước đây, mình hay đi ô tô về quê nhưng thường rất chật chội. Năm nay mình muốn thay đổi, trải nghiệm đi tàu một lần. Lần đầu tiên này thực sự rất ý nghĩa với mình vì tàu không bị đông. Ngồi trên tàu, ngắm thành phố chầm chậm đi qua tầm mắt, mình cảm giác đúng như một chuyến trở về nhà, không tất bật, chen chúc", anh Hợp chia sẻ.

Ngồi tàu về quê ăn Tết giúp vợ chồng anh Hợp có được khoảng thời gian thư thái sau 1 năm làm việc hết mình. Ảnh: Lam Giang

Ngồi một mình trong toa hạng sang của chuyến tàu chở khách đi từ TP.HCM, Huỳnh Quốc Nam (SN 1992, quê Bình Định) háo hức chờ đợi giây phút đoàn viên cùng gia đình. Do tính chất công việc, Nam không thường xuyên về quê.

Trong năm, bố mẹ Nam thường xuyên di chuyển từ Bình Định vào TP.HCM thăm con trai. Đầu năm nay, công việc của Nam gặp nhiều khó khăn và chỉ khởi sắc trở lại vào giai đoạn cận Tết. Do vậy, anh chọn cách hoàn tất công việc, chấp nhận về Tết trễ để có thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm.

Nam nói: “Trong năm, tôi ít về quê nên khi về dịp Tết tôi rất háo hức. Không chỉ được đoàn viên cùng gia đình, tôi còn được gặp gỡ gần như tất cả bạn bè nên rất vui. Tết này, tôi về quê với tâm trạng bỏ lại công việc sau lưng nên rất thoải mái. Tôi sẽ vui chơi, tận hưởng cái Tết trọn vẹn cùng gia đình, bạn bè”.

Quốc Nam về quê ăn Tết trong tâm thế bỏ lại công việc sau lưng và háo hức chờ đợi giây phút đoàn viên cùng gia đình, người thân. Ảnh: Hà Nguyễn

Hơn 10 năm nay, gia đình chị Quỳnh Anh (36 tuổi) đều đi tàu về Nghệ An ăn Tết. Chị cho biết mình chọn đi tàu vì đường sá tiện, an toàn và không say xe. Bé Quỳnh Chi (6 tuổi), con gái chị Quỳnh Anh, rất thích thú khi năm nào cũng được theo bố mẹ đi tàu Tết.

Từ năm 2006, chị Quỳnh Anh đã ra Hà Nội học đại học và chỉ đi tàu mỗi dịp về quê. Gần 20 năm "ngược xuôi" Hà Nội – Nghệ An, chị chứng kiến sự thay đổi từng ngày của ngành đường sắt.

"Ngày trước đi tàu hỏa, mình sợ nhất là điều hòa vì không chỉnh được gió, sợ con ngủ bị nhiễm lạnh. Nhưng bây giờ, mình rất ấn tượng với sự thay đổi về cơ sở vật chất của tàu, mới mẻ và sạch sẽ hơn nhiều. Con mình rất háo hức", chị nói thêm.

Chị Quỳnh Anh cùng gia đình thư giãn trên tàu SE5. Ảnh: Lam Giang

Bên cạnh những người muốn có trải nghiệm thì cũng có những người vì hoàn cảnh phải lên tàu về quê. Đó là trường hợp của ông Hoàng Văn Huệ (60 tuổi) và vợ Lê Thị Hiền (55 tuổi) ở Thanh Hóa. Ông Huệ cho biết, hai vợ chồng ra thăm con dâu mới sinh và phải vội bắt chuyến tàu ngày cuối cùng để kịp về quê đón giao thừa.

Ông cho biết, xe khách về Thanh Hóa ngày này không có nên vợ chồng ông buộc phải đi tàu. Vì là lần đầu tiên nên ông bà rất lo lắng. “Lên rồi mới thấy đi tàu khá thú vị, sạch sẽ lại an toàn. Vợ chồng tôi chỉ cần ngủ một giấc là tới nhà”, bà Hiền nói.

Bà Hiền hồi hộp không biết có kịp về quê đón giao thừa hay không. Ảnh: Lam Giang

Sân ga Hà Nội và TP.HCM nhộn nhịp ngày 30 Tết. Khoảnh khắc dòng người hối hả lên chuyến tàu cuối năm trở về nhà đón Tết để lại nhiều ấn tượng cho những người chứng kiến.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/25-nam-an-tet-o-que-chong-con-gai-ve-mong-thay-me-100-tuoi-binh-an-2248561.html